Mới đây, thêm một đường dây tín dụng đen tại Quảng Xương (Thanh Hóa) bị triệt phá. Với mức lãi suất “cắt cổ” 500%/năm, loại tội phạm này đã len lỏi đến từng ngõ ngách các xã ven biển. Nhưng cũng không kinh hoàng bằng vụ tháng 7 năm ngoái, khi một đường dây cho vay lãi nặng xuyên quốc gia với lãi suất 2.090%/năm bị triệt hạ, tại Lào Cai. Câu hỏi một lần nữa cần phải được đặt ra là sao tín dụng đen vẫn tồn tại như một thách thức.
Trong đường dây tín dụng đen tại Quảng Xương (Thanh Hóa), 7 đối tượng bị Công an huyện bắt giữ về hành vi cho vay nặng lãi. Nhóm người này thông qua mạng xã hội Zalo hoặc Facebook nhắn tin điều hành giao dịch việc cho vay và thu hồi nợ; thu lợi bất chính 1,7 tỷ đồng.
Cũng tại huyện Quảng Xương, từ tháng 12/2022 đến nay, Công an huyện đã khởi tố 17 vụ, 23 bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng phạm tội cho vay nặng lãi. Cùng thời gian này, Công an huyện Triệu Sơn đã phối hợp với Công an huyện Thọ Xuân, Công an thành phố và Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Thanh Hóa phá Chuyên án 323V, đồng loạt triệt xóa 6 đường dây cho vay nặng lãi. Các đối tượng đã cho hơn 500 bị hại vay với tổng số tiền vay hơn 33 tỷ đồng. Khi cho vay, chúng yêu cầu các con nợ thế chấp trích lục nhà hoặc các giấy tờ có giá trị, viết giấy vay tiền, không ghi lãi suất mà cắt lãi trực tiếp từ số tiền bị hại vay. Khi người vay đến thời hạn không trả, các đối tượng đến đòi nợ với nhiều thủ đoạn tàn bạo, kể cả việc phải chuyển nhượng tài sản là nhà đất.
Còn với vụ “khủng” ở Lào Cai, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô cực lớn qua ứng dụng điện thoại di động hoạt động xuyên biên giới vào Việt Nam. Cho đến khi bị bắt giữ, đã có khoảng 159 nghìn khách hàng vay tiền qua các ứng dụng với tổng số tiền vay là hơn 1.800 tỷ đồng. Số tiền các đối tượng đã chiếm hưởng là 322,6 tỷ đồng.
Cho dù bị triệt phá, nhưng hoạt động tín dụng đen ngày càng cho thấy quy mô hoạt động, tổ chức chặt chẽ thành các đường dây. Chúng lập ra bộ phận quản lý, điều hành, thẩm định, hỗ trợ hoạt động vay; Bộ phận trung gian thanh toán hoạt động chi hộ/thu hộ; Bộ phận nhắc nợ/đòi nợ.
Đáng chú ý, từ hoạt động cho vay được phép trong giao dịch dân sự, các nhóm tín dụng đen đã tìm mọi cách đưa người dân vào bẫy, với lãi suất vay cắt cổ. Khi quá hạn trả nợ, chúng dùng mọi thủ đoạn trấn áp con nợ, kể cả việc sử dụng bạo lực. Như vậy, hoạt động tín dụng từ chỗ giao dịch dân sự đã trở thành tội phạm hình sự. Từ chỗ cho vay nặng lãi trái quy định pháp luật, đến việc khủng bố, hành hung, cưỡng đoạt tài sản, xâm hại tính mạng của người dân khi tiến hành đòi nợ thuê.
Từ tín dụng đen đã hình thành các nhóm tội phạm hình sự. Vậy tín dụng đen là gì và bị xử lý thế nào?
Mức lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định nêu trên tại thời điểm trả nợ.
Về mức phạt tội cho vay nặng lãi, theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), người phạm tội cho vay nặng lãi bị xử lý như sau: Cho vay trong giao dịch dân sự với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Thời gian qua, nhiều đường dây tín dụng đen núp bóng công ty luật, công ty tài chính đã bị cơ quan chức năng triệt phá. Tuy nhiên, các băng nhóm tín dụng đen cũng cần được xử lý ráo riết hơn, triệt để hơn nữa, vì thực tế cho thấy chúng đã mở rộng phạm vi hoạt động tới các vùng nông thôn, miền núi, tàn phá cuộc sống của những người nghèo.