Đại dịch Covid-19 đã ngăn trở bước chân tới trường của hàng triệu học sinh, sinh viên. Điều này không chỉ gây khó cho ngành giáo dục, mà còn tác động trực tiếp đến tâm sinh lý học sinh, khi việc học trực tuyến (online) bị kéo dài từ năm học trước tới năm học sau. Nhiều học sinh đã thay đổi tính cách, cảm thấy lo âu, cô đơn hơn, thậm chí mắc chứng trầm cảm, tự kỷ…
Những “tự bạch” chân thành
Thực tế thời gian qua, nhiều phụ huynh đã phát hiện con có biểu hiện khác thường, và phải đưa tới nhờ các bác sĩ thăm khám, chữa trị. Thực tế cũng cho thấy, có những học sinh bị trầm cảm đã dẫn tới việc nhảy lầu tự tử…
Trong cuộc tọa đàm “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?” tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TP HCM) hôm 4/3 vừa qua, nhiều học sinh đã không ngại ngần đứng lên chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình. M.L. - học sinh lớp 12A5 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ kể: "Do phải học online kéo dài nên em có rất ít bạn bè để có thể chia sẻ. Em thuộc nhóm người hướng nội, gia đình thì không chịu nghe em tâm sự. Em rất chán nản! Đến khi trở lại trường học tập thì em cũng không thể kết bạn mới, mọi người nhìn em như người lập dị, làm em trầm cảm thêm".
Một học sinh khác của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ thì chia sẻ: "Trong đợt dịch vừa qua, gia đình em mắc Covid-19 nên mọi người phải đi cách ly, chỉ còn một mình em ở nhà. Suốt 2 tuần, em tự lo liệu mọi thứ khi chỉ có một mình. Khi hay tin người thân mất, thực sự em cảm thấy rất tuyệt vọng. Dù là có bạn, nhưng lúc đó em không dám chia sẻ với ai vì sợ mọi người biết gia đình mình mắc Covid-19…".
Trong khi đó, Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ về trường hợp phụ huynh của một học sinh lớp 10 đến xin bảo lưu kết quả học tập của con. Vừa mở lời, người mẹ đã bật khóc vì con mình không thể tiếp tục học tập năm lớp 10 do bị trầm cảm sau thời gian học trực tuyến quá lâu…
Đây chỉ là ba trong số rất nhiều câu chuyện học đường có liên quan đến dịch bệnh không được đến trường học trực tiếp. Chưa có con số thống kê cụ thể, song tác động của việc học online đến tâm sinh lý học sinh, sinh viên trong vòng 2 năm qua chắc chắn là con số không nhỏ. Vì thế, đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học sớm ngày nào chắc chắn sẽ giải tỏa được nhiều tâm tư, ẩn ức, đồng thời cũng sẽ giảm được những mối nguy cơ tiềm ẩn khác.
Cần quan tâm chăm sóc rối loạn tâm lý học đường
Theo các chuyên gia tâm lý, khi học trực tuyến tại nhà, bên cạnh mặt tích cực, thì các em bị cô lập về mặt xã hội và cảm xúc, thiếu các hoạt động vận động, thiếu các tài nguyên học tập, thiếu các phương tiện công nghệ để học. Từ đó, các em có thể thay đổi tâm lý, từ một người hoạt bát, vui vẻ bộc lộ các dấu hiệu như chán nản, lo lắng, buồn, sợ hãi, bối rối, giảm hứng thú, bất an, bồn chồn, mất tập trung, mệt mỏi, khó quản lý cảm xúc, cô đơn, căng thẳng có hại, suy nghĩ tiêu cực, rút lui.
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn- Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM nhìn nhận, không phải ai cũng dám nói lên tâm sự của mình khi bị trầm cảm.
“Chúng tôi thường gặp học sinh có những biểu hiện tâm lý căng thẳng và ai cũng có lúc bị stress. Dịch Covid-19 cộng với việc học hành căng thẳng khiến ngày càng nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm. Do đó, ngay từ giờ phút này các bạn hãy cùng kết nối, tận dụng khoảng thời gian còn lại của thời học sinh để lưu giữ những kỷ niệm đẹp”- bác sĩ Mẫn tư vấn.
Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo cảm thấy trăn trở vì vẫn còn nhiều học sinh chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình, nhà trường. Theo ông Đảo, rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả các trường học hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý học đường từ gia đình, nhà trường xã hội như áp lực học tập thi cử, không có cảm xúc trong học tập, bạo lực học đường... Đặc biệt, thời gian học tập trực tuyến kéo dài, hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường, hạn chế giao tiếp khiến học sinh, cô giáo dễ rơi vào trầm cảm, stress... dẫn đến khủng hoảng về tâm lý, để lại hậu quả nghiêm trọng.
“Đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách làm thế nào để các em có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rối loạn tâm lý học đường” - Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo chia sẻ.
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay, Cố vấn cao cấp Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam, việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển.
Bên cạnh những mặt tích cực thì học trực tuyến kéo dài cũng có nhiều hạn chế như lý thuyết lấn át thực hành, ít tương tác trong quá trình học, ít hoạt động nhóm, dễ mất động lực học tập.
Trẻ phải ngồi trước thiết bị điện tử thời gian dài khiến các em cảm giác cô lập, xa cách, từ đó trẻ dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi và khó tập trung chú ý…
"Trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ. Những tác động đó đã ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, thể chất và hạnh phúc của các em và chắc chắn sẽ còn kéo dài hậu quả trong nhiều năm tới" - TS Đào Lê Hòa An chia sẻ.