Việc đánh giá cán bộ còn hình thức, chất lượng cán bộ được quy hoạch còn thấp, một số trường hợp cán bộ luân chuyển không đảm bảo thời gian theo quy định, quy hoạch cán bộ còn khép kín...là những mặt hạn chế, thiếu sót trong công tác cán bộ của tỉnh Nam Định được Trung ương chỉ ra.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc
Chiều 24/8, đoàn công tác của Bộ Chính trị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định về việc thông qua báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 24 ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị (về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo) và việc thực hiện Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử (ban hành kèm theo Quyết định số 68 của Bộ Chính trị khóa X).
Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra đã thông qua toàn văn dự thảo báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh các nội dung thẩm tra, xác minh tới Ban thường vụ Tỉnh ủy Nam Định.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt đoàn kiểm tra, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu lên một số mặt tích cực, kết quả cũng như cách làm sáng tạo của tỉnh Nam Định trong công tác cán bộ, đồng thời chỉ ra một số mặt hạn chế, thiếu sót.
Trong đó, ông Trương Hòa Bình chỉ rõ: “Việc đánh giá cán bộ của tỉnh nhìn chung còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa chỉ đạo làm tốt quy trình lấy ý kiến tham khảo của các cấp, các ngành khi cấp có thẩm quyền nhận xét, đánh giá cán bộ”.
Tỉnh cũng chưa xây dựng và thực hiện cơ chế người đứng đầu đề xuất, chuẩn bị quy hoạch người thay thế mình; chưa thực hiện cơ chế người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; chưa thực hiện thí điểm giao quyền cho Bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu Ủy viên ban thường vụ.
Quy hoạch cán bộ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn khép kín, số lượng cán bộ đưa vào quy hoạch một số chức danh, một số giai đoạn chưa đảm bảo theo quy định, nhất là ở cấp cơ sở. Chất lượng một số cán bộ cấp cơ sở được quy hoạch chưa đảm bảo yêu cầu.
Tỉnh chưa kết hợp chặt chẽ việc đánh giá, nhận xét cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch. Tỷ lệ cán bộ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong quy hoạch của một số chức danh cấp huyện trong tỉnh còn thấp.
Cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạc cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy có địa phương chưa đạt yêu cầu. Việc rà soát bổ sung quy hoạch hàng năm còn đơn giản, thiếu chặt chẽ dẫn đến chất lượng rà soát, bổ sung quy hoạch có nơi chưa đảm bảo
Quang cảnh buổi làm việc.
Tỉnh cũng chưa xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch đồng thời với việc phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chưa chủ động trong việc đào tào, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
“Số lượng cán bộ luân chuyển còn ít, một số trường hợp cán bộ luân chuyển về địa phương chưa đảm bảo theo quy định”, Trưởng đoàn kiểm tra nhận xét. Liên quan đến nội dung này, thông tin tại buổi làm việc cho biết, thời gian qua tại tỉnh Nam Định có trường hợp cán bộ luân chuyển về địa phương mới chỉ được 10 tháng đã được chuyển về tỉnh.
Hiện tỉnh Nam Định mới chỉ có 4/9 huyện có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân; mới chỉ có 4/9 huyện có Chánh án Tòa án nhân dân không phải người địa phương, chưa đạt theo yêu cầu của Kết luận số 24.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ: Việc thực hiện luân chuyển ngang cán bộ của Nam Định chưa nhiều; luân chuyển cán bộ xã lên huyện còn gặp khó khăn. Một số nơi vẫn bị động, lúng túng trong việc bố trí cán bộ sau thời gian luân chuyển. Tỉnh cũng chưa xây dựng quy định về quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển; chưa thực hiện chế độ nhà công vụ và ban hành chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển.
Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện còn thấp. Chủ trương các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị có trên 30% cán bộ, công chức, viên chức là nữ thì phải có ít nhất một cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ chưa đạt yêu cầu. Nhiều địa phương trong tỉnh không có cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ. Tỉnh cũng chưa mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ...