Bây giờ chúng ta mới bàn đến việc phát triển phòng tham vấn tâm lý học đường ở mỗi trường học là quá muộn, quá lạc hậu so với sự đòi hỏi của sự sống ở mỗi trường học. Vấn đề này, các nước có nền giáo dục tiên tiến người ta đã giải quyết từ đầu và giữa thế kỷ 20 rồi. Song với Việt Nam, muộn mà có vẫn hơn không có.
Phòng Tâm lý học đường trước hết sứ mệnh của nó là đưa tiến bộ của khoa học tâm lý giáo dục đến với các trường học, giúp cho thầy và trò mỗi nhà trường thành công (hoặc bớt khó khăn) trong cuộc sống.
Nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục trước hết phải của mỗi nhà trường, chứ không phải độc quyền của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam hay các trường đại học sư phạm. Ở đâu có nhu cầu, ở đó khoa học có sự sống.
Tổng kết mô hình các trường học tiên tiến thực chất có chất lượng hiện nay phải đứng vững trên 3 chân kiềng: Xây dựng được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tâm huyết, có đủ năng lực sư phạm dám hy sinh, dám cống hiến; Vận dụng được những tiến bộ khoa học Tâm lý giáo dục vào thực tiễn giảng dạy, các hoạt động giáo dục của mỗi thầy cô giáo; Tổ chức quản lý nhà trường sao cho có hiệu quả và vì mục tiêu chất lượng, vì sự phát triển bền vững của mỗi học sinh, của mỗi thầy cô giáo trong mỗi nhà trường.
Hình thức phát triển giáo dục theo lối đồng loạt, theo cách áp đặt hoặc chạy theo phong trào, thành tích ảo không còn thích hợp với mô hình trường thế kỷ 21. Phòng tham vấn tâm lý học đường ở mỗi trường học là lực lượng quan trọng trực tiếp giải quyết những vấn đề vướng mắc tâm lý xã hội của học sinh một cách chuyên nghiệp và khoa học.
Trong nền kinh tế thị trường, xã hội có nhiều biến động tác động đến mỗi cá nhân, mỗi gia đình, tạo ra nhiều áp lực lên thế hệ trẻ. Đặc biệt tỷ lệ các gia đình ly tán ngày một cao, tình trạng giáo dục gia đình đang bị khủng hoảng dẫn đến trẻ bị tự kỷ, bị suy nhược về tinh thần, mất niềm tin, dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… Nếu nhà trường không có một lực lượng tháo gỡ kịp thời, những học sinh là nạn nhân không chỉ thuyên giảm, chắc chắn còn lây lan, nâng tỷ lệ trẻ khó giáo dục trong mỗi nhà trường ngày một tăng.
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, chưa thể đưa vào giáo dục gia đình để ngăn chặn, tại sao nhà nước không đầu tư để các nhà trường tham gia giáo dục, ngăn chặn? Không có bộ phận tâm lý học đường phối hợp các lực lượng giáo dục một cách chuyên nghiệp, khoa học, chúng ta không thể tiến hành phòng chống có hiệu quả trong học sinh.
Thứ nữa văn phòng tham vấn Tâm lý học đường còn có một nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh, nhất là với học sinh THCS, THPT, giáo dục Việt Nam đang chuyển hướng sang rèn phẩm chất năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh mà không có lực lượng chuyên trách để làm thì định hướng đó không khả thi.
Bộ GD&ĐT phải sớm có quyết định cho phép các nhà trường được xây dựng các phòng tham vấn tâm lý học đường với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quan trọng cả điều kiện lực lượng chuyên trách, cơ sở vật chất và tiền lương của phòng tham vấn tâm lý học đường. Danh có chính, ngôn mới thuận, nếu không đề án sẽ mãi mãi chỉ là đề án, không thể trở thành niềm vui, hạnh phúc của thầy trò trong mỗi nhà trường.
Đào tạo bồi dưỡng lực lượng chuyên trách làm Tâm lý học đường bằng 2 con đường: Lấy từ SV các khoa tâm lý giáo dục trong các nhà trường sư phạm. Một lực lượng khác không kém phần quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng chính những giáo viên chủ nhiệm, cán bộ Đoàn, bất kể những giáo viên nào có đủ năng lực sư phạm, say mê với công việc Tâm lý học đường đều có thể đào tạo tại chức rồi chọn lọc và khi họ làm kiêm nhiệm cũng phải có chế độ tiền lương thỏa đáng để lôi kéo được người giỏi làm Tâm lý học đường.
Đặc biệt, một lực lượng quan trọng phải được đào tạo đủ kiến thức Tâm lý học đường là các cán bộ quản lý các nhà trường cùng với lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách. Lãnh đạo các nhà trường không nắm được Tâm lý học đường thì các phòng tư vấn tâm lý học đường sẽ làm việc kém hiệu quả.
Sản phẩm của các nhà quản lý trong các trường học không chỉ là hiệu quả của công việc quản lý hành chính, mà chủ yếu sản phẩm của họ phải là sự phát triển bền vững của nhân cách cả thầy và trò trong mỗi nhà trường. Các cán bộ quản lý không nắm được và không biết vận dụng khoa học tâm lý giáo dục họ khó có thể thành công.
Một vấn đề cần thiết để văn phòng tham vấn tâm lý học đường hoạt động là phải bố trí phòng riêng cho số cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách hoạt động với đầy đủ trang thiết bị truyền thông và bàn ghế tối thiểu để làm việc.
Văn phòng tư vấn tâm lý học đường trong mỗi trường học hiện nay cần sớm được hiện thực hóa trong các nhà trường. Đây là sự đòi hỏi cấp bách từ cơ sở nhận thức, từ cơ sở phát triển khoa học Tâm lý giáo dục và còn là sự đòi hỏi cấp bách từ thực tế đời sống của học sinh trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nếu chúng ta còn tiếp tục chần chừ chờ đợi là chúng ta có lỗi, có tội với thế hệ trẻ, với mỗi gia đình Việt Nam hiện nay.