Công tác tư vấn tâm lý học đường đang dần được chú trọng, nhưng vì nhiều lý do nên hoạt động này trong trường học vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Lo ngại sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên
Với sự phát triển của xã hội, các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, stress, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ... sẽ tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, năm 2019, ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số. Nghĩa là có gần 15 triệu người mắc. Trong đó, tỷ lệ mắc tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm 5-6% dân số; còn lại là các rối loạn tâm thần khác. Ở trẻ em, hơn 3 triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Khoảng trống trong công tác tư vấn tâm lý học đường dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả vì nhiều lý do. Trong đó, một trong những biểu hiện rõ nhất đó là trình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra với những biểu hiện ngày càng trầm trọng, gây nên nhiều lo lắng cho việc đảm bảo an toàn trong môi trường học đường. Nhiều vụ việc đánh nhau, gây tổn thương bằng lời nói, hành động xảy với tính chất ngày càng nghiêm trọng mà nguyên nhân chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, các em đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với truyền thống đạo lý, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú chỉ ra bên cạnh các nguyên nhân do đặc điểm tâm lý lứa tuổi; tính hiếu thắng, muốn thể hiện bản thân; những mâu thuẫn phát sinh qua giao tiếp; học sinh (HS) bị ảnh hưởng bởi cảnh bạo lực trong phim ảnh, sách báo; cha mẹ thiếu sự quan tâm giáo dục con em về ý thức phòng tránh bạo lực... thì còn do công tác tư vấn tâm lý học đường chưa được quan tâm đúng mức.
Cần thiết bổ sung đội ngũ
Thông tư 20/2023 của Bộ GDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo phổ thông được Bộ GDĐT ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 16/12/2023. Theo đó, mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông được bố trí 1 người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh. Trường hợp không bố trí được biên chế thì trường ký hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm. Dẫu vậy, ghi nhận thực tế đến nay, sau nửa năm Thông tư chính thức có hiệu lực, công tác tư vấn tâm lý trong nhiều trường học vẫn… dậm chân tại chỗ do thiếu nhân lực có chuyên môn đảm nhiệm.
Để giúp HS có kênh hỗ trợ tâm lý, giảm bớt các vấn đề tiêu cực trong trường học, nhiều trường cũng có đề xuất về biên chế cho nhân viên tư vấn tâm lý cho HS nhưng trong khoảng thời gian ngắn khó có thể tuyển được nhân sự phù hợp. Đó là chưa kể tại nhiều trường, để triển khai chương trình GDPT mới 2018 còn đang thiếu nhiều giáo viên ở một số môn nên nhà trường và các cơ quan chức năng sẽ ưu tiên tuyển dụng các giáo viên này trước theo nguyên tắc ở đâu có HS, ở đó phải có giáo viên.
Trong thời gian trước mắt, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường. Đồng thời tăng cường phối hợp các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho HS trong các nhà trường, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các phòng tư vấn tâm lý tại các nhà trường. Thiết lập kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ HS về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh; tư vấn, tham vấn riêng, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn; tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác.
PGS.TS Võ Văn Bản - Chủ tịch Hội tâm lý trị liệu Việt Nam cho rằng, hiện nay mới chỉ có các trường thuộc Bộ GDĐT, còn trong hệ thống khoa học sức khỏe chưa có đào tạo về tâm lý học lâm sàng. Trong chương trình đào tạo các Bộ môn Tâm thần ở các trường đại học y khoa có chương trình đào tạo lý thuyết về các liệu pháp tâm lý, các trắc nghiệm tâm lý ở mức sơ lược và thiếu thực hành. Vì vậy, để chuẩn bị tốt đội ngũ kế cận, cần quan tâm đào tạo cũng như tạo điều kiện thực hành cho các nguồn nhân lực trong lĩnh vực này để đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội.