Nghề làm chổi truyền thống của người dân xã Yên Đức (TX Đông Triều, Quảng Ninh) từng có thời gian mai một, thất truyền giờ được hồi sinh nhờ du lịch cộng đồng.
Nghề truyền thống suýt rơi vào quên lãng
Xã Yên Đức là nhắc tới một vùng quê trù phú mang đậm nét truyền thống của làng quê Bắc Bộ. Theo lời kể của những cao niên ở đây, xưa kia người dân xã Yên Đức chủ yếu trồng lúa và còn nổi tiếng với nghề làm chổi truyền thống bằng rơm rạ, bẹ cau, tàu dừa. Tuy nhiên, theo năm tháng, đến nay số hộ gia đình còn duy trì nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đến thăm gia đình của bà Bùi Thị Mận (xã Yên Đức, TX Đông Triều), chúng tôi được “mục sở thị” từng quy trình để làm ra chiếc chổi truyền thống, được bện từ những ngọn rơm rạ.
“Tôi đã bắt đầu đan chổi từ năm 10 tuổi, cho đến nay đã ngót nghét hơn 60 năm trong nghề. Từ đời cụ, ông bà, bố mẹ cho đến đời tôi đều duy trì nghề, con cháu trong nhà được trao truyền nghề từ tấm bé”, bà Mận chia sẻ.
Rơm được chọn phải là rơm nếp, sau khi mang về bó thành búi nhỏ và phơi thêm khoảng 3 nắng để rơm vừa giữ được màu sắc đẹp, vừa dẻo dai. Tiếp đó, cần phải rút phần lõi bên trong, tiến hành buộc thành từng cụm nhỏ, gọi là con rơm.
Vừa thoăn thoắt bện chổi, bà Mận vừa nói: “Cứ 5 con rơm thành 1 chổi, tùy kích cỡ mà con rơm có độ lớn tương ứng. Trong quá trình bện cần phải chắc tay, bện thật đều để chổi được chắc đẹp”. Thông thường, đối với người thợ lành nghề, để làm ra chiếc chổi to sẽ mất 2 ngày, còn chổi bé từ 15 phút là xong.
Khác với việc chọn nghề làm chổi rơm như bà Mận, bà Cao Thị Liên (xã Yên Đức, TX Đông Triều) trong những năm qua lại gắn bó với nghề làm chổi từ bẹ cau, lá dừa.
“Tàu lá dừa lấy về được phơi khô, sau đó tướt, đẽo phần lá để giữ lấy phần thân ở giữa. Bước khó nhất khi làm chổi chính là việc phải dùng dây cao su quấn chặt để cố định với phần cán chổi sao cho tròn đều”, bà Liên nói.
Do nghề làm chổi đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và cũng khá vất vả nhưng thu nhập chưa tương xứng nên một thời gian dài thanh niên trong làng không còn theo nghề, chỉ còn lại một số người tuổi cao, sức yếu vẫn giữ đam mê với nghề.
Những năm trở lại đây, tại địa bàn xã Yên Đức xuất hiện mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã cùng kết hợp với đơn vị du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách, trong đó có việc phát huy nghề làm chổi truyền thống.
Là một trong những hộ gia đình tiên phong kết hợp cùng đơn vị du lịch trong việc giới thiệu nghề làm chổi truyền thống, bà Bùi Thị Mận vui mừng chia sẻ: “Nhờ có du lịch cộng đồng, tôi có cơ hội giới thiệu nghề làm chổi đến với không chỉ du khách trong nước mà đặc biệt là những vị khách nước ngoài để họ hiểu hơn về văn hóa, bản sắc của đất nước ta. Cùng với đó, bản thân tôi cũng có thêm một nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống”.
Nhờ việc “bắt tay” với du lịch, nghề làm chổi truyền thống đã được hồi sinh, đồng thời tạo nên một hướng phát triển mới cho địa phương, thu hút người dân duy trì nghề.
Sau buổi trải nghiệm làm chổi, anh Lior (du khách đến từ Israel) hào hứng kể lại: "Đây quả thật là một trải nghiệm rất thú vị và đáng nhớ khi tôi được tự tay làm nên một chiếc chổi. Với sự khéo léo của mình, người dân nơi đây đã tạo nên sản phẩm độc đáo từ những nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên". Theo chia sẻ của vị khách ngoại quốc, đây là cơ hội rất đặc biệt để anh được tìm hiểu, khám phá về văn hóa của người dân Việt Nam.
Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết, bà Trần Thị Sáu, Phó chủ tịch UBND xã Yên Đức nói: “Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn xã có mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, một số hộ gia đình đã kết hợp với công ty du lịch trong việc giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống, trong đó có nghề làm chổi. Mới gần đây đã nhân rộng ra các cháu thiếu niên nhi đồng hoặc lao động trong thời gian nông nhàn kết hợp cùng đơn vị du lịch để làm nghề chổi truyền thống, từ đó tạo thu nhập khá ổn định”.
Với sự kết hợp cùng đơn vị du lịch với mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, nghề làm chổi truyền thống tại xã Yên Đức sẽ có cơ hội được “hồi sinh”, mở ra nhiều tiềm năng. Thay vì phải nơm nớp lo sợ sẽ bị mai một, giờ đây nghề làm chổi truyền thống được kỳ vọng sẽ bứt phá, tạo động lực cho phát triển kinh tế địa phương, mang đến cho nhân dân cuộc sống đủ đầy.