Cột cờ bên bờ Hiền Lương

THẾ VINH (giới thiệu) 27/11/2015 16:31

Trong số những cột cờ nổi tiếng ở Việt Nam, cột cờ Hiền Lương ở Quảng Trị được nhiều người nhớ tới với nhiều sự kiện lịch sử, đặc biệt là cuộc “chọi cờ” có một không hai.

Cột cờ Hiền Lương hôm nay.

Bây giờ, mỗi khi bà con và du khách đến với mảnh đất Quảng Trị thì địa điểm không thể bỏ qua đó là cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải - vĩ tuyến 17. Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), vĩ tuyến 17 chính là nơi đánh dấu sự chia cắt đất nước thành 2 bên: Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa. Cột cờ Hiền Lương ra đời trong ý nghĩa nhằm xây dựng một biểu tượng để nhân dân hai bờ có thể thấy được “sự vượt trội” của mỗi chế độ. Tại đây, liên tục từ năm 1954 đến 1967, đã diễn ra cuộc “chạy đua” độc đáo nhằm giành ưu thế về chiều cao của cột cờ và chiều rộng của lá cờ. Nhiều người ví đó là cuộc “chọi cờ” lịch sử.

Đối với nhân dân Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí đấu tranh cho độc lập tự do và thống nhất đất nước. Ngoài ra, khi được đặt ở đầu cầu Hiền Lương, Quốc kỳ còn có ý nghĩa giúp nhân dân miền Nam thấy được sự hơn hẳn của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đối với chế độ tay sai miền Nam. Chính vì lẽ đó, vào ngày 8-10-1954, chúng ta dựng cột cờ đầu tiên cao 12m, lá cờ rộng 24m2, ở ngay sát đầu cầu Hiền Lương để nhân dân bên bờ Nam từ xa cũng có thể nhìn thấy, để luôn luôn giữ vững tinh thần hướng về miền Bắc ruột thịt của nhân dân. Ở bờ Nam, địch cắm lá cờ tam tài của Pháp và lá cờ vàng ba sọc đỏ của chính quyền Bảo Đại lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15m.

Lễ thượng cờ tại kỳ đài Hiền Lương.

Cụm di tích tại đôi bờ Hiền Lương nói chung, cột cờ Hiền Lương nói riêng, là minh chứng cho lòng yêu nước, Nam - Bắc một nhà.
Cột cờ Hiền Lương là công trình trọng điểm nhất của cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - sông Bến Hải - vĩ tuyến 17. Cụm di tích này nằm ở khu vực giao nhau giữa sông Bến Hải và quốc lộ 1A (km 735), trong đó phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương (huyện Vĩnh Linh), phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa (huyện Gio Linh).Sau đó, ta nâng cột cờ bằng gỗ lên 18m, lá cờ rộng 32m2. Từ 30-6-1955, Pháp chuyển giao các đồn cảnh sát cho chính quyền Ngô Đình Diệm, lá cờ Pháp bị bỏ đi. Từ đây, cuộc đấu tranh nâng cao cột cờ giữa ta và địch thực sự diễn ra gay gắt.

Tháng 2-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm xây cột cờ mới bằng thép cao 25m, lá cờ rộng 96m2. Ngày 19-7-1957, Khu Vĩnh Linh lắp ráp trụ cờ bằng thép ống cao 32m, cách cầu khoảng 50m về phía Bắc, lá cờ rộng 108m2. Cột cờ sơn màu trắng, trên đỉnh gắn ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2 m, năm đỉnh sao gắn 15 bóng điện loại 50 W. Năm 1961, địch nâng cột cờ lên 35m thì tới năm 1962, nhân dịp sửa lại cổng chào và Đồn Công an Hiền Lương bị hư hoại do bão, ta cử một đơn vị công binh và đưa vật liệu từ Hà Nội vào Vĩnh Linh xây dựng trụ cờ mới bằng thép ống cao 38,6m, lá cờ rộng 134m2. Với chiều cao của cột cờ và độ rộng của lá cờ, đồng bào bờ Nam ở tận Dốc Miếu hay trên Kinh Môn cách xa 7 - 8 cây số đều có thể nhìn thấy. Hàng ngày, lá cờ của ta được kéo lên từ 6h30’ đến 18h30’.
Vì cờ rộng tới 134 m2 nên khá nặng, việc vận chuyển, treo cờ lên cao là không dễ. Chính vì thế, trụ cờ xây dựng năm 1962 được thiết kế thêm một cabin ở đốt cuối cùng để ta kéo và thu cờ được thuận tiện hơn. Lá cờ được gói gọn kéo lên đó và chỉ cần 2 chiến sĩ cũng treo được cờ mà vẫn đảm bảo an toàn. Còn ở bờ Nam, có tài liệu cho rằng, Biệt đội cảnh sát giới tuyến không dám đề nghị cấp trên của họ cho nâng trụ cờ lên cao hơn ta chính vì chúng không dám chấp nhận sự nguy hiểm vì ở trên cao gió rất mạnh. Vì vậy, cả hai cột cờ cùng dừng lại ở 2 độ cao đó.

