Tham vấn tâm lý học đường: Giáo viên đang bị bỏ quên

VI CẦM 13/10/2023 06:14

Thời gian qua, nhiều thông tin liên quan đến bạo lực học đường, nhất là bạo lực đến từ phía người thầy đã khiến không ít phụ huynh cảm thấy hoang mang, lo lắng khi môi trường học đường có sự bất an.

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Tân Bình, TPHCM) đã tổ chức họp khẩn sau khi phụ huynh tố giáo viên đánh gãy xương ngón tay con mình. Phụ huynh của học sinh bị đánh cho biết, chiều ngày 4/10, bé đi học về và nói bị đau nhức tay, gia đình kiểm tra thấy bàn tay phải của bé bị sưng, ba mẹ hỏi thì bé nói bị cô giáo chủ nhiệm đánh bằng thước gõ nhạc cụ. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã giải quyết chuyển lớp cho em theo nguyện vọng của gia đình, đồng thời tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo có hành vi chưa chuẩn mực, báo cáo đầy đủ sự việc cho cơ quan chức năng.

Gần đây nhất, một giáo viên ở Trường THCS Bùi Thị Xuân (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cũng đã bị kiểm điểm, liên quan tới sự việc nữ sinh lớp 9 rơi từ tầng 8 chung cư tử vong. Hiện cơ quan công an đang điều tra, làm rõ sự việc.

Trước đó, một thầy giáo dạy tiếng Anh ở Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất, Hà Nội) xưng hô “mày - tao”, mắng chửi học sinh gây xôn xao dư luận. Ông Phùng Đức Ánh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong cuộc họp Ban Thi đua khen thưởng, thầy giáo nói trên đã tự kiểm điểm hành vi của mình vì vi phạm đạo đức nhà giáo; đồng thời nộp đơn xin nghỉ việc từ ngày 4/10, đến nay đã được Hội đồng Trường THPT Phan Huy Chú chấp thuận.

Dẫu biết những câu chuyện trên chỉ là số ít, nhưng một lần nữa vấn đề ứng xử của giáo viên với học sinh nói riêng và văn hóa ứng xử học đường cần nâng cao hơn nữa sự chuẩn mực.

Tại Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” có đề cập cụ thể đến sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Trong đó, nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả. Xây dựng kế hoạch và tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho người học thông qua các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa…

Như vậy, trong việc xây dựng môi trường văn hóa học đường, vai trò của người thầy rất quan trọng. Đáng tiếc, trên thực tế, trong các trường học hiện nay đã có một số bộ quy tắc ứng xử nhưng chưa thực sự hiệu quả. Hơn thế, nhiều hành vi lệch chuẩn, bạo lực lại xuất phát từ phía người thầy.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, đây là điều đau xót với ngành giáo dục. Nếu để sự việc xảy ra mới thực hiện chế tài là quá muộn. Do đó, thay vì chế tài thì cần có biện pháp để hạn chế bạo lực học đường.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các sự việc như trên, theo các chuyên gia đã chỉ ra rằng, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng dễ gặp áp lực tinh thần từ công việc và cần được chia sẻ. Theo nghiên cứu mới nhất của Học viện Quản lý Giáo dục, gần 60% giáo viên có biểu hiện stress (căng thẳng) trong công việc, 35 - 40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc và một tỷ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm. Công việc tăng, áp lực căng thẳng nên việc được chia sẻ chính là nhu cầu cần thiết của mỗi giáo viên hiện nay.

Giờ đây, rất nhiều trường học có phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng lại đang mặc định chỉ giải quyết các vấn đề của học sinh, mà hầu như bỏ quên thầy cô. Trong khi để tạo lập môi trường sư phạm văn minh, hạnh phúc thì không thể thiếu vai trò của người thầy. Ngoài kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, nhu cầu đào tạo cho giáo viên kỹ năng giải quyết tình huống càng trở nên cần thiết. Đây là vấn đề cần được các trường nhìn nhận cấp thiết bởi trường học hạnh phúc chỉ được tạo lập khi cả thầy và trò thực sự được yêu thương, chia sẻ.

Thầy và trò là mối quan hệ rất đặc biệt, bởi không chỉ đơn thuần có sự kết nối về kiến thức mà còn gieo yêu thương, niềm tin, cảm xúc. Quan niệm giáo dục ở mỗi giai đoạn cũng cần được nhìn nhận cho phù hợp. Thay vì giáo dục áp đặt, một chiều như nếp nghĩ cũ, giờ đây thế hệ học sinh công dân toàn cầu mong muốn quan hệ thầy trò là sự tôn trọng lẫn nhau. Vì thế, trường học không thể là nơi để giáo viên dùng bạo lực thể hiện bản thân, giải tỏa áp lực mà phải là nơi những giá trị đạo đức căn bản được thực hiện với hành vi ứng xử chuẩn mực và văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham vấn tâm lý học đường: Giáo viên đang bị bỏ quên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO