Tuần qua, với sự hạ nhiệt của Covid-19, người dân nhiều nước hy vọng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa diễn ra.
Ngày 12/3/2020, Covid-19 được WHO chính thức tuyên bố là đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Từ đó tới nay, “bão dịch” quét qua tất cả các châu lục, gây bệnh tật, chết chóc. Đặc biệt năm 2021, dịch Covid-19 hoành hành khủng khiếp nhất với biến thể Delta.
Trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ bị Covid-19 tấn công dữ dội nhất, thì Mỹ chính là quốc gia dẫn đầu, cả về số ca mắc lẫn số người tử vong. Giới Y tế đã gọi năm 2021 là năm chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Số liệu mới đây do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố cho thấy, trong năm 2021 nước Mỹ đã có tới 3.465.000 người tử vong, nhiều hơn 80.000 người so với năm 2020.
Trung tuần tháng 4/2022, CDC Mỹ công bố đã có khoảng 805.000 người chết chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022 (trong đó có nguyên nhân từ Covid-19), giảm so với cùng khoảng thời gian vào năm 2021 nhưng tăng cao hơn so với 3 tháng đầu năm 2020, trước khi đại dịch bùng phát mạnh ở nước này. Đáng chú ý, cùng đó mức tuổi thọ của người dân nước Mỹ cũng có xu hướng giảm dần. Theo CDC, mức tuổi thọ của người dân Mỹ vào cuối năm 2020 đã thấp hơn 1,5 năm so với năm 2019. Giới chuyên gia Y tế Mỹ còn cho rằng, hiệu ứng kéo dài của Covid-19 rất có thể còn dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài, cùng với sự biến đổi khí hậu, có thể mức tuổi thọ trung bình của Mỹ sẽ không bao giờ trở về mức độ như trước đại dịch. Hiện tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ là 78,7 tuổi, trong khi đó tại Vương quốc Anh là 81,2 tuổi.
Trong một diễn biến khác liên quan, theo CDC Mỹ, hiện biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là Omicron tàng hình) chiếm hơn một nửa số ca mắc Covid-19 ở nước này. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, TS Anthony Fauci cho biết ông không nghĩ sẽ có bất kỳ đợt dịch nào bùng phát mạnh như những lần trước, tuy nhiên ông cũng lấy làm ngạc nhiên khi số ca mắc mới tăng trở lại do biến thể phụ BA.2.
TS Michael Newshel (Trung tâm Chiến lược quốc tế Evercore ISI) cho biết, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ trung bình trong 7 ngày gần đây đã chạm đáy, tuy nhiên có thể số ca mắc sẽ gia tăng trở lại trong ngắn hạn, và không có dấu hiệu cho thấy sẽ có một đợt bùng phát mạnh. Vì thế, theo vị chuyên gia này, nước Mỹ cũng như thế giới đã “đi qua năm chết chóc 2021” và nay hãy mạnh mẽ trở lại để khôi phục kinh tế.
Ông Newshel cho rằng, nếu không “đủ dũng cảm khôi phục tất cả các hoạt động như trước dịch”, thì lạm phát chính là mối nguy hại thường trực, khi mà 3 tháng đầu năm con số này ở Mỹ đã là 7%, cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.
Ở thời điểm hiện tại, cho dù WHO chưa tuyên bố chấm dứt đại dịch cũng như các nghiên cứu cho thấy biến thể Omicron lây với “tốc độ ánh sáng” thì nhiều quốc gia cũng đã bỏ hầu hết các biện pháp phòng, chống Covid-19. Không còn truy vết, phong tỏa, xét nghiệm bắt buộc... bởi vaccine đã bao phủ rộng khắp. Covid-19 đang dần trở thành bệnh thông thường. Giáo sư Sumit Chanda (Khoa Miễn dịch và Vi sinh tại Viện Y sinh độc lập và phi lợi nhuận Scripps Research, Mỹ) đánh giá Omicron không có khả năng gây nguy hiểm. Omicron đã không né tránh được hệ thống miễn dịch. Còn TS Joshua Schiffer (Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson, Mỹ) cho rằng “sân chơi cho virus hiện nay đã khác so với những ngày đầu, phần lớn các biến thể mà chúng ta thấy cho đến nay không thể tồn tại trong môi trường miễn dịch".
Mặc dù số ca mắc và ca tử vong do Covid-19 lần lượt giảm, song Tổng Giám đốc WHO vẫn bày tỏ lo ngại khi một số nước vẫn ghi nhận số ca mắc mới gia tăng, gây áp lực lên hệ thống y tế; vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, chia sẻ với báo giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ vui mừng khi các số liệu báo cáo mới nhất cho thấy số ca tử vong do Covid-19 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu dịch đến nay.
Dù tình hình khả quan nhưng Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn bày tỏ lo ngại khi một số nước vẫn ghi nhận số ca mắc mới gia tăng nghiêm trọng, gây áp lực lên hệ thống y tế, trong khi khả năng giám sát xu hướng dịch bệnh giảm sút do nhiều nước dừng chương trình xét nghiệm Covid-19. Điều này khiến WHO lo ngại khả năng giám sát dịch bệnh trong thời gian tới sẽ suy yếu và việc ứng phó với dịch có thể gặp nhiều hạn chế khi dịch bệnh tái bùng phát. WHO kêu gọi tất cả các nước giải trình tự ít nhất 5% mẫu Covid-19 để theo dõi các đột biến của virus SARS-CoV-2. WHO nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là tiêm vaccine ngừa Covid-19 và tiêm mũi tăng cường theo khuyến cáo của giới chức y tế. Người dân khi ra ngoài nên đeo khẩu trang tại những địa điểm đông đúc và không gian kín.