Không chỉ “không có vùng cấm”, hay “bất kể người đó là ai” mà suốt thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát động đã thu được nhiều kết quả, được toàn xã hội ủng hộ.
Trên nóng, dưới cũng nóng
Sức nóng của công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực đã lan tỏa. Thống kê cho thấy: Trong năm 2022 và quý I năm 2023, các địa phương trên cả nước đã khởi tố mới 563 vụ án/1414 bị can về tội tham nhũng; số vụ án có cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 227 vụ, 838 bị can. Chỉ trong 10 tháng kể từ khi các Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, nhiều địa phương đã chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ diện tỉnh ủy quản lý như: Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Thái Nguyên…
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc đưa vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á, Bệnh viện TP Thủ Đức và Công ty Nam Phong; vụ việc liên quan Công ty cổ phần kinh doanh F88; vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm...
Tương tự, với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hà Nội kể từ khi thành lập đã tập trung chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trong đó có vụ án Việt Á. Chỉ tính từ tháng 12/2022 cho đến tháng 3/2023, Ban Chỉ đạo đã xử lý 47 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đồng thời bổ sung 21 vụ án/163 bị can, 3 vụ việc sai phạm xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP Hà Nội vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Sự vào cuộc của các địa phương cho thấy sức nóng từ trung ương đã lan dần xuống các địa phương. Theo tinh thần “lò đã nóng thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Đánh giá của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định: “Nhiều Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở có chuyển biến rõ rệt, với nhiều kết quả nổi bật”.
Nếu như trước đây nạn tham nhũng vặt vẫn xảy ra, kể cả việc khai sinh, khai tử, cho con đi học cũng bị nhũng nhiễu làm xói niềm tin của người dân đối với chính quyền, thì đến nay đã có những thay đổi đáng kể. PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) - cơ quan nghiên cứu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) đánh giá: Từ khi Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập thì nhiều nơi đã… “biết sợ” hơn. “Chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương đã thực sự chuyển động. Tình trạng tham nhũng vặt đã không dám, không quá tuỳ tiện, liều lĩnh như trước đây nữa. Tham nhũng vặt tại cơ sở đã giảm” - ông Dinh nhìn nhận.
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy lên cao trào thể hiện rõ nét tinh thần và quyết tâm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được xem là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, tồn đọng trong dân, những vấn đề tiêu cực, tham nhũng ở địa phương. Quan trọng hơn cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng trong việc mở rộng phạm vi và gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực làm trong sạch bộ máy nhà nước và xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn.
Tập trung các vấn đề bức xúc của địa phương
Mặc dù các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được một số kết quả nhất định, song để phát huy được kết quả cao nhất, nhiều ý kiến cho rằng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm tại địa phương mình, trong đó có việc chống tham nhũng vặt.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, từ kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy nếu cứ “rải mành mành” thì không có hiệu quả. Do đó Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tập trung vào những lĩnh vực nóng, bức xúc nhất của địa phương. Bởi không phải địa phương nào bức xúc cũng giống nhau. Ví dụ như vấn đề đăng kiểm, không phải địa phương nào cũng có và có liên quan. Cho nên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải xuất phát từ tình hình thực tiễn để “chọn điểm”.
Bên cạnh đó, muốn giải quyết vấn đề tham nhũng, tiêu cực, theo ông Túc phải huy động được sức mạnh của nhân dân. “Trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì hầu hết trong các bài viết, Tổng Bí thư đều yêu cầu phải huy động cho được sức mạnh của nhân dân, nếu không sẽ không giành được thắng lợi” - ông Túc nói và chỉ rõ, hầu hết các vấn đề bức xúc tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua là do người dân phát hiện ra, từ đó báo chí phản ánh thì vụ việc mới đến các cơ quan nhà nước.
Ông Túc cũng nhấn mạnh, phải thấm thía tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Do đó trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng cần huy động sức mạnh của toàn dân, trong đó có vai trò nòng cốt của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Từ thực tiễn trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trên vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, song song với nhiệm vụ kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo quy định của Bộ Chính trị thì, các cơ quan kiểm tra, thanh tra cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tập trung những lĩnh vực chuyên môn sâu, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm do mình phụ trách, quản lý (nếu có). Kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”, xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoạt động có hiệu quả, quyết liệt hay không trước hết là do người đứng đầu. Do đó phải kịp thời điều chuyển, thay thế những khâu, “mắt xích” yếu để bảo đảm bộ máy Ban Chỉ đạo vận hành thông suốt, thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư: “Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”.
Ông Trạc cũng cho rằng, phải tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, tắc trách, lúc ra mắt thì rầm rộ nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: quản lý, sử dụng tài sản công, đầu tư công, quy hoạch, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán. “Nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Nơi nào để bên ngoài kiểm tra, thanh tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực, thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó” - ông Trạc nhấn mạnh.
Không còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”
PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” thì hơn bao giờ hết, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà trước hết là những người đứng đầu cấp ủy và lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành. Nếu như công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì những hành vi tham nhũng sẽ không còn “đất sống”.