Công nghiệp văn hóa đang được quan tâm, trong đó TPHCM được xác định là địa phương đóng vai trò “đầu tàu” phát triển công nghiệp văn hóa. Gần đây, TPHCM đã làm gì và chưa làm được gì? Đâu là điểm nghẽn cản trở công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm tại TPHCM?
Từ đánh giá tiềm năng, lợi thế, tính chất đặc thù cũng như năng lực cạnh tranh, TPHCM đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, lựa chọn 8 lĩnh vực gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang.
Đề án được đưa ra từ tháng 10/2023 và nhắc lại tháng 7/2024, sau gần một năm quan sát, TS Hà Thanh Vân cho rằng TPHCM còn rất nhiều vấn đề tồn đọng chưa được thực hiện trong mọi lĩnh vực: “Có nghĩa gần một năm qua, nói thẳng là vẫn chưa có những hoạt động khởi sắc, hay nói cách khác là TPHCM vẫn dậm chân tại chỗ. Sự tháo gỡ khó khăn duy nhất có thể thấy là ở trong lĩnh vực điện ảnh. Nhân Liên hoan phim Quốc tế TPHCM 2024, TPHCM công bố chính sách sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp lĩnh vực điện ảnh vay tối đa 200 tỷ đồng trong 7 năm và không tính lãi suất. Nếu vay cao hơn 200 tỷ đồng thì mới phải tính lãi suất và có một bộ phân chuyên trách để phục vụ cho việc vay vốn này”.
Với đạo diễn Lê Thanh Phong, đã gọi là công nghiệp phải nhắc đến doanh thu, lợi nhuận, những nguồn lợi kinh tế. Chính vì thế, với một thành phố năng động như TPHCM thì quảng cáo và điện ảnh đang giữ thế thượng phong.
Ông Phong cho rằng, mỗi ngành đều có những thế mạnh riêng, và khi nói đến một ngành cũng không nhất thiết phải chính xác hoàn toàn, bởi mỗi ngành có những liên quan và ràng buộc nhau, như ngành quảng cáo vẫn phải sử dụng họa sĩ thiết kế đồ họa, diễn viên. Ngành điện ảnh lại cần quảng cáo, mỹ thuật, âm nhạc, thời trang… tiếp sức, cộng hưởng. Do đó, công nghiệp văn hóa có tính chất tổng hợp, tương tác, bổ trợ không thể tách rời của nhiều ngành… Theo đạo diễn Lê Thanh Phong: “Nói đến ngành nào phát triển để tập trung khai thác hoặc nói một ngành nào yếu để tìm cách khắc phục là việc làm manh mún, dẫn tới sự khập khiễng, không nhất quán đồng bộ”.
Đạo diễn Lê Thanh Phong nhận xét, gần đây ngành biểu diễn có những bước khởi sắc, các cuộc thi, liên hoan được mở rộng với các quy mô lớn nhỏ khác nhau. Nhưng việc này chưa tạo được hiệu quả mỹ mãn. Các hoạt động biểu diễn giao lưu có số lượng hơn những năm trước nhưng vẫn chưa xứng tầm một thành phố mạnh về văn hóa, đang vươn lên để hòa nhập trong khu vực và quốc tế:
“Các lễ hội nghệ thuật hoành tráng, quy mô hơn nhưng vẫn chỉ mạnh về hình thức, đẩy mạnh phần hiệu ứng, công nghệ, cần sự cân bằng giữa nội dung và hình thức, chiều rộng và chiều sâu, công nghệ và các giá trị văn hóa cốt tủy. Các nhà hát đang cố gắng hết sức để có thể có những buổi diễn, quảng bá cho tác phẩm. Họ còn có thể duy trì nhờ các hoạt động cho thuê cơ sở vật chất với các đơn vị đội nhóm ngoài hệ thống công lập. Còn với các nhóm tư nhân về nghệ thuật truyền thống thực sự rất khó khăn trong việc duy trì biểu diễn, họ phải tự làm nhiều khâu như tìm địa điểm biểu diễn, tìm tài trợ, phân phối vé…”.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển 8 lĩnh vực trong đề án bị dàn trải, trong khi cần nghiên cứu tập trung vào ngành thực sự là ưu điểm và mũi nhọn. Đạo diễn Lê Thanh Phong bày tỏ: “Tôi nghĩ TPHCM là một thành phố giàu tiềm lực, điều cần lúc này là đồng lòng chung sức vì mục đích lớn, nhìn rõ thế mạnh của mình và cả cái yếu, cái chưa được, đôi khi phải mạnh dạn tìm nhân tố mới trong đội ngũ sáng tạo, đãi ngộ các tài năng, các chính sách, thủ tục hành chính, thậm chí cách vận hành, cách tư duy cũng phải có những ứng biến tích cực theo nhu cầu thời đại cũng như hòa nhập khu vực và quốc tế”.
