Cơ hội từ ngành công nghiệp bán dẫn

Thu Hương (thực hiện) 14/11/2023 06:18

Không phải đến bây giờ, khi thị trường đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực ngành bán dẫn, các trường mới bắt đầu nghiên cứu đào tạo mà đã có sự chuẩn bị từ trước.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương. Ảnh: T.Hương.

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) liên quan đến sự chuẩn bị cho việc đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

PV: Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam cần 150.000 kỹ sư/năm, riêng nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã chuẩn bị cho thực tế này như thế nào, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương: Một chỉ đạo mang tính định hướng lớn thể hiện trong đề án phát triển mà Chính phủ đã phê duyệt, là đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực. Đề án tập trung chủ yếu vào những ngành nghề xã hội cần, thậm chí cả những ngành nghề chưa có trong giai đoạn hiện nay nhưng trên thế giới đã xuất hiện, đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực để đón đầu xu hướng phát triền của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước chứ không phải đến bây giờ, khi thị trường đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực các trường mới bắt đầu nghiên cứu đào tạo. Do đó, điều này không quá bất ngờ nhưng vẫn là một yêu cầu cao. Cùng với hệ thống giáo dục đại học, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm phát triển nội dung này. Hiện chúng tôi đã bắt đầu triển khai ở một số trường được đầu tư phát triển công nghệ cao, có lợi thế về thiết bị, nhà giáo, về chương trình đào tạo... có thể đồng loạt triển khai đào tạo, xây dựng các hướng để đào tạo nguồn nhân lực này. Tất nhiên, đây là bài toán dài hơi, không thể chỉ 1, 2 năm có thể hoàn thành mà cần sự đầu tư lâu dài, bài bản.

Các trường cần có sự chuẩn bị sát nhất về đội ngũ nhà giáo. Các chương trình đào tạo cũng phải thực sự bám sát nhu cầu của thị trường. Không thể đặt ra yêu cầu quá vĩ mô mà chúng ta phải xác định rõ đào tạo ra nguồn nhân lực ra sao, con người thế nào để có sự chuẩn bị phù hợp. Đương nhiên có nhiều phân khúc thị trường song các trường phải xác định cho đúng, trúng hướng đi của mình để từ đó có được bước phát triển phù hợp. Đồng thời phải có sự đầu tư rất cẩn trọng và thường xuyên cập nhật, thay đổi để bắt kịp với sự thay đổi của thị trường.

Những năm gần đây, học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học trung cấp nghề kết hợp học văn hóa ngày càng tăng. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã được các nhà trường chú trọng. Bà đánh giá thế nào về những chuyển động này?

- Trước hết, tôi cho rằng hiện nay các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương đã đẩy mạnh ở khía cạnh tuyên truyền, tháo gỡ các rào cản cũng như có sự chuẩn bị rất tốt để học sinh sau tốt nghiệp THCS có thể tham gia hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, hiện có nhiều hướng mở để học sinh lựa chọn. Không phải mọi ngành các em đều có thể học mà còn phải phù hợp về độ tuổi, đặc thù môi trường học tập nên các ngành nghề các em có thể tham gia ở lứa tuổi này cũng được các trường chọn lọc cẩn trọng. Kể cả việc tính toán tuổi của học sinh tham gia hệ thống giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS cũng đã được nghiên cứu kỹ.

Thực tế cũng ghi nhận có nhiều học sinh chủ động tìm tới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, hoặc do gia đình định hướng vừa học nghề vừa học THPT. Các trường hiện nay làm rất tốt việc này. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp ngày một tăng những năm gần đây nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ đặt ra về chỉ tiêu phân luồng sau THCS. Tất nhiên, những chuyển động như thế này đang dần tiệm cận chỉ tiêu mà chúng ta đã đưa ra đến năm 2025, có 40% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Trân trọng cảm ơn bà!

Giáo dục nghề nghiệp hiện đang có rất nhiều cơ hội phát triển với 3 thế mạnh vượt trội, bao gồm: tạo ra những lao động trực tiếp, đáp ứng ngày càng linh hoạt, thường xuyên của thị trường lao động. Các chính sách của Đảng và Nhà nước quan tâm đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch mạng lưới các trường, các nghị quyết, chỉ thị đều nhấn mạnh yêu cầu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu phát triển rất nhanh của thị trường. Nhận thức của xã hội về việc học nghề cũng đang dần thay đổi.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội từ ngành công nghiệp bán dẫn