Một điểm khác biệt khi đến với cột cờ giới tuyến Hiền Lương là bà con và du khách còn được tận mắt ngắm nhìn những viên đá chủ quyền Trường Sa được đặt quanh di tích cột cờ bên bờ bắc sông Bến Hải. Có tất cả 21 viên đá tượng trưng cho 21 hòn đảo thuộc chủ quyền của nước ta ở quần đảo Trường Sa được đặt bên cột cờ giới tuyến vào đúng dịp lễ kỷ niệm 36 năm ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 – 30-4-2011). Trên từng viên đá có khắc tên các hòn đảo trong quần đảo Trường Sa, như những lời hứa sắt son quyết gìn giữ non sông của những người con đêm ngày bám trụ nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Hai cột cờ, cao thấp khác nhau, tồn tại song song trên giới tuyến cho đến ngày 2-8-1967, khi Mỹ huy động một lực lượng lớn pháo binh, không quân, hải quân phối hợp đánh gãy cột cờ ta. Trong đêm đó, có chiến sĩ đã dũng cảm mang bộc phá sang sông đánh sập cột cờ của địch, chấm dứt vĩnh viễn cờ ba que của ngụy quyền trên bờ nam sông Bến Hải. Ngày 3-8-1967, Đồn Công an Hiền Lương dựng lên một cột cờ mới bằng gỗ. Liên tục trong nhiều năm, sau mỗi trận đánh, cột cờ gãy đổ, lá cờ bị mảnh bom, đạn pháo xé rách, lập tức một cột cờ mới, một lá cờ mới được thay thế.
Để bảo vệ và duy trì lá cờ Tổ quốc ở khu vực giới tuyến trong lúc kẻ thù luôn tìm cách đánh sập cột cờ, các chiến sĩ của đồn công an Hiền Lương đã chiến đấu hơn 300 trận lớn nhỏ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ lá cờ. Đặc biệt, biết bao tấm gương cảm động của nhân dân vùng giới tuyến đã không ngại gian khó, hy sinh để thực hiện những nghĩa cử cao đẹp cho lá cờ Tổ quốc luôn tung bay như mẹ Nguyễn Thị Diệm đã thức trắng bao đêm để vá cờ dưới làn mưa đạn trong hàng chục năm trời.
Theo thống kê, tính từ 19-5-1956 đến 8-10-1967, ta đã treo hết 267 lá cờ các cỡ, trong đó riêng năm 1967 có 11 lần thay cột cờ, 42 lần thay lá cờ vì bị bom và pháo của Mỹ-ngụy phá hỏng.
Đến năm 2005, nhân dịp cả nước kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức dựng lại cột cờ Hiền Lương nguyên mẫu với lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 75m2 tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành (bờ Bắc sông Bến Hải). Cột cờ hiện tại được thực hiện theo nguyên mẫu cột cờ Hiền Lương hoàn chỉnh nhất (xây dựng từ năm 1963), có chiều cao 38 m, trong đó phần đài cao 11,5 m.
Cờ Tổ quốc nơi đây là biểu tượng của niềm tin, ý chí và sức mạnh, sự thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cột cờ bên bờ Hiền Lương