Quy luật tất yếu là sản xuất phải theo thị trường. Thị trường quyết định chứ không phải theo kiểu hô hào, phong trào. Với thị trường, yếu tố quyết định là giá trị chứ không phải số lượng lấy “nhiều bù ít”.
Bài toán đó đang đặt ra với ngành nông nghiệp, mà đằng sau là hàng chục triệu nông dân đang phải đánh bạc với trời. Vì vậy rất cần một chiến lược quy hoạch nông nghiệp trong tình hình mới.
Mặt hàng rau quả đang trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản.
Nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ cho nền kinh tế mà còn cơ sở cho công nghiệp, dịch vụ. Kinh tế nông nghiệp Nhật Bản chỉ đóng góp 1,5% GDP nhưng đầu tư phát triển nông nghiệp tới 10%.
Còn Hàn Quốc đang đầu tư 6% cho phát triển nông nghiệp. Còn ở Việt Nam, dù đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp chỉ hơn 5% nhưng nông nghiệp đóng góp 17-18% tăng trưởng GDP.
Điều đó cho thấy dư địa mà nông nghiệp đem lại là vô cùng lớn. Nhưng đằng sau nó có một nghịch lý. Đó là dù đóng góp cho tăng trưởng ít nhưng đời sống của người nông dân tại Nhật Bản và Hàn Quốc rất cao do chính giá trị từ sản phẩm nông nghiệp đem lại.
Còn ở nước ta dù đóng góp lớn, dù là trụ đỡ cho nền kinh tế, góp phần ổn định xã hội nhưng đời sống nông dân Việt Nam lại bấp bênh phụ thuộc vào “hai ông Trời”. Ông Trời thứ nhất là thời tiết, và “ông Trời thứ hai” là cung-cầu của thị trường.
Nhưng người nông dân vẫn phải “đánh” canh bạc với “ông Trời thứ hai” khi khâu dự báo của các cơ quan quản lý chạy sau thời cuộc.
Hiện các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng dù xuất khẩu với khối lượng lớn nhưng giá trị lại rất thấp.
Đơn cử là hạt tiêu, hạt điều của Việt Nam đứng thứ 1, thứ 2 thế giới về khối lượng, nhưng giá trị chỉ đứng thứ 6 và thứ 10 thế giới. Hay gạo là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng giá trị mà “hạt vàng” đem lại vẫn ở mức khiêm tốn.
Xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp dẫn đến đời sống người nông dân vẫn cực kỳ khó khăn. Điều đó đang đặt ra đòi hỏi nền nông nghiệp phải có một bước chuyển đổi mạnh mẽ, ngoài việc giữ vững tỷ lệ lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực thì cần xây dựng những sản phẩm có giá trị, có tính cạnh tranh cao mang tính cạnh tranh khi hơi nóng của hội nhập đã “phả hơi nóng vào gáy”.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên.
Nguồn gốc của nó từ chính sách thiếu đồng bộ, chưa liên thông, quy hoạch sản xuất, khoa học kỹ thuật và công nghệ, hạ tầng khó khăn.
Do vậy, phải tìm ra được “gốc” vấn đề xuất khẩu là tăng về số lượng nhưng phải đảm bảo chất lượng, bởi nếu tăng về số lượng và đảm bảo chất lượng mà đời sống người dân không được đảm bảo thì cũng không có nghĩa lý.
Và theo ông, đích của nó là phải tập trung cho người chủ thể sản xuất. Dù xuất khẩu nhiều, giá trị tốt tập trung vào doanh nghiệp nhưng không chăm lo cho 16 triệu hộ nông dân thì không ổn chút nào.
Do đó cần rà soát tất cả loại cơ chế chính sách, chứ không bàn mỗi xúc tiến xuất khẩu, mà phải bàn về chính sách cho đồng bộ, liên thông, cần tập trung vào “ngọn” tức là Nhà nước cần phải tháo gỡ bất cập đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, đồng bộ cả về hạ tầng đường, điện, nước, giống, gắn với bảo quản và chế biến tiêu thụ, và cuối cùng mới đến định hướng xuất khẩu.
“Ngọn” được ông Môn nhắc đến cũng chính là chính sách, và là điều kiện đầu tiên để thực hiện cũng chính là tiền. Nếu như ở các nước, doanh nghiệp công nghệ cao được Chính phủ cho đến 30% vốn, còn 70% vay tín dụng thì Việt Nam các doanh nghiệp nông nghiệp cao vẫn đang phải tự bơi là chính, trong một bài toán tự bơi cứu mình hay chờ “phao” cứu.
Quy hoạch kém, chính sách thiếu sự liên thông, ổn định và đồng bộ, cộng với thiếu tiền chính là đổ vỡ cho sản xuất nông nghiệp hiện nay với điệp khúc: “Được mùa rớt giá. Được giá mất mùa”.
Một sự thiếu tầm nhìn đã được cảnh báo từ nhãn tiền. Sao có thể cạnh tranh khi trong 1 bao gạo xuất khẩu có nhiều giống lúa, từ nuôi lợn, gà đến các sản phẩm nông sản vẫn mạnh ai nấy làm. Chỉ có bàn tay nhân dân mà thiếu đi bàn tay định hướng từ Nhà nước.
Thực tế thì cung-cầu trên thế giới đang có sự thay đổi. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD.
Lần đầu tiên vượt qua kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo (đạt 2,2 tỷ USD). Dự báo xuất khẩu rau quả trong năm nay sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD.
Còn số liệu của Bộ NNPTNT cho thấy, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 6/2017 ước đạt 283 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong khi đó, ngành hàng gạo, xuất khẩu tháng 6/2017 ước đạt 413 nghìn tấn với giá trị đạt 182 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,8 triệu tấn và 1,2 tỷ USD.
Rõ ràng, xuất khẩu rau quả tăng trưởng khả quan và trở thành động lực quan trọng để nông nghiệp cất cánh chứ không chỉ lúa gạo.
Bên cạnh những thị trường truyền thống, hiện ngành rau quả đã phát triển mở rộng thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zeland.
Điều đó cũng đang đặt ra tập trung cho những sản phẩm đem lại giá trị cao, nâng cao thu nhập cho nông dân thay vì tập trung cho những sản phẩm truyền thống.
Đã đến lúc sản xuất phải gắn liền với thị trường, mà thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng nên gắn lộ trình từng bước. Đất nước đã hội nhập, chuyển đổi từ một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu theo hướng hiện đại, nâng cao chuỗi giá trị bằng các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao là bài toán tư duy chiến lược gắn với quy hoạch.
Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu từ hạn hán và xâm nhập mặn, việc yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đảm bảo được đầu ra đang là bài toán rất cấp thiết đối với nền nông nghiệp hiện nay, mà trong đó là thay đổi tập quán sản xuất tránh tự phát, phát triển theo phong trào, cuối cùng dẫn đến đổ vỡ “domino” như câu chuyện giải cứu lợn, hành tím, dưa hấu trong thời gian gần đây.
Vì thế hướng đi chuyển đổi cần có “bàn tay Nhà nước, bàn tay nhân dân”, mà trong đó Nhà nước có vai trò định hướng, từ chính sách quản lý đến lộ trình, bước đi cụ thể. Còn nhân dân thì sản xuất theo quy hoạch hướng xanh-sạch-an toàn.