Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ có chi mà không có thu. Họ đều mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn từ cơ quan quản lý, đặc biệt là hỗ trợ về lãi suất, cũng như tiếp cận vốn. Đây chính là thời điểm toàn bộ hệ thống ngân hàng phải vào cuộc, bơm vốn, hạ lãi suất, giãn nợ… để tiếp sức cho DN.
Các doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn vay lãi suất thấp từ ngân hàng. Ảnh: Quang Vinh.
Doanh nghiệp với cuộc chiến sinh tồn
Anh Đỗ Văn Trường, chủ một gara sửa chữa ô tô (tại quận Tân Bình TP Hồ Chí Minh) cho biết, gara đã đóng cửa gần 1 tháng, trong khi đó vẫn phải trả một phần lương cho 6 người làm tại xưởng. Thời điểm trước khi tạm đóng cửa gara anh vẫn còn vay ngân hàng một khoản, nay xưởng tiếp tục tạm đóng cửa anh không còn nguồn thu để trả lãi ngân hàng theo định kỳ.
Đó chỉ là một thực tế mà nhiều cá nhân, cũng như DN nhỏ và vừa đang gặp phải. Không khí kinh doanh không mấy sáng sủa vẫn đang kéo dài khiến cho nhiều người nghèo, lao động làm công lẫn “ông chủ” khốn đốn. Câu chuyện kiếm vốn đâu để duy trì sản xuất đang rất trăn trở.
Một thông tin không mấy vui được đưa ra từ cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM và Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP HCM về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các DN Nhật Bản đang đầu tư ở khu vực phía Nam, cho thấy trong quý II-2020 có khoảng 70% DN trả lời là sẽ bị ảnh hưởng.
Cụ thể, có 35% DN dự kiến “bị ảnh hưởng ít” (doanh thu giảm 10% so với cùng kỳ năm trước); 33% DN dự kiến “bị ảnh hưởng nhiều” (doanh thu giảm từ 20 - 40%); 5% DN dự kiến “bị ảnh hưởng rất lớn”(doanh thu giảm hơn 50%).
Nếu tính về ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh sản xuất của năm nay thì có khoảng 70% DN Nhật dự kiến sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 40% DN xác định sự ảnh hưởng này khá lớn.
Đó là chỉ là một mảng DN có xuất xứ từ Nhật Bản. Đương nhiên, nhìn rộng ra, dịch dã đang tác động rất lớn đến cộng đồng DN.
Nhiều DN chua chát nói, các gói hỗ trợ của ngân hàng có nhưng tiếp cận được hay không lại là một chuyện khác. Hỗ trợ tín dụng vẫn chỉ nằm trên giấy, doanh nghiệp khó chạm tới. Không ít ý kiến cho rằng Covid-19 lây lan rất nhanh nhưng chính sách hỗ trợ vốn chậm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods chia sẻ thông tin: Nhiều DN đang phải vay tín dụng đen với lãi suất 3-5 nghìn đồng/triệu/ngày. DN nhỏ khó khăn thật sự.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, nói trong chiến tranh, công tác hậu cần là tối quan trọng, với cuộc chiến chống Covid-19 này cũng vậy, DN cần được hỗ trợ tín dụng để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường và nắm bắt cơ hội. Vì thế, các DN đều cho rằng, trong giai đoạn chống dịch được xem như thời chiến hiện nay, nếu áp dụng mọi nguyên tắc như thời bình sẽ gây nhiều khó khăn cho DN, nhiều DN không nhận được hỗ trợ kịp thời dù đang có nhiều gói hỗ trợ.
Hiện tại có 3 gói hỗ trợ người dân và DN là gói chính sách tiền tệ lên đến 300 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ giãn, hoãn thuế 180 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ người dân 62 nghìn tỷ đồng. Những gói tín dụng đó sẽ giúp nhiều cho nền kinh tế qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho hay về cơ bản các ngân hàng có giãn nợ gốc và lãi cho DN nhưng chưa tiến hành cơ cấu lại nợ trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, khó lường. Việc giảm lãi suất thì rất ít, hầu như chưa có DN nào được giảm. Cộng đồng DN hiện vẫn chờ hướng dẫn, thực hiện những giải pháp đã được công bố.
“Hầu hết DN đều đang rất khó khăn, các giao dịch thương mại gần như bị đình trệ, doanh thu giảm sút. DN lo trả nợ nên nhu cầu đầu tư cho các dự án mới cũng rất hạn chế”- ông Hồng Anh nói.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, 3 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có 11.630 DN rút lui khỏi thị trường do tác động của dịch Covid-19. Tính từ ngày 1/1 đến ngày 26/3, hơn 153.000 người đã mất việc làm, phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc.
