Giáo dục

Cơ hội vào đại học sớm

Hàn Minh 04/12/2023 09:13

Ngày 3/12, Đại học Bách khoa Hà Nội khởi động kỳ thi đánh giá tư duy 2024 đợt đầu tiên với hơn 2.800 thí sinh dự thi ở 8 tỉnh thành phố.

anh-bai-phu.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy tại Hà Nội. Ảnh: HUST.

Năm nay, ĐH Bách khoa khoa Hà Nội tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy (ĐGTD) tuyển sinh 2024. Các đợt thi kế tiếp sẽ diễn ra trong năm 2024, đợt cuối cùng vào ngày 15 và 16/6. Các đợt thi được tổ chức tại 8 địa phương, bao gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn làm giảm tải áp lực thi cử. Các trường đại học tuyển sinh giảm dần phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT với các phương thức riêng đảm bảo chọn được đúng thí sinh phù hợp với ngành học không chỉ về mặt kiến thức, kỹ năng, đam mê…

Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm là với lứa học sinh đầu tiên sẽ tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, các kỳ thi riêng sẽ có thay đổi hay không về cấu trúc đề thi hay câu hỏi, phạm vi thi? Học sinh cần có sự chuẩn bị như thế nào để gia tăng lợi thế trong kỳ thi riêng của ĐH Bách khoa Hà Nội và các kỳ thi riêng khác do các trường tổ chức?

Hiện các kỳ thi riêng như thi ĐGTD của ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh được thi không giới hạn số lần. Kết quả được sử dụng để xét tuyển vào nhiều trường ĐH trong cả nước ở các khối ngành Khoa học công nghệ, Kinh tế, Kỹ thuật, Công nghiệp, Nông nghiệp, Tài chính, Ngân hàng, Y -dược… Dù vậy, ở mùa tuyển sinh 2023 mới có 32 trường ĐH, học viện sử dụng kết quả kỳ thi ĐGTD của ĐH Bách khoa Hà Nội làm căn cứ tuyển sinh. Tới đây, nếu mạng lưới các trường sử dụng kết quả kỳ thi này tăng lên sẽ càng giảm bớt áp lực và nguồn lực xã hội trong công tác thi cử; giảm bớt chi phí cho học sinh, phụ huynh. Đặc biệt là giảm bớt gánh nặng về dạy thêm, học thêm bởi theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, đề thi không xoáy vào kiểm tra kiến thức đơn thuần, mà tập trung đánh giá tư duy. Ông Điền cho biết nhiều câu hỏi thậm chí đã cung cấp kiến thức, thí sinh cần dùng kiến thức đó để giải quyết yêu cầu của đề bài. Như vậy, dù năm nay kỳ thi khởi động sớm khi chưa kết thúc học kỳ I nhưng cũng không ảnh hưởng tới việc làm bài.

“Đề thi được thiết kế theo hướng chuẩn hóa tư duy, mà đã liên quan tới tư duy thì khó để cải thiện trong thời gian ngắn. Các em thi liên tiếp sẽ không cải thiện được nhiều”, ông Điền đưa ra lời khuyên đối với thí sinh, rằng không nên thi hai lần liên tiếp mà cần dành thời gian chú ý học kiến thức nền tảng, có chiến lược làm bài phù hợp.

Kỳ thi ĐGTD lần đầu được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2020 với hình thức làm bài trên giấy. Sau năm 2021 phải hủy do Covid-19, kỳ thi tiếp tục diễn ra trong năm 2022.

Tới 2023, kỳ thi bắt đầu được tổ chức trên máy tính, diễn ra trong ba đợt, tăng quy mô và số lượng trường công nhận kết quả. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là hơn 10.200 với hơn 19.200 lượt thi do có những em đăng ký tham gia 2-3 đợt. Điểm trung bình của cả ba đợt thi năm 2022 là 54/100.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội vào đại học sớm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO