Ứng dụng AI bảo vệ bản quyền trên môi trường số

Phạm Sỹ 03/10/2023 06:26

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của cuộc cách mạng số đối với tất cả lĩnh vực trong đời sống. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, cuộc cách mạng số hóa trong lĩnh vực âm nhạc, truyền hình đã và đang mang đến những thách thức trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung, từ đó yêu cầu phải có các giải pháp để bảo vệ nội dung tránh khỏi các rủi ro về xâm hại bản quyền.

Phim “Cô ba Sài Gòn” từng bị vi phạm bản quyền gây hậu quả nặng nề cho đơn vị sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng giám đốc Công ty Thủ đô Multimedia, cho biết, tại Việt Nam, con số 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số. Trong đó những nội dung bị vi phạm nhiều nhất là chương trình truyền hình (49,4%), phim ảnh (17,1%), nhạc (16%), sách (11,2%) và phần mềm (6,2%). Mức thiệt hại là rất lớn, lên đến 348 triệu USD.

“Vi phạm bản quyền tại Việt Nam hiện như mê cung. Những năm trước, việc vi phạm bản quyền đơn giản là sao chép thẻ đầu thu với loại hình truyền hình đầu thu, đến nay, hình thức vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, xuất hiện hành vi vi phạm xuyên quốc gia” - ông Hân nói.

Được biết, từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp với Cục An toàn thông tin và các chủ thể quyền để ngăn chặn gần 1.000 website bóng đá lậu.

Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (đơn vị trực thuộc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết, hiện nay vi phạm bản quyền diễn ra hết sức phức tạp, có hàng loạt website vi phạm bản quyền (website lậu) các giải bóng đá cũng như phim.

Mặc dù các biện pháp chặn tên miền cũng đã bắt đầu được thực thi tại Việt Nam; các giải pháp quản lý quyền kỹ thuật số (DRM) như Widevine, FairPlay và PlayReady đã được triển khai để ngăn chặn truy cập và phân phối trái phép, nhưng các giải pháp bảo vệ bản quyền hiện tại vẫn chưa đủ sức bảo vệ và cần một phương pháp đa chiều để giải quyết các rủi ro đang hiện hữu.

Để giải quyết vấn đề này, tại tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số” diễn ra mới đây do Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam tổ chức, giải pháp Sigma Multi-DRM của Thủ Đô Multimedia đã được giới thiệu với điểm nổi bật là tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong bảo vệ bản quyền (tên thương mại Sigma Active Observer - SAO) giúp các nhà sở hữu nội dung, các nền tảng phát hành nội dung trực tuyến có thể bảo vệ được bản quyền các sản phẩm nội dung trên Internet.

Khi sử dụng Sigma Multi-DRM tích hợp SAO, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình OTT và các nhà phát hành phim, nhạc trực tuyến có thể bảo vệ nội dung độc quyền, nâng cao uy tín thương hiệu, tối ưu doanh thu và chủ động trong bảo mật.

Theo ông Hân, đối với vấn đề vi phạm bản quyền, một phần lỗi đến từ chính đơn vị chủ thể quyền do không bảo vệ nội dung ngay từ đầu. Tại các phòng thu, ngay khi thu âm, họ đã đính mã để khẳng định bản thu âm được sản xuất ở phòng thu. Khi phát lên Internet, có thể biết họ thu tại phòng thu nào. Đối với giải pháp Sigma Multi-DRM, Thủ đô Multimedia sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sở hữu quyền để tạo ra môi trường bảo vệ nội dung. Đây cũng là cách để kinh tế đất nước và ngành công nghiệp giải trí nội dung phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng dụng AI bảo vệ bản quyền trên môi trường số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO