Những người dân Anh vốn thất vọng với kết quả trưng cầu dân ý tổ chức hôm 23/6 vừa qua sẽ không thể có cơ hội bỏ phiếu lần thứ hai, sau khi Ủy ban Bầu cử nước này cho hay một thỉnh cầu thư trực tuyến thu hút được 3,7 triệu chữ ký là chưa đủ để tổ chức thêm một cuộc trưng cầu khác.
Chính phủ Anh đã mở một cuộc điều tra về khả năng gian lận chữ ký trong thỉnh cầu thư đòi tổ chức lại trưng cầu dân ý (Nguồn: AFP).
Ủy ban Bầu cử Anh hôm 28/6 tuyên bố rằng thỉnh cầu thư trực tuyến nói trên là không có cơ sở pháp lý, gây thất vọng cho rất nhiều cử tri thuộc chiến dịch vận động nước Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU). Được biết, sau khi có kết quả trưng cầu, bộ phận cử tri này đã tham gia đóng góp chữ ký vào một thỉnh cầu thư trực tuyến để yêu cầu tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý ở Anh.
Mục đích của thỉnh cầu thư là nhằm thúc giục chính phủ thực hiện đúng quy định rằng, nếu số phiếu của bên ủng hộ “ở lại” hay “ra đi” ít hơn 60%, sẽ phải có thêm một cuộc trưng cầu dân ý khác.
Ban đầu, quan điểm này được đưa ra bởi một chính trị gia ủng hộ phe “rời khỏi”, William Oliver Healey, nhưng giờ nó lại trở thành luận điểm để các cử tri ủng hộ “ở lại” bám víu sau khi trưng cầu dân ý cho kết quả ngược với mong muốn của họ. Cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh ở lại hay tách khỏi EU có kết quả là phần thắng nghiêng về phe “rời khỏi” với tỷ lệ phiếu 51,9 - 49,1%.
Ông Healey, tác giả của thỉnh cầu thư trên, nói rằng thỉnh cầu thư ban đầu của ông đã bị ăn cắp.
“Thỉnh cầu thư này được tạo nên vào thời điểm mà khi chiến dịch “ra đi” dường như khó có khả năng giành chiến thắng, và với mục đích sẽ gây khó khăn cho chiến dịch “ở lại”. Nhưng sau khi có kết quả trưng cầu, thỉnh cầu thư này đã bị đánh cắp bởi phe “ở lại”” - ông Healey viết trên tài khoản Facebook cá nhân của mình.
Một người phát ngôn của Ủy ban Bầu cử Anh cũng xác nhận rằng không có điều luật nào quy định rằng cuộc trưng cầu dân ý thứ hai sẽ được tổ chức trong trường hợp số phiếu bầu ở cuộc trưng cầu thứ nhất ở tỷ lệ dưới 60%.
“Không có bất kỳ một ngưỡng nào được đặt ra trong một cuộc trưng cầu dân ý” - Ủy ban này cho hay.
Nhưng dù không có ràng buộc về pháp lý, thỉnh cầu thư trên cũng đã làm nảy sinh cả một cuộc tranh luận trong Quốc hội nước Anh, với các thành viên tranh cãi nảy lửa về vấn đề này.
Ngoài ra, kể từ sau khi thỉnh cầu thư này gây chú ý sau khi tuyên bố giành được 3 triệu chữ ký, nó cũng bắt đầu bị điều tra vì nghi ngờ có tới 77.000 chữ ký gian lận. Nhiều nguồn tin từ các hãng truyền thông quốc tế cho hay, rất nhiều người tham gia ký vào thỉnh cầu thư này không hề ở nước Anh, mà là công dân của đảo Cayman, Iceland và thậm chí là cả Tunisia.
Chủ tịch của một ủy ban nhận trách nhiệm giải quyết thỉnh cầu thư này, Helen Jones, cho hay cơ quan phụ trách nội dung số của chính phủ Anh đang bắt đầu điều tra sự việc và nếu cần thiết sẽ xóa bỏ ngay những chữ ký gian lận này.
“Những người đã viết thêm chữ ký gian lận vào thỉnh cầu thư này nên biết rằng họ đang hủy hoại chính điều mà họ giả vờ ủng hộ. Rõ ràng là thỉnh cầu thư này có ý nghĩa rất quan trọng đối với một bộ phận người Anh” - bà Jones nhấn mạnh.
Được biết, cộng đồng những cử tri trẻ tuổi từng ủng hộ Anh ở lại EU đã tỏ ra rất tức giận trước kết quả trưng cầu dân ý vừa qua. Họ tuyên bố rằng thế hệ lớn tuổi hơn đã tự quyết định kết quả của trưng cầu dân ý và đã “hủy hoại” tương lai của lớp trẻ nước Anh.
Rất nhiều cử tri trong số đó không còn cách nào khác ngoài việc tìm đến các trang mạng xã hội để xả cơn giận dữ của mình bằng cách đăng tải các đoạn video, viết blog và chia sẻ thẳng thắn về cảm giác của mình khi Anh quyết định rời khỏi EU.
Tuy nhiên, các con số thống kê mới nhất từ cuộc trưng cầu cho thấy rằng chỉ có khoảng 36% số cử tri ở độ tuổi 18-24 tham gia đi bỏ phiếu, trong khi 64% lựa chọn không tham gia.