Có lẽ, do được xây dựng là thành phố Cảng ở phía Bắc nên vào những năm đầu thế kỷ XX, Hải Phòng chính là nơi đi về của các luồng thông tin toàn thế giới nhập vào Việt Nam qua các chuyến tàu biển cập bến cảng.
Sự xuất hiện của các thủy thủ nước ngoài với những đêm nhạc tại nhà Kèn và các hộp đêm (bar) cùng với sách báo nước ngoài đã khiến cho tư duy của người Hải Phòng luôn cởi mở, thông thoáng và nhanh nhạy. Họ là những người tiếp nhận văn hóa thế giới đầu tiên, trước khi nó lan tỏa lên Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Chính vì thế, họ đã tự nuôi dưỡng trong mình những tố chất sáng tạo nghệ thuật trước khi tụ hội ở Kinh kỳ để tạo ra những hoạt động, cho văn nghệ Việt Nam thế kỷ XX.
Linh hồn đầu tiên của ngọn nguồn văn nghệ đất cảng có lẽ là thầy giáo trường Bonnal - người bắt đầu tiểu thuyết Việt Nam - ông Hoàng Ngọc Phách với “Tố Tâm” bất tử. Ông người Hà Tĩnh trở thành thầy giáo trường Bonnal từ khóa đầu tiên năm 1920, trong đó có những thanh niên hoạt động cách mạng như đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Thiều...
Ngay sau Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng (tên khai sinh Trần Khánh Giư quê Cổ Am - Vĩnh Bảo) từ Hải Phòng lên học trường Albert Sarraut (Hà Nội) cùng Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) lập ra Tự lực văn đoàn và viết ra những tiểu thuyết nổi tiếng như “Hồn bướm mơ tiên”, “Nửa chừng xuân”... Khái Hưng còn dẫn dắt em ruột là Trần Tiêu vào văn đàn với tiểu thuyết “Con trâu” cũng rất nổi tiếng.
Sát kề các đàn anh, các lứa học sinh đầu tiên của thầy Hoàng Ngọc Phách ở trường Bonnal đã từ những bàn học, những buổi tập kịch “Lọ vàng”, “Bạn và vợ”... đã trở thành nhóm thi sĩ trẻ. Đó là Thế Lữ (tên khai sinh là Nguyễn Đình Lễ nhưng do là con thứ nên thường gọi là Nguyễn Thứ Lễ), Lan Sơn (tên khai sinh là Nguyễn Đức Phòng, quê gốc Nghệ An) và Lê Đại Thanh.
Trong ba người này, Thế Lữ đã trở thành người khởi sự cho phong trào Thơ Mới, là người đầu tiên được Hoài Thanh, Hoài Chân giới thiệu trong “Thi nhân Việt Nam”. Thế Lữ cũng từ Hải Phòng lên Hà Nội và trở thành một nhân vật của Tự lực văn đoàn. Lan Sơn là người thứ hai xuất hiện sau Thế Lữ ở “Thi nhân Việt Nam”, xuất bản tập “Anh và em” năm 1934, còn để lại một di cảo thơ khi mất năm 1974. Lan Sơn và Lê Đại Thanh hoạt động văn nghệ ở Hải Phòng và là những người lãnh đạo văn nghệ Hải Phòng sau Cách mạng Tháng Tám.
Về kịch, Vi Huyền Đắc là người đầu tiên viết và công diễn những vở kịch của mình ở Nhà hát Lớn Hải Phòng, sau lên Nhà hát Lớn Hà Nội như “Kim tiền”, “Ông Ký Cóp”... Sau Vi Huyền Đắc, người kế tục là Nguyễn Huy Tưởng với những vở kịch lịch sử mà độc đáo nhất là “Vũ Như Tô”. Sau hai ông, là Hoàng Công Khanh với nhiều kịch thơ mà trong đó có “Bến nước Ngũ Bồ” nổi tiếng. Các ông cũng đều từng là học sinh trường Bonnal.
Đợt sóng văn xuôi thứ hai đã xuất hiện TchyA (Đức Tuấn) và đặc biệt là Nguyên Hồng với “Những ngày thơ ấu”, “Bỉ vỏ”... Cả hai ông đều được giải thưởng Tự lực văn đoàn. Cùng đợt sóng văn xuôi này là đợt sóng âm nhạc mà người anh là Lê Thương với “Bản đàn xuân”. Ông là một trong những người đầu tiên cùng Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát khởi sự tân nhạc Việt Nam. Nhờ Thế Lữ lập ra Hội Ánh sáng nên các nhạc phẩm đầu tiên được ấn hành và biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hải Phòng. Và dòng chảy tân nhạc từ ngọn nguồn Hải Phòng bắt đầu róc rách. Sức thúc đẩy ngầm của ngọn nguồn này là phong trào Hướng đạo.
