Năm 2023 lần đầu tiên áp dụng phương án cộng điểm ưu tiên mới trong xét tuyển đại học (ĐH) đặt ra những lo ngại về cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của học sinh vùng khó. Cánh cửa này dường như càng hẹp hơn khi nở rộ các kỳ thi riêng mà phần lớn học sinh ở vùng sâu, vùng xa khó có điều kiện tham dự.
Vấn đề thay đổi điểm cộng ưu tiên trên thực tế đã từng nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội ngay từ khi còn là dự thảo bởi thống kê cho thấy, số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm 75% số lượng tốt nghiệp hàng năm. Ở năm đầu tiên áp dụng quy định mới, những thí sinh đạt 22,5 điểm trở lên khi xét tuyển ĐH không được cộng tối đa điểm ưu tiên; đạt 30 điểm sẽ không được cộng. Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng sẽ giảm dần theo tổng điểm họ đạt được và áp dụng không chỉ với thí sinh xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà còn với các phương thức khác, bằng cách quy ra thang điểm tương đương để xác định mức ưu tiên phù hợp.
Lo ngại về nguy cơ trượt ĐH mơ ước vì không có điểm ưu tiên như những năm trước của nhiều học sinh vùng không thuận lợi là thực tế đang diễn ra. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều trường ĐH đã công bố đề án tuyển sinh 2023 với thông báo giảm chỉ tiêu tuyển sinh từ điểm thi tốt nghiệp THPT khiến nhà trường và thí sinh càng lo lắng. Bởi với thí sinh vùng khó, việc xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương án chủ yếu, phổ biến trong những năm qua.
Với các kỳ thi riêng, do hạn chế về địa điểm tổ chức, không nhiều thí sinh ở các vùng sâu, vùng xa có điều kiện di chuyển về các thành phố lớn để tham dự. Đó là chưa kể hạn chế về chi phí nên dù được tổ chức nhiều đợt và đăng ký dễ dàng nhưng không phải thí sinh nào cũng có thể đăng ký trong khi với thí sinh ở thành phố, ghi nhận những mùa thi vừa qua, có không ít thí sinh thi 2, 3 lần đối với kỳ thi đánh giá năng lực do các ĐH tổ chức.
Cũng vì ít thí sinh đăng ký nên việc ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi riêng do các ĐH tổ chức ở các trường THPT ở vùng sâu, vùng xa hầu như còn bỏ ngỏ. Giáo viên chủ yếu quan tâm ôn luyện các kiến thức gắn liền với kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới trong khi ở thành phố, nhiều trường ĐH đã tới tận trường phổ thông giới thiệu về kỳ thi riêng do trường tổ chức, nên học sinh càng tăng thêm lợi thế am hiểu hơn, giáo viên cũng có kinh nghiệm hỗ trợ hơn cho các em muốn đăng ký tham dự thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…
Với phương thức xét tuyển khác như chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp lại càng khó khăn hơn đối với thí sinh miền núi, vùng sâu vùng xa. Không chỉ về việc đăng ký dự thi mà chi phí ôn luyện để đạt kết quả cao trong các kỳ thi này không hề rẻ. Còn nếu thí sinh không luyện thi mà chỉ tự học theo tài liệu trên mạng hoặc theo chương trình ở trường phổ thông thì để khó cạnh tranh với những thí sinh học ôn bài bản từ nhiều tháng trước.
Theo TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam), điều này cũng đặt ra thách thức cho các trường phổ thông cần phải thay đổi chiến thuật học và ôn thi để làm sao tăng khả năng cạnh tranh của học sinh trong cuộc đua vào ĐH. Tuy nhiên, về mặt quản lý cũng cần xem xét, nghiên cứu kỹ để làm sao đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận giáo dục ĐH với các thí sinh ở vùng khó.
“Tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường nhưng cần có những giải pháp để bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục ĐH cho thí sinh vùng khó” - ông Khuyến nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ GDĐT, tỷ lệ thí sinh khu vực miền núi phía Bắc nhập học ĐH năm 2022 là 33,37% so với tổng số học sinh tốt nghiệp THPT, thấp nhất cả nước; tiếp đến là khu vực Tây Nguyên với hơn 42%, trong khi tỷ lệ này ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là khoảng 55%. Tới đây, sau khi kết thúc mùa tuyển sinh 2023 cần có những thống kê đầy đủ về tỷ lệ đỗ ĐH của học sinh các vùng này so với những năm trước. Việc thay đổi điểm cộng ưu tiên có ảnh hưởng như thế nào đến việc trúng tuyển ĐH của các nhóm thí sinh, từ đó có những đề xuất phù hợp để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng của các thí sinh, đặc biệt là thí sinh ở vùng khó khăn.