Do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đến nay nhiều ngành công nghiệp của ta như ôtô, dệt may, cơ khí… chưa thể đạt được mục tiêu nội địa hóa như kỳ vọng.
Theo giới chuyên gia, con đường hướng đến công nghiệp hóa muốn thành công không còn cách nào khác phải phát triển bằng được ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính vì thế, việc ra đời của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã nhen lên niềm hy vọng.
Khó có thể công nghiệp hóa nếu công nghiệp hỗ trợ yếu.
Rất ít DN tham gia các tập đoàn đa quốc gia
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, nhưng chỉ khoảng 200 DN có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực xe máy, điện tử.
Trong khi đó, ôtô- một trong những ngành công nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam nhưng đến thời điểm này đã không thể đạt được tỷ lệ nội địa hóa như mục tiêu đặt ra.
Ngay như các ngành có lợi thế lớn về xuất khẩu như dệt may, da giày với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt mức tỷ USD song vẫn đang phải lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu các nguyên phụ liệu. Theo giới chuyên gia, Việt Nam sẽ khó có thể trở thành một nước công nghiệp hiện đại nếu như nền kinh tế vẫn chủ yếu là gia công, yếu về công nghiệp hỗ trợ.
Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ còn góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, nếu ngành công nghiệp hỗ trợ yếu cũng đồng nghĩa các ngành công nghiệp khó phát triển mạnh, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, làm chậm tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Số liệu của Bộ Công thương cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 500 DN hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ có 200 DN đủ trình độ tham gia sản xuất cho nước ngoài. Cũng theo số liệu ước tính của Bộ Công thương, ngành công nghiệp hỗ trợ đang lệ thuộc đến gần 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do có quá ít DN trong nước làm công nghiệp hỗ trợ, hoặc nếu có thì chỉ tham gia vào khâu đóng gói, bao bì.
Kỳ vọng khởi sắc
Để thúc đẩy mạnh mẽ, tạo động lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Quyết định 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến 2025 với mục tiêu tạo tiền đề, định hướng phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ban hành hồi tháng 2 vừa qua. Động thái trên của Chính phủ nhằm mục tiêu kết nối, hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, đồng thời xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này.
Đặc biệt, nhằm tập hợp, kết nối và nâng cao năng lực các DN công nghiệp hỗ trợ, ngày 18/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã chính thức được thành lập.
Theo đó, ngoài nhiệm vụ kết nối, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng sẽ đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp liên quan; tìm kiếm và kết nối với thị trường trong nước và xuất khẩu cho các DN.
Theo ông Trương Thanh Hoài- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công thương), Bộ đánh giá cao sự ra đời của Hiệp hội và kỳ vọng Hiệp hội sẽ là “cánh tay nối dài”, liên kết và phát huy sức mạnh của các DN hỗ trợ tại Việt Nam.
“Thời gian tới, sau khi thành lập, Hiệp hội sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương thúc đẩy sự phát triển của các DN công nghiệp hỗ trợ để giúp các DN trong ngành ngày càng gia tăng các giá trị hơn nữa”- ông Hoài nhận định.
Các DN cũng bày tỏ hy vọng rằng, tới đây, Hiệp hội sẽ có tiếng nói đến Chính phủ, các bộ, ngành để có được chính sách cụ thể đến với DN. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn, thông qua Hiệp hội, sẽ có thể kết nối được với các tổ chức quốc tế, có chuyên sâu về công nghệ để được nhận sự chuyển giao công nghệ từ đó”- ông Lê Hiền Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện và tự động hóa Tâm Phát nêu quan điểm.
Nhận định về những động thái, quyết sách của nhà quản lý đối với ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua, GS Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, các chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ mà Chính phủ đang thực thi là hết sức đúng đắn, từ đó có thể chắp cánh cho ngành công nghiệp này của Việt Nam. Ông cũng bày tỏ mong mỏi, các chính sách của Nhà nước khi ban hành cần được quảng bá rộng rãi để các DN ngành hỗ trợ có thể tiếp cận gần hơn.
Từ đó, sẽ có rất nhiều trong số hơn 600 ngàn DN vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ có thể bước chân vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia như các DN đã và đang kỳ vọng.