Được hỗ trợ từ Chương trình tài trợ các dự án nhỏ thuộc Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), đồng bào Cơ Tu ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã từng bước phát triển du lịch sinh thái mang lại nguồn sinh kế bền vững.
Hướng dẫn đồng bào Cơ Tu trồng cây gây rừng.
Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng phát triển du lịch sinh thái là xã miền núi, nằm ở phía tây bắc của huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, là vùng đệm nằm giữa 2 khu bảo tồn thiên nhiên là Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-núi Chúa nên có vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. Tuy nhiên, người dân tại khu vực vùng đệm chủ yếu là đồng bào Cơ Tu với nguồn thu nhập từ nông nghiệp hạn chế và sinh kế không bền vững gây áp lực cho việc quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học.
So với 10 năm trở lại đây thì số lượng động vật ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – núi Chúa đã giảm đến 16 loài, bên cạnh đó số lượng các loài cần bảo vệ tăng lên 5 loài. Dựa trên truyền thống, văn hóa gắn bó với rừng, yêu quý và bảo vệ động thực vật hoang dã của người Cơ Tu, từ năm 2016, GEF SGP (Quỹ Môi trường toàn cầu) đã xây dựng Đề án “Bảo tồn văn hóa đồng bào Cơ Tu gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng” tại xã Hòa Bắc.
Đề án tiến hành tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí trong 2 năm 2017-2018, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng góp phần bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-núi Chúa và Vườn quốc gia Bạch Mã kết hợp bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu, hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Theo đó, dự án nhằm nâng cao năng lực và nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng; bảo tồn văn hóa cộng đồng Cơ Tu nhằm duy trì sinh thái hướng tới phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Đến nay, Dự án đã thành lập 2 tổ quản lý rừng với diện tích hơn 1.800 ha rừng tự nhiên, vùng đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã và khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-núi Chúa; thành lập câu lạc bộ đan lát, câu lạc bộ ẩm thực truyền thống, câu lạc bộ văn nghệ; hỗ trợ trang bị cồng chiêng, trang phục truyền thống; truyền thông về công tác quản lý, bảo vệ rừng và tập huấn thực hiện cách quản lý, phân loại, chế biến, sử dụng các chất thải trong sinh hoạt để giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao sức khỏe cộng đồng...
Anh Đinh Văn Như, Trưởng thôn Giàn Bí tham gia dự án của chương trình GEF SGP cho biết: Dự án của chương trình GEF SGP đã giúp bà con Cơ Tu bảo vệ rừng tốt hơn và biết làm du lịch sinh thái cộng đồng. Người Cơ Tu đã biết phát triển du lịch sinh thái gắn với rừng và phát huy các truyền thống văn hóa ẩm thực dựa vào rừng. Bà con rất phấn khởi vì giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục, rừng được bảo vệ và đời sống được cải thiện.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên quốc gia Quỹ Môi trường toàn cầu cho biết: Dự án đã tạo ra một tác động tốt cho việc góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học địa phương bằng các hoạt động nâng cao nhận thức và hỗ trợ các cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên thiên nhiên ở cộng đồng.
Ngoài ra, việc xây dựng hương ước bảo vệ rừng cộng đồng cho thấy sự bảo đảm trao quyền cho cộng đồng trong việc chung tay quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học địa phương. Cũng theo bà Huyền, sau khi kết thúc dự án kỳ vọng cộng đồng có thể tự duy trì hoạt động du lịch sinh thái.