Đủ vốn cho nền kinh tế
Đồng hành cùng DN, chia sẻ khó khăn, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng tiếp tục giảm để hỗ trợ người dân, DN.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thanh khoản của các tổ chức tín dụng để có phương án điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp. Trường hợp tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản hoặc có nhu cầu để cho vay các lĩnh vực ưu tiên, NHNN sẽ xem xét tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng”-Thống đốc cho biết.
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ điều chỉnh mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đánh giá ban đầu của NHNN, đã có 2 triệu tỷ đồng tín dụng bị ảnh hưởng bỏi Covid-19 (chiếm 23% tổng dư nợ). Tuy nhiên, nhờ các biện pháp giãn nợ, cơ cấu nợ, giảm lãi suất, không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới… với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên sau khi chững lại 2 tháng đầu năm, tín dụng đã lấy lại nhịp độ tăng trưởng trong tháng 3/2020. Tính đến hết tháng 3, tín dụng toàn hệ thống tăng 1,3%, trong đó riêng tháng 3/2020 tín dụng tăng 1,1%. Dự kiến cả năm nay, ngành ngân hàng sẽ cho vay nền kinh tế 900.000 – 1,1 triệu tỷ đồng tín dụng (tăng trưởng 11-14%), đáp ứng mọi nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Cập nhật dữ liệu tại một số ngân hàng thương mại cũng cho biết, ngân hàng bắt đầu tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn LienVietPostBank tiếp tục triển khai Gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm mạnh tới 2%/năm. Gói hỗ trợ đặc biệt này được áp dụng cho cả các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu của các khách hàng DN và khách hàng cá nhân. Chương trình dự kiến được triển khai đến hết ngày 30/09/2020 hoặc hết quy mô gói.
Theo đó, các khách hàng DN, cá nhân hiện hữu và khách hàng DN, cá nhân mới bị sụt giảm doanh thu/thu nhập đáp ứng đủ điều kiện của Chương trình sẽ được giảm lãi suất cho vay lên đến 2%/năm, áp dụng đối với cả các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Hay tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) triển khai gói tín dụng 7000 tỷ đồng với lãi suất hấp dẫn, áp dụng cho khách hàng có nhu cầu vay vốn tiêu dùng, kinh doanh. Cụ thể, gói tín dụng 7.000 tỷ được thiết kế cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp. Đối với vay tín chấp, MSB áp dụng lãi suất chỉ 12.99% trong 12 tháng đầu. Đây là sản phẩm phù hợp với khách hàng kinh doanh hay có nguồn thu nhập từ lương. Hạn mức MSB cấp lên tới 24 lần thu nhập với lãnh đạo chủ chốt, 20 lần thu nhập với các trường hợp thông thường và tối đa 1 tỷ đồng. Đặc biệt, khách hàng đã có thẻ tín dụng tại MSB hoặc tổ chức tín dụng khác sẽ không cần chứng minh thu nhập qua sao kê tài khoản, MSB thực hiện tự động đánh giá và cấp tín dụng nếu phù hợp.
Như vậy, có thể thấy, trong đại dịch Covid-19, khó khăn là khó khăn chung. Nhưng quan trọng là phải tìm ra giải pháp trụ lại được để bật lên khi dịch đi qua. Mà muốn trụ lại được thì phải có đối sách thích hợp, trong đó không thể thiếu việc bổ sung nguồn vốn. Mà điều đó thì hệ thống ngân hàng đang hết sức nỗ lực, hy sinh phần nào lợi ích cục bộ để cùng cả nước vững vàng trong cuộc chiến gian nan này.
TS Nguyễn Trí Hiếu: Phải giữ được con người để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh
Nếu nền kinh tế ngày càng lún sâu vào dịch bệnh không kiểm soát được trong nửa năm sau 2020, thì những gói hỗ trợ cũng không đủ. Kể cả khi các gói hỗ trợ đó được đưa hết vào thị trường thì nguy cơ xảy ra lạm phát cao vẫn có thể xảy ra. Do đó, thanh khoản của ngân hàng sẽ thiếu hụt rất lớn. Theo tôi không thể dùng chính sách tiền tệ hay tài khoá để giải quyết vấn đề mà phải đồng bộ với các chính sách khác của Chính phủ. Việc dùng tiền để hoãn nợ, giãn nợ giúp doanh nghiệp có tiền đều cần trong lúc này, nhưng vấn đề cuộc chiến hiện tại không phải là cuộc chiến tiền tệ, mà vấn đề về con người. Làm sao giữ được người lao động trải qua khó khăn này để nền kinh tế sẽ phục hồi sau dịch bệnh.