Dự kiến điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) HSA do Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội tổ chức sẽ bằng hoặc thấp hơn những năm trước đây nếu như chỉ tiêu và phương thức xét tuyển của các trường ĐH không thay đổi.
Phổ điểm không biến động
Theo phổ điểm kỳ thi HSA 2024 vừa được ĐH Quốc gia Hà Nội công bố, điểm cao nhất của kỳ thi năm 2024 là 129/150; thấp nhất 17/150; điểm trung bình là 76,5/150; độ lệch chuẩn là 13,3.
Đáng chú ý, số lượt thí sinh dự thi HSA tăng khoảng 15-25% mỗi năm nhưng điểm trung bình và trung vị tương đối ổn định trong 3 năm trở lại đây.
Đến thời điểm này, các trường đã công bố đề án tuyển sinh ĐH 2024. Trong đó, nhiều trường đưa ra mức điểm xét tuyển đối với kết quả kỳ thi HSA như Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đang lấy sàn cao nhất với 120/150 điểm cho ngành Y khoa và 100 điểm cho các ngành còn lại. Điểm sàn của các trường khác chủ yếu ở mức 75-80 điểm. Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội xét từ 100 điểm trong khi những thí sinh có kết quả thi từ 66 điểm đã có cơ hội nộp hồ sơ vào Học viện Hàng không.
Nhìn lại mùa tuyển sinh 2023, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết có 7.561 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào các đơn vị của ĐH Quốc gia Hà Nội nhờ điểm thi HSA. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh cũng trúng tuyển vào các trường ĐH khác nhờ kết quả HSA.
Hiện các thí sinh đã nhận được phiếu báo điểm của tất cả các đợt thi HSA năm 2024 có thể nghiên cứu đề án tuyển sinh của các trường ĐH có sử dụng kết quả bài thi HSA, trong đó lưu ý điểm sàn cũng như các tiêu chí phụ để chuẩn bị hồ sơ xét tuyển sớm. Đồng thời đối chiếu với điểm chuẩn trúng tuyển những năm gần đây vào ngành học đó để có sự lựa chọn phù hợp.
Lưu ý với bài thi HSA
Hiện nay đa phần các trường ĐH sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để xét tuyển theo tổng số điểm bài thi. Đây là một thách thức với thí sinh bởi thông thường, mỗi thí sinh sẽ có thế mạnh về Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội, không có nhiều thí sinh học giỏi đều tất cả các môn.
Ths Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, từ một kỳ thi nội bộ dùng cho 10 trường của ĐH Quốc gia Hà Nội thì nay đã có 90 trường sử dụng kết quả đó. Trong đó, 17 trường quân đội lần đầu sử dụng điểm của kỳ thi này. Tương tự, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM có hơn 100 trường công nhận, còn kỳ thi đánh giá dư duy TSA của ĐH Bách khoa Hà Nội là hơn 30 trường. Kỳ thi của nhóm Sư phạm cũng tăng số lượng trường dùng để xét tuyển, trong đó có cả 1 trường Y - Dược. Điều này cho thấy sự “lên ngôi” của các kỳ thi riêng khi mở ra cơ hội xét tuyển vào ĐH của nhiều trường mà không phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Không những giảm áp lực thi cử, thí sinh có thể dùng kết quả một kỳ thi để nộp vào hàng chục trường cũng là một lợi thế. Bên cạnh đó, sự ổn định qua nhiều năm của các kỳ thi cũng là lý do thu hút thí sinh.
Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý vì cấu trúc các bài thi khác nhau nên nội dung ôn tập cũng không giống nhau. Dù các kỳ thi đa số không giới hạn số lần thi nhưng thống kê những năm qua cho thấy, số thí sinh cải thiện điểm số của kỳ thi trong một thời gian ngắn không nhiều nên cần cân nhắc số lần và thời điểm dự thi để đạt kết quả tốt nhất.
Thí sinh cũng lưu ý, từ năm 2025, bài thi ĐGNL HSA sẽ có sự thay đổi để chuẩn bị cho chương trình kiểm tra đánh giá đối với thí sinh theo học Chương trình GDPT mới 2018. Cụ thể, sẽ điều chỉnh cả hình thức lẫn nội dung bài thi nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định, kế thừa thành tựu đạt được thời gian qua. Cấu trúc bài thi giữ nguyên như hiện nay với điều chỉnh về hình thức ở phần 3 và cách thiết kế câu hỏi chuẩn hóa. Với phần 3, thí sinh sẽ được lựa chọn 3 trong 5 chủ đề thuộc lĩnh vực Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.
Riêng phần lựa chọn liên quan đến Ngoại ngữ đang xây dựng thành một hợp phần riêng thay thế phần Khoa học để ĐGNL chuyên biệt.
Về nội dung, bài thi sẽ bổ sung câu hỏi chùm, trong một ngữ cảnh dữ liệu đầu bài có 1-3 ý hỏi khác nhau để ĐGNL tổng hợp của thí sinh. Câu hỏi chùm cũng cho phép khai thác các chủ đề mới với ngữ liệu cho trước, đòi hỏi thí sinh phải nhận định, phân tích và đưa ra phương án giải quyết vấn đề đã cho.