Những tráng sinh biết âm nhạc của phong trào Hướng đạo đã không ngừng tạo ra những nhạc phẩm cho hoạt động của các đoàn, đội. Ngoài những cái tên kể trên còn có những Đỗ Nhuận, Xuân Oanh, Nguyễn Đình Thi mà sau này đều thành những tên tuổi lớn của văn nghệ Việt Nam.
Về hội họa, người Hải Phòng đầu tiên làm rạng danh cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam là họa sĩ Mai Trung Thứ với những họa phẩm ngày càng đắt giá trên thị trường đấu giá. Sau ông là Trần Văn Cẩn nằm trong bộ tứ nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Lân (Nguyễn Tường Lân), tam Vân (Tô Ngọc Vân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn)”.
Nhìn lại quá vãng, thấy rõ ràng và đầy đủ một ngọn nguồn văn nghệ Việt Nam bắt đầu từ cửa biển Hải Phòng ở trong tất cả các thể loại văn nghệ như thơ, văn, kịch, nhạc, họa. Trong cao trào cách mạng đầu thập niên 40, ngọn nguồn văn nghệ từ Hải Phòng chảy lên Hà Nội, hòa cùng các ngọn nguồn khác làm nên một "đại dương văn nghệ" sôi động ở Kinh kỳ.
Ở Hà Nội, Thế Lữ vẫn tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động sân khấu. Ông cùng Nguyễn Xuân Khoát lập ra đoàn ca - nhạc - kịch Anh Vũ, viết “Tục lụy” để Lưu Hữu Phước tiến hành vở ca kịch đem đi diễn xướng khắp đất nước. Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi bí mật tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Nguyễn Đình Thi còn tham gia “Đội danh dự” của Mặt trận Việt Minh cùng Văn Cao. Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Khi đã nổi tiếng trong làng nhạc với những “Thiên Thai”, “Suối mơ”, “Bến xuân”, “Cung đàn xưa”, “Buồn tàn thu”... vậy mà ông vẫn có tranh trong triển lãm “Duy nhất” năm 1994 tại Nhà Khai Trí Tiến Đức. Văn Cao và Nguyễn Đình Thi đều viết ra những hành khúc cho lực lượng vũ trang của Mặt trận.
Văn Cao và Nguyễn Đình Thi đã có mặt trong Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc. Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi trở thành đại biểu Quốc hội khóa I. Còn “Tiến quân ca” của Văn Cao thì được Quốc hội nhất trí chọn làm Quốc ca Việt Nam.
Từ ngày hòa bình ở miền Bắc, Hải Phòng lại đóng góp thêm những Nguyễn Khải (nhà văn), Đoàn Chuẩn, Trần Chung và Vũ Trọng Hối, Nguyễn Đình Tấn, Thế Dương (nhạc sĩ)...
Trong kháng chiến chống Mỹ, Hải Phòng là nơi sinh ra một trường thơ với giọng điệu riêng khỏe mạnh, gân guốc, thô tháp nhưng cũng dạt dào da diết. Đấy là sự xuất hiện của các nhà thơ Thanh Tùng, Thúc Hà, Đào Lang, Thi Hoàng, Đào Nguyễn (là nhà biên kịch kiêm đạo diễn Đào Trọng Khánh), Hoàng Hùng, Vân Long, Vũ Châu Phối, Nguyễn Tùng Long... Âm nhạc là các nhạc sĩ Lương Vĩnh, Nguyễn Kim, Vũ Loan, Vũ Ngọc Quang, Vũ Ân Khoa... Hội họa là các họa sĩ Thọ Vân, Nguyễn Hà, Nguyễn Lương, Phạm Ngọc Liệu, Hoàng Đình Tài... Nhà viết chèo Trần Bảng và nhạc sĩ viết nhạc chèo Bùi Đức Hạnh...
Trong những năm tháng thanh bình và nhất là thời kỳ đổi mới, Hải Phòng lại xuất hiện những tên tuổi văn nghệ mới như các nhà thơ Dư Thị Hoàn, Mai Văn Phấn, Vũ Thị Huyền... Nhạc sĩ Duy Thái với “Lời của gió” mang hơi thở nhạc nhẹ và nhà văn Bùi Ngọc Tấn, họa sĩ Đặng Tiến...
Cứ thế, vừa là ngọn nguồn văn nghệ thế kỷ XX, cửa biển Hải Phòng vẫn tiếp tục nâng dậy những gương mặt mới từ sức sống mạnh mẽ, vô tận.