NSND Vương Duy Biên:
Cần thay đổi mạnh mẽ về tư duy
NSND Vương Duy Biên là nghệ sĩ nổi tiếng, các tác phẩm của ông đi vào đời sống và được công chúng yêu mến. Ông Vương Duy Biên từng là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Ông Vương Duy Biên chia sẻ: “TPHCM chọn 8 lĩnh vực công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030, bao gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Theo tôi, nếu dàn trải cả 8 lĩnh vực này thì sẽ có nhiều khó khăn và hiệu quả không đạt như mong muốn. Vì thế, cần phải lựa chọn lĩnh vực nào mà Thành phố có ưu thế, từng hoạt động hiệu quả và nổi trội. Trong đó, phải tính tới yếu tố bản sắc riêng. Công nghiệp văn hóa là phải xây dựng được bản sắc riêng biệt, chỉ TPHCM có được, mới tạo ra sự hấp dẫn, và công chúng trong nước cũng như quốc tế có nhu cầu đến thưởng thức, khám phá. Từ thành công của lĩnh vực văn hóa trọng điểm này, sẽ là hiệu ứng để phát triển lĩnh vực tiếp theo. Với kinh nghiệm của cá nhân tôi, TPHCM đang có thế mạnh về điện ảnh. Lĩnh vực điện ảnh được quan tâm, phát triển đầu tư sẽ tạo ra hiệu ứng xã hội lớn cả trong nước và quốc tế.
Việt Nam hiện nay đã và đang được nhiều đoàn làm phim nước ngoài tới quay phim, nhiều cảnh đẹp Việt Nam đã xuất hiện trên các bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” (Kong - Đảo đầu lâu), “Pan”, “Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc”, “Người tình”…
Nhờ vậy, thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn, Việt Nam cũng trở thành điểm du lịch yêu thích của quốc tế.
Vì thế, TPHCM nên đầu tư cho điện ảnh, tiến tới tổ chức Festival Điện ảnh quốc tế xứng tầm. Chúng ta biết về Liên hoan phim (LHP) Cannes - Pháp, một trong những LHP uy tín nhất thế giới. Họ tổ chức LHP ở đúng một địa điểm là thành phố nghỉ mát Cannes, cùng các sự kiện chính, cùng nội dung… mà tổ chức đều đặn hàng năm, từ năm 1946 đến nay. Để tổ chức được một Festival Điện ảnh quốc tế, chúng ta cần phải làm thương hiệu thật bài bản, nội dung phù hợp, tính toán cẩn thận, lường trước mọi vấn đề xảy ra, có bao nhiêu nước sẽ tham gia, bao nhiêu bộ phim trình chiếu, các giải thưởng…
Cần làm kiên trì thường xuyên, mỗi năm, thì dần sẽ tạo ra được thương hiệu. Sau điện ảnh, là lĩnh vực thời trang, nhiếp ảnh, mỹ thuật. Đây là những lĩnh vực “vô ngôn”, nên sự phủ sóng rộng dễ dàng, tiếp cận được với công chúng quốc tế không giới hạn. Về mỹ thuật, thành phố nên đầu tư khu trưng bày rộng rãi, xứng tầm, tiến tới tổ chức Festival Mỹ thuật quốc tế. Trước nhất cần tính toán đến thương hiệu, tên của Festival. Hiện nay các chương trình triển lãm mỹ thuật còn diễn ra nhỏ lẻ, mang tính chất cá nhân.
Chúng ta lúc này không chỉ trưng bày những bức tranh hay tượng trong nhà, mà còn phải mở rộng các loại hình mỹ thuật khác, trưng bày cả ngoài trời. TPHCM đã có thị trường mỹ thuật riêng, những trao đổi tác phẩm giữa nghệ sĩ và các nhà sưu tập ngày càng khá dần lên. Thế giới cũng đang quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam. Như năm 2015, khi mở trại sáng quốc tế mỹ thuật tại TPHCM đã có rất nhiều nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng đến, tham gia.
