Cuộc chiến bản quyền trên không gian mạng

Minh Quân 04/11/2023 07:10

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và truyền thông đã giúp các tác phẩm nghe nhìn ngày càng dễ dàng tiếp cận với công chúng. Tuy nhiên chính sự phát triển này cũng đặt ra cho các chủ sở hữu tác phẩm nhiều thách thức và nguy cơ trong việc bị xâm phạm bản quyền.

Vi phạm bản quyền trên không gian mạng ngày càng phổ biến.

Trong những năm qua, thông qua các hình thức cung cấp dịch vụ nội dung trên môi trường internet, việc khai thác thương mại các tác phẩm nghe nhìn đã mang lại giá trị thương mại to lớn cho nhiều tác giả, nhà sáng tạo... Do đó, việc doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất với con số “khổng lồ” để sở hữu “nội dung số” cho riêng mình không còn là vấn đề xa lạ với người dân hiện nay.

Vi phạm bản quyền trên không gian mạng đã trở thành vấn nạn.

“Nấm sau mưa”

Tuy nhiên, bởi giá trị của nội dung số lại nằm ở dạng quyền tài sản vô hình nên việc “đánh cắp” các sản phẩm sáng tạo, tác phẩm nghe nhìn… đang trở nên quá dễ dàng với công nghệ kỹ thuật hiện tại. Đặc biệt việc xác minh, bảo vệ và khai thác của chủ thể quyền tác giả đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc trong thực tế.

Đơn cử như lĩnh vực xuất bản, theo Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WEWE (ứng dụng công nghệ sách nói VOIZ FM) Lê Hoàng Thạch, 3 hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở sách nói là USB sách nói, link chia sẻ; kênh YouTube sách nói; website. Những hình thức vi phạm bản quyền này mọc lên như “nấm sau mưa”, gây nhiều tác động tiêu cực, thiệt hại trực tiếp cho các đơn vị xuất bản, ngân sách nhà nước và đặc biệt cho văn hóa đọc. Trong đó, vi phạm trong lĩnh vực sách nói phổ biến nhất hiện nay là trên các kênh YouTube. Hoạt động công khai, chuyên nghiệp và có tổ chức. Với sự giúp sức của công nghệ, không khó để một cá nhân hoặc tập thể thu âm các sách nói và không hề xin phép tác giả hay đơn vị nắm giữ bản quyền, sau đó đăng tải lên YouTube. Với tính chất miễn phí, những kênh này dễ dàng thu hút hàng chục, hàng trăm nghìn lượt xem mỗi video, thu về nguồn lợi bất chính từ nguồn tiền quảng cáo của YouTube.

Hay như lĩnh vực điện ảnh, theo luật sư Phạm Văn Anh - Trưởng phòng Pháp chế Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Dịch vụ Sconnect Việt Nam, trong năm 2022, có ít nhất 7 bên khác (gồm kênh Facebook Luboky, Filipino Fairy Tales, Burmese Fairy Tales, My Me My Mine - M4, English Fairy Tales; kênh Youtube Somali Sheeko Caruureed) đã đăng tải lại các video được sản xuất bởi Sconnect. Những video này có thể bị các bên thứ ba tải về một cách dễ dàng trên kênh WOA Fairy Tales - English của Sconnect, sau đó đăng tải lên các nền tảng của họ.

Đó chỉ là những vi phạm điển hình, còn rất nhiều hành vi sử dụng tác phẩm điện ảnh của Sconnect trên các kênh khác để đăng tải lên các kênh của bên thứ ba mà không xin phép. Ngoài ra, bộ phim và bộ nhân vật Wolfoo của Sconnect cũng bị sao chép, làm lại bởi rất nhiều bên, cả trong nước và quốc tế. “Các vi phạm sau khi phát hiện, Sconnect đã gửi yêu cầu xóa hoặc gỡ đến YouTube để xứ lý. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vi phạm và các hành vi vẫn tiếp tục tiếp diễn trên nền tảng này” - ông Anh cho biết.

Nhiều phim Việt Nam bị phổ biến trên các website phim lậu. Nguồn: CAND.

