Là một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực trong năm tới, 99% số dòng thuế được xóa bỏ, EU được dự báo là khu vực có cơ hội cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, riêng đối với ngành thủy sản, cánh cửa vào EU lại đang gặp nhiều khó khăn.
Ngành thủy sản được dự báo sẽ gặp khó trong thời gian tới khi vào thị trường EU.
Thị trường tiềm năng
Với 28 quốc gia thành viên và dân số trên 500 triệu người, Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng của hàng hóa xuất khẩu.
Theo nhận định của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương), trong thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng và Việt Nam luôn ở vị trí xuất siêu sang thị trường này.
Cụ thể, từ năm 2000 đến năm 2016, quan hệ thương mại Việt Nam-EU đã có những phát triển tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần 11 lần, từc mức 4,1 tỷ USD (năm 2000) lên đến 45 tỷ USD (năm 2016).
Điều này đã đưa EU trở thành một trong các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 12 lần (từ 2,8 tỷ USD lên trên 34 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng 8,5 lần ( từ 1,3 tỷ USD lên 11 tỷ USD).
Tới đây, theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực, sẽ xóa bỏ 99% số dòng thuế trong vòng 7 năm với EU và đối với Việt Nam là 10 năm, cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu vào EU còn lớn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, riêng với ngành thủy sản, cánh cửa cho ngành hàng này vào thị trường EU lại trở nên co hẹp lại hơn rất nhiều so với trước đây. Lý do là bởi, EU đã đưa ra thẻ vàng cảnh báo về tình trạng khai thác hải sản trái phép đối với các sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam (IUU).
Nói về những khúc mắc của hải sản xuất khẩu ở thời điểm này, ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, theo lý thuyết, nếu Việt Nam có chuyển biến tốt về pháp chế và thực tiễn, đặc biệt là về pháp chế, ban hành đủ các văn bản quy phạm pháp luật quản lý, để làm sao hạn chế việc đánh bắt, khai thác không hợp pháp, thì chúng ta sẽ có thêm 6 tháng để bàn.
Tuy nhiên, trong vòng 6 tháng đó, chúng ta không làm tốt thì từ thẻ vàng sẽ chuyển sang thẻ đỏ, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không được xuất khẩu thuỷ sản vào EU.
Xuất khẩu thủy hải sản vào EU ngày càng trở nên khó khăn hơn (Nguồn: Thanhniên).
Thủy hải sản gặp khó
Cũng theo ông Quân, thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam chúng ta có cơ cấu tôm, cá tra và các mặt hàng thuỷ sản. “Tôm thì chúng ta có nuôi trồng và đánh bắt, phần mà chúng tôi thống kê được thì đánh bắt chiếm trên 50%, tương đối lớn. Bởi vậy, nếu bị ngừng lại, mức độ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản là không nhỏ chút nào” – ông Quân nhấn mạnh.
Thời gian qua, việc khai thác hải sản một cách tận diệt ở một số vùng biển Việt Nam đã được thế giới cảnh báo. Việc sử dụng tàu giã cào để khai thác hải sản tại một số địa phương khiến cho dư luận thế giới lo ngại về việc tài nguyên biển có nguy cơ cạn kiệt.
Nói về vấn đề này, ông Quân nêu quan điểm: Vẫn có một cách giải quyết, đó là các DN kiên quyết không thu mua hàng hóa từ những ngư dân vi phạm, lâu dần sẽ thay đổi được hành vi của họ.
Trước đó, ngày 23/10, EU đã quyết định rút thẻ vàng với hải sản Việt Nam từ lý do vi phạm các nguyên tắc IUU. Đây là một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam, bởi trong 10 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên EU đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam, với kim ngạch 1,215 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2016.
Giới chuyên gia nhận định, động thái này của EU có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với ngành hải sản nước nhà, đáng quan ngại nhất là uy tín và thương hiệu của ngành hải sản bị ảnh hưởng. Đồng nghĩa như vậy, xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ - nước chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác IUU từ 1/1/2018...
Không chỉ với EU, các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản... từ trước đến nay luôn là thị trường rất ưa chuộng các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản luôn giữ ở vị trí “top” do hàng năm xuất khẩu một sản lượng không nhỏ sang các thị trường quốc tế, trong đó có EU.
Bởi vậy, việc EU đưa ra lời cảnh báo được coi như là một “bản án khắc nghiệt” đối với xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa, cánh cửa vào thị trường này đối với thủy hải sản xuất khẩu ngày càng trở nên hẹp lại.