Dù du lịch Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong năm 2023 nhưng công tác quản lý vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.
Quảng cáo không đúng chất lượng dịch vụ
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tính đến tháng 11/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu (8 triệu lượt).
Dù du lịch Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong năm 2023 nhưng bên cạnh đó vẫn còn những điểm cần phải bàn. Tình trạng khách sạn tự phong sao, sao một đằng chất lượng một nẻo đã được các địa phương tăng cường xử lý trong thời gian qua tuy nhiên thực tế việc quảng cáo không đúng chuẩn vẫn còn xuất hiện ở không ít địa phương.
Ông Bùi Xuân Trường - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho hay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nếu như ở huyện Mai Châu làm rất tốt thì nhiều khu nghỉ dưỡng ở Lương Sơn có chất lượng và thông tin quảng cáo không giống nhau.
Các cơ sở lưu trú ở đây hoạt động tự phát, nhà đầu tư đóng cửa như nhà dân bình thường rồi họ tự vận hành kinh doanh online, không giấy phép. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch.
TS Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhìn nhận, tình trạng cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch không đúng với quảng cáo một phần do công tác quản lý Nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn.
Theo ông Vinh, chất lượng các sản phẩm du lịch ở Việt Nam được đánh giá không cao, chúng ta cần ban hành những tiêu chí để doanh nghiệp, địa phương dễ dàng theo đó mà áp dụng và quản lý. Chẳng hạn những mô hình kinh doanh mới liên quan đến du lịch như kinh tế chia sẻ, chia sẻ kỳ nghỉ, mô hình kinh doanh condotel, farmstay... vẫn chưa có văn bản điều chỉnh cụ thể gây lúng túng cho nhà quản lý.
Điều chỉnh công tác quản lý
Sự phát triển du lịch thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát huy được những ưu thế về tài nguyên cũng như sự ưu tiên của hệ thống chính trị, quản lý Nhà nước, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thủy – Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay có thêm nhiều ưu đãi về chính sách visa, thời gian lưu trú cho khách..., du lịch cần sớm phục hồi và bứt phá hơn nữa. Ở đây, điều chỉnh công tác quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng để làm trong sạch môi trường hoạt động và kinh doanh du lịch.
Theo ông Phạm Duy Phong – Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, công tác thanh tra, kiểm tra cần đặc biệt lưu ý, đặc biệt với hướng dẫn viên vốn có nhiều người hành nghề tự do.
Ông Phong dẫn chứng: “Thực tế tại địa phương năm qua đã ký 123 thẻ hướng dẫn viên quốc tế và nội địa. Theo quy định, trong vòng 15 ngày Sở Du lịch phải cấp thẻ cho người đăng ký. Nhưng khi nhận hồ sơ, sở phải làm và gửi 123 công văn đó về các trường để xin xác nhận thông tin; cộng với việc cũng phải 15 ngày mới nhận được phản hồi. Vì thế nên đã xuất hiện tình trạng có 4 trường hợp sử dụng bằng giả đã được cấp thẻ hướng dẫn viên và chúng tôi phải xử lý ngay 4 trường hợp này”.
Trong bối cảnh mới khi du lịch bước vào giai đoạn phục hồi sau Covid-19, TS Trương Sỹ Vinh cho rằng, du lịch Việt Nam gặp khó trong việc thu hút thị trường nguồn khách hay tình trạng bất động sản bị đóng băng...
Do đó, ngoài rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về du lịch là rất cần thiết thì các số liệu du lịch cũng cần cải thiện. Nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu nhưng đến nay việc thống kê số liệu chính xác về nhân lực hiện có của ngành du lịch Việt Nam cũng như dự báo nhu cầu chưa tốt.
Lý do theo ông Vinh là bởi việc điều tra tổng thể về nhân lực du lịch chưa bài bản. Từ đó, dẫn đến việc dự báo nhu cầu nhân lực trong các giai đoạn phát triển của du lịch còn nhiều hạn chế, làm cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực khó khả thi.