Tôi có cảm nhận TPHCM là thành phố quen với nền kinh tế thị trường, đây cũng là nơi giao lưu, buôn bán, đầu tư quốc tế. TPHCM đang là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có điều kiện cơ sở hạ tầng. Đây là điều kiện kích thích cho sự phát minh sáng tạo để thành phố có thể theo kịp với thế giới. Tôi tham gia nhiều sự kiện và thấy TPHCM rất nhanh tiếp cận với cái mới, mạnh dạn làm nhiều việc mang tính đột phá, chịu khó khám phá những lĩnh vực mới.
Đặc biệt thành phố đang có mong muốn xây dựng một thành phố sáng tạo và thành phố văn hóa. Để là thành phố văn hóa sáng tạo, tôi nhắc lại, không đầu tư dàn trải, mà cần xây dựng dứt điểm thương hiệu lớn, nổi tiếng trong nước và quốc tế. Phải nắm bắt được thị hiếu công chúng. Và tập trung cho việc truyền thông sự kiện công phu, bài bản. Để được như vậy, ngoài điều kiện về vật chất cơ sở hạ tầng, cần phải có đầu óc từ lãnh đạo thành phố đến tư duy nghệ sĩ tham gia. Cũng cần có sự đồng bộ phối hợp từ cả hai phía: nghệ sĩ giỏi cần lãnh đạo giỏi, lãnh đạo cũng cần tạo điều kiện cho nghệ sĩ thăng hoa. Tôi luôn nhấn mạnh yếu tố con người, tiếp theo là cơ chế. Nếu hợp tác công - tư không rõ ràng, không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng đồng hành thì sẽ rất khó triển khai.
Vì thế, cần cơ chế tốt, thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư làm văn hóa cùng. Thực sự, để làm tốt công nghiệp văn hóa, TPHCM cần một cuộc cách mạng, thay đổi mạnh mẽ về tư duy. Không nên chung chung mà cần đi vào giải quyết từng việc cụ thể”.
TS Hà Thanh Vân:
Thành phố sáng tạo điện ảnh lại khó khăn về vốn đầu tư
Với Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, TS Hà Thanh Vân đã có nhiều bài viết liên quan đăng tải trên các phương tiện truyền thông, bày tỏ tâm huyết cũng như đưa ra các vấn đề đang tồn đọng, cần được giải quyết.
Theo TS Hà Thanh Vân, 8 lĩnh vực được nêu ra đều là thế mạnh của TPHCM từ nhiều năm nay, thậm chí có nhiều lĩnh vực dẫn đầu cả nước. Trong đó, các lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm, quảng cáo, thời trang thì nổi bật hơn các lĩnh vực khác, đồng thời là thế mạnh, là nguồn thu nhập lớn: “Đặc biệt trong thời gian qua, TPHCM là nơi sản xuất những bộ phim có doanh thu hàng trăm tỷ đồng, rất ấn tượng, phù hợp với Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề ra chỉ tiêu đến năm 2030 thì ngành điện ảnh đạt doanh thu 250 triệu USD, tương đương hơn 6.000 tỷ VNĐ và các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% GDP cả nước”.
Vì sao mỹ thuật, nhiếp ảnh lại trở thành 2 trong 8 lĩnh vực văn hóa công nghiệp tại Thành phố, thưa chị?
TS Hà Thanh Vân: Tôi cho rằng đây cũng là hai thế mạnh của TPHCM. Thực tế nhiều năm qua, ngoài đội ngũ nghệ sĩ đông đảo, thì hai tổ chức là Hội Mỹ thuật TPHCM và Hội Nhiếp ảnh TPHCM có nhiều hoạt động sôi nổi và tạo ra được tiếng vang. Ngoài những hoạt động như sáng tác, triển lãm, tổ chức các cuộc thi, đi thực tế chuyên môn, giao lưu với các địa phương… thì hoạt động đào tạo của hai Hội này rất phong phú, đa dạng, thông qua các lớp học, khóa học chuyên môn từ cơ bản đến nâng cao, từ đó hình thành dần một đội ngũ nghệ sĩ thế hệ sau kế cận.