Nâng cao ý thức của mỗi cá nhân

Có thể nói, tình trạng xâm phạm quyền tác giả không phải là vấn đề mới, mà xảy ra từ nhiều năm nay, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc nhiếp ảnh… và ngày càng trở nên phổ biến trên không gian mạng. Mặc dù, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm, song số lượng các vụ việc bị xử lý trong suốt gần 10 năm qua chiếm một tỷ lệ quá nhỏ so với số trường hợp vi phạm. Ở đó, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm. Thực tế ở thời điểm hiện tại, việc bảo vệ nội dung số của chủ thể quyền hầu như chỉ dừng lại ở việc thực hiện các biện pháp công nghệ tự bảo vệ tác phẩm của mình, đồng thời thực hiện các biện pháp cảnh báo và biện pháp xử lý hành chính để yêu cầu cơ quan nhà nước hỗ trợ ngăn chặn các hành vi vi phạm diễn ra với quy lớn. Còn việc áp dụng biện pháp khởi kiện dân sự tại tòa án có thẩm quyền vẫn còn là câu chuyện khó khăn với các chủ thể quyền.

Thành công trong việc bảo về tác giả âm nhạc trong những năm qua, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) ông Mai Thanh Huy cho biết, đơn vị đã ứng dụng công nghệ số để theo dõi, khai thác, quản lý việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trên không gian mạng; ngoài ra, trung tâm cũng đảm bảo rằng bản quyền âm nhạc được bảo vệ. Ông Huy cũng kiến nghị, để việc bảo vệ quyền tác giả trên không gian mạng được thực hiện được hiệu quả và đồng bộ. Đó là cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với đối với trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, theo đó cần có cơ chế hoặc hệ thống chung cho việc xử lý vi phạm bản quyền trên nền tảng thuộc sở hữu của những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, trong đó có quy định về vấn đề chịu trách nhiệm liên đới của các doanh nghiệp này. Bổ sung các chế tài đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cụ thể bằng các biện pháp Dân sự, Hình sự, Hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng và xử lý dễ dàng hơn. Đặc biệt cần bổ sung các phương thức cụ thể để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đại diện tập thể quyền.

Thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trên không gian mạng sẽ khó có thể được giải quyết nếu như bản thân chủ thể tác giả không nhận thức và nắm bắt được các quy định của pháp luật để bảo vệ tác phẩm của mình, mỗi người dân không ý thức được việc sử dụng những tác phẩm sao chép, vi phạm bản quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần đầu tư nguồn lực, ứng dụng các công nghệ thông tin để bảo vệ, rà soát tình trạng vi phạm bản quyền để có những giải pháp xử lý kịp thời.

Ở một góc nhìn khác, theo Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông, việc đảm bảo bản quyền cho các tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay dường như chưa thực sự được quan tâm đúng mức, hoặc phản ứng chậm hơn nhiều so với những gì đang diễn ra trong thực tế. Hiện tượng này đã gây ra tâm trạng chán nản ở các tác giả nhiếp ảnh, hạn chế sự sáng tạo, lòng nhiệt huyết với nghề khi họ phải bỏ ra rất nhiều chi phí, công sức để tạo ra được các tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị nhưng lại bị “làm nhái”. Một trong những biện pháp hữu hiệu là sớm thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả nhiếp ảnh Việt Nam. Cần hướng dẫn cho các nhà nhiếp ảnh thực hiện đăng ký bản quyền tác giả và có trách nhiệm giám sát, gương mẫu trong việc thi hành luật và văn bản dưới luật.

Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) Trần Hoàng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội; song song với đó là nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền cho các chủ thể, hoạt động của các cơ quan quản lý thực thi quyền tác giả, nhất là trong bối cảnh vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ nhiều quốc gia gây khó khăn trong việc xác định và xử lý hành vi vi phạm. Do đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thì việc đẩy mạnh thực thi bản quyền trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta cần nhanh chóng thiết lập cơ chế tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật và nhân lực cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận hành hệ thống một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến bản quyền trên không gian mạng