Xung quanh vụ việc tại CLB Tình Người, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn kết.
PV: Thưa Luật sư, CLB Tình Người trực thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng, vậy tính pháp lý của CLB này như thế nào. Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng phải chịu trách nhiệm không trong trường hợp CLB Tình Người có hành vi vi phạm pháp luật, truyền bá mê tín, dị đoan?
ThS.LS Nguyễn Đức Hùng: Theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/04/2010, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/04/2012 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (“Nghị định số 45/2010/NĐ-CP”), tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 có quy định: “1. Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.” và “2. Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội).”
PV: Trong một buổi sinh hoạt, người đại diện CLB Tình Người có phát thuốc chữa Covid-19 cho thành viên, tuyên truyền là “khi có dấu hiệu ho, không nên đi khám, xét nghiệm, mà ở nhà dùng thuốc”. Điều này nguy hiểm như thế nào đối với cộng đồng và có vi phạm pháp luật không?
ThS.LS Nguyễn Đức Hùng: Đây là thông tin “nhảm nhí”, phản khoa học, không đúng với chính sách và quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid -19 của Đảng và Nhà nước ta.
Những hành vi này là cực kỳ nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của những người dùng loại thuốc (không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng) này, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Trong trường hợp, những người dùng thuốc do CLB cung cấp mà bị thiệt hại về sức khỏe hoặc tính mạng thì tùy vào các tình tiết cụ thể của vụ việc, cũng như yếu tố lỗi của những người đã cung cấp trái phép các loại thuốc này thì hành vi của họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh như: “tội cố ý tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134); “tội vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 138); “tội vô ý làm chết người” (Điều 128), thậm chí là “tội giết người” (Điều 123) của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo các quy định nêu trên, CLB Tình Người là một hình thức tổ chức và hoạt động của “Hội”. Do đó, để có thể được thành lập và hoạt động thì CLB Tình Người phải có đủ điều kiện thành lập hội theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và phải thực hiện các thủ tục xin phép thành lập và được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện tùy thuộc vào phạm vi hoạt động là trên cả nước, trong một huyên hoặc một xã).
Pháp luật hiện hành không có quy định về việc thành lập và hoạt động của CLB (hay hội) trong doanh nghiệp, chịu sự quản lý và điều hành của doanh nghiệp.
Tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định: “Hội có tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu, tài khoản và có thể có biểu tượng riêng. Trụ sở chính của hội đặt tại Việt Nam.”.
Theo quy định này, CLB Tình Người phải có tư cách nhân độc lập với Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng. Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng không có quyền điều hành và quản lý hoạt động của CLB Tình Người, với tư cách là một đơn vị trực thuộc doanh nghiệp. Vì vậy, nếu Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng điều hành, quản lý hoạt động của CLB Tình Người là không đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp các cơ quan chức năng kết luận việc thành lập và hoạt động của CLB Tình Người là trái phép, lợi dụng quyền tự do lập hội, để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì hành vi này có thể bị xử lý hình sự về “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 331 Bộ luật Hình sự), với loại và mức hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến cao nhất là 7 năm.
Theo quy định của pháp luật, nếu CLB Tình Người có doanh thu, doanh số, thì CLB này phải thu nộp về công ty mẹ là Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng như thế nào?
-Theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP thì các hội (trong đó có các CLB) là tổ chức do các công dân, tổ chức Việt Nam tự nguyên thành lập hoặc tham gia, có tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu, tài khoản và có thể có biểu tượng riêng. Do đó, các khoản thu chi của CLB này cũng phải được hạch toán độc lập, không phụ thuộc vào Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng. Nếu Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng thu tiền và quản lý hay hạch toán đối với các khoản thu chi của CLB Tình Người là không đúng quy định của pháp luật.
Nếu không có pháp nhân, không có con dấu thì các loại chứng từ, phiếu thu có hợp pháp và có giá trị pháp lý hay không?
-Nếu CLB Tình Người không được cấp phép hoạt động, không có tư cách pháp nhân và con dấu riêng theo đúng quy định của pháp luật, thì các loại phiếu thu, chứng từ do CLB này phát hành cũng là không hợp pháp, không có giá trị trong việc hạch toán, quyết toán về thuế. Tuy nhiên, các phiếu thu, chứng từ này vẫn là các tài liệu và chứng cứ rất quan trọng, giúp các cơ quan có thẩm quyền có thể điều tra, xác minh về các hoạt động của CLB này, để giải quyết vụ việc, xử lý trách nhiệm của những người có liên quan, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thành viên được chính xác theo quy định của pháp luật.
Hiện nhiều người đã có đơn thư trình bày mình đã nộp vào CLB rất nhiều tiền để cúng dường, làm từ thiện, mua đồ thờ… nhưng đều không có hóa đơn, chỉ có phiếu thu. Vậy những người này có cơ sở gì để tố cáo CLB lợi dụng tâm linh, lòng tin để lừa đảo không?
-Việc một số khoản thu không có hóa đơn, chứng từ là sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các thành viên trong việc chứng minh các khoản tiền đã nộp cho CLB, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm áp dụng các biện pháp điều tra, xác minh, thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, làm sáng tỏ toàn bộ sự thật khách quan của vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Việc chứng minh các khoản thu chi của CLB sẽ dựa trên cơ sở sự đánh giá khách quan và toàn diện tất cả các chứng cứ, tài liệu có liên quan như: lời khai của những người có liên quan, người làm chứng, tài liệu, sổ sách của CLB…
Do đó, dù không có các tài liệu, chứng từ chứng minh thì những thành viên vẫn cần phải trình bày trung thực, cung cấp cho Cơ quan điều tra các thông tin khách quan và đầy đủ nhất về vụ việc nói chung, cũng như các khoản thu, chi của CLB nói riêng. Từ đó, Cơ quan điều tra sẽ xác định được các phương hướng và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra phù hợp, để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên theo quy định của pháp luật.
Sau loạt bài điều tra của Báo Đại Đoàn kết, Nhà xuất bản Hồng Đức đã có văn bản gửi CLB Tình Người yêu cầu ngừng phát hành cuốn sách “Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại”. Vậy, NXB Hồng Đức phải chịu trách nhiệm về nội dung cuốn sách đã xuất bản hay không?
-Nếu nội dung cuốn sách này có chứa đựng các nội dung mê tín, dị đoan thì trách nhiệm của nhà xuất bản rất lớn. Bởi vì, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012 đã nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung: “… truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục”.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi xuất bản xuất bản phẩm có nội dung: “dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, mê tín dị đoan hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đối với từng tên xuất bản phẩm” sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Mức xử phạt nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức vi phạm, còn đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc thu hồi, tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm.
Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự về “tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản” (Điều 344 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bỏ sung năm 2017), với loại và mức phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến cao nhất là 5 năm.
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.