Đặc biệt tại TPHCM, trong hệ thống các trường đại học cả công lẫn tư, có khá nhiều trường đào tạo các chuyên ngành về mỹ thuật và nhiếp ảnh, cũng là một ưu thế lớn cho TPHCM. Các gallery nghệ thuật lớn tập trung chủ yếu tại TPHCM cũng là một điều kiện thuận lợi.
Hoạt động điện ảnh đang diễn ra rất sôi nổi tại thành phố, thời gian vừa qua là LHP Quốc tế được chọn và tổ chức tại đây. Chị chia sẻ về lĩnh vực này trong việc phát triển công nghiệp văn hóa tại TPHCM?
- Trong khuôn khổ LHP Quốc tế TPHCM 2024 (HIFF 2024), tọa đàm “Phát triển điện ảnh TPHCM” đã diễn ra ngày 7/4/2024. Tại tọa đàm, nhiều thông tin quan trọng đã được công bố. TPHCM được định hướng trở thành thành phố sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh. Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) của UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố. UNESCO xác định sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững.
Tại Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thế thao và Du lịch đã đưa ra Đề án phát triển hệ thống các thành phố sáng tạo Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2023. Thành phố sáng tạo là những thành phố chú trọng phát triển 7 lĩnh vực: (1) Nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ, (2) thiết kế, (3) phim ảnh, (4) ẩm thực, (5) văn học, (6) nghệ thuật truyền thông đa phương tiện, (7) âm nhạc. TPHCM chọn lựa lĩnh vực điện ảnh để đăng ký làm hồ sơ gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO và đang đệ trình lên UBND TPHCM xem xét, đồng thời lắng nghe ý kiến của những chuyên gia tham vấn. Nhưng hiện nay đóng góp của doanh thu ngành điện ảnh chỉ mới chiếm 0,4% trong tổng GRDP của TPHCM và con số này cần phải được nâng cao dù TPHCM đang là thị trường điện ảnh lớn nhất cả nước.
Theo nguồn số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển và Cục Thống kê TPHCM, năm 2020, tổng số lao động ngành điện ảnh tại TPHCM là 8.499 người, trong lao động có trình độ đại học chiếm chủ yếu với 3.210 người; cao đẳng, cao đẳng nghề có 1.211 người. TPHCM có khoảng 819 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, trong đó, chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân với 817 cơ sở (chiếm 99,75%).
Quy mô vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành điện ảnh đa số dưới hoặc bằng 100 tỷ đồng chiếm 98,04%, doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm 1,95% tổng số cơ sở điện ảnh. Chỉ có một số ít doanh nghiệp điện ảnh có quy mô và vốn đầu tư khủng. Vậy vấn đề đặt ra là vốn đầu tư cho điện ảnh là một bài toán giải quyết hết sức khó khăn. Bản thân TPHCM cũng chưa thu hút được chú ý sự đầu tư của các tập đoàn giải trí lớn của nước ngoài trong việc hợp tác phát triển thị trường điện ảnh. Mà muốn có một bộ phim hay, xứng tầm, doanh thu cao thì ngoài đội ngũ làm phim, từ đạo diễn, tác giả kịch bản, diễn viên, thì vốn đầu tư là rất quan trọng. Vì thế TPHCM cần có những giải pháp thiết thực để giải quyết bài toán vốn đầu tư này.
Vậy theo chị, đâu là điểm nghẽn cản trở công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm với Thành phố?
- Tôi nghĩ có những cản trở như sau: TPHCM chưa có những chính sách xứng tầm với vị thế, vai trò của mình để phát triển công nghiệp văn hóa. Cần có những chính sách riêng cho Thành phố, mang tính đặc thù địa phương để phát huy hết những thế mạnh của TPHCM. TPHCM thiếu một đội ngũ làm công nghiệp văn hóa chuyên nghiệp, tuy thực tế là đội ngũ này đang đông đảo nhất cả nước, nhưng họ vẫn đang phải mò mẫm đi từng bước và chưa có những hoạt động có hiệu quả cao. Chưa có sự liên kết hiệu quả với các địa phương khác ở trong nước cũng như quốc tế để tận dụng được sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Truyền thông báo chí chưa đưa tin đậm nét hay nêu những vấn đề thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa, giúp quảng bá đến với đông đảo mọi người, từ đó thu hút sự chú ý tham dự và đầu tư.
Xin cảm ơn TS!