Công nhân U40 đã lo thất nghiệp

Nhã Phương 03/06/2017 09:30

Sử dụng lao động trẻ, ít thâm niên sẽ không phải trả lương cao, lại có thể tận dụng được sức lao động cường độ cao... Đó là lý do khiến các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) hiện nay phần lớn chỉ tuyển lao động trẻ. Hậu quả là tỷ lệ lao động 35 - 40 tuổi thất nghiệp ngày càng cao.

Nhiều lao động nữ cao tuổi có nguy cơ bị sa thải.

Thực trạng đáng buồn

Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây cho thấy, trong năm 2016, hơn 80% lao động nữ trên 35 tuổi bị đào thải hoặc tự bỏ việc tại các KCX, KCN. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng tuổi càng cao nguy cơ thất nghiệp càng lớn. Sau khi nghỉ việc, đa số họ rất vất vả kiếm kế mưu sinh. Có người trở về với ruộng đồng quê hương, có người tiếp tục bám trụ nơi thành phố bằng việc buôn bán hàng rong, làm việc thời vụ… vì đằng sau họ vẫn còn gánh nặng gia đình phải lo toan.

Tại các KCN hiện nay, đa phần tuyển lao động nữ tuổi đời rất trẻ và đào tạo ngắn hạn, chỉ để đảm nhiệm một công đoạn trong quá trình hoàn thành một sản phẩm, nên với công nhân lao động đây không phải là một nghề. Vì thế khi nữ công nhân 35- 40 tuổi, vì nhiều lý do không còn đáp ứng được công việc đã bị sa thải khiến gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn và rất khó xin việc ở nơi khác.

Làm việc ở Công ty ToTo, KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội được 6 năm nhưng chị Nguyễn Thị Xuân đã bị công ty cho nghỉ việc vì lý do hết hợp đồng lao động. “Công ty giải thích vì không đáp ứng được nhu cầu công việc nên cho nghỉ nhưng ai cũng hiểu vì lý do tuổi tác. Chúng tôi đã quá quen với chính sách tuyển dụng dễ dàng và cho nghỉ việc cũng dễ dàng từ phía các doanh nghiệp, nhất là với những lao động đã có tuổi”, chị Xuân cho biết.

Chị Lê Thị Mai là công nhân KCN Sài Đồng, Hà Nội, từng là công nhân khi công ty WictorVian mới đi vào hoạt động. Mặc dù hiện nay sức lao động đang rất dồi dào nhưng chị đã phải nghỉ việc ở nhà máy với lý do tuổi cao để nhường chỗ cho những người trẻ tuổi. “Không hiểu sao họ cho nghỉ việc. Khi lên hỏi phòng tổ chức thì công ty nói là tuổi cao. Tôi cũng mong muốn được làm việc lâu dài cho công ty nhưng không được”, chị Mai chua xót nói.

Chưa có lời giải thỏa đáng

Hiện nay, cả nước có gần 300 KCN, KCX đã tạo công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho gần 3 triệu lao động. Tuy nhiên, theo nhận định của các ngành chức năng, hầu hết các doanh nghiệp đều không có nhu cầu sử dụng lao động trên 35 tuổi, nhất là các doanh nghiệp sử dụng lao động phổ thông. Điều này đã và đang làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp của người lao động lớn tuổi.

Qua khảo sát tại các KCN, KCX ở Hà Nội và TP HCM, nữ công nhân bước sang tuổi 35 rất khó xin việc làm bởi hiệu quả làm việc không cao, sức khỏe yếu, mắt mờ, chậm chạp... Vì vậy, các doanh nghiệp khi tuyển lao động thường đăng tuyển ưu tiên lao động tuổi từ 18 - 30 tuổi.

Theo ông Vũ Minh Tiến, Phó Viện trưởng Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là quy luật thay thế lao động cũ bằng lao động mới của giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sử dụng lao động chi phí giá rẻ, sung sức hơn. Đối tượng bị cho nghỉ việc ở tầm 37 - 38 tuổi sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các KCN – KCX. Khi công nhân bước sang ngưỡng tuổi này, các doanh nghiệp chỉ thuê họ làm thời vụ. Việc làm này của doanh nghiệp tạo cho người lao động có tâm lý bị “vắt chanh bỏ vỏ”.

“Tình trạnh sa thải người lao động tùy tiện ngày càng trở nên phổ biến, nhiều người sử dụng lao động hành xử không theo Luật định. Nhiều công nhân buổi sáng còn đi làm nhưng buổi chiều đã nhận quyết định sa thải. Theo Khoản 1, Điều 162 Bộ Luật Hình sự năm 2015 có quy định, nếu vì lý do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà tiến hành sa thải người lao động trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, phạt tù treo đến một năm hoặc phạt tù giam từ 3 tháng đến một năm”, ông Tiến nói.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Vũ Minh Tiến cho rằng, với chức năng của mình, tổ chức Công đoàn cần đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lạm dụng trong quan hệ lao động của cả chủ doanh nghiệp và người lao động, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động. Công đoàn phải có trách nhiệm theo dõi quy trình, kiểm tra giám sát, xem trình tự, thủ tục, lý do sa thải có đúng quy trình không, có thực hiện chi trả và đảm bảo những quyền mà người lao động được hưởng khi nghỉ việc hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nhân U40 đã lo thất nghiệp