Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 194 của Chính phủ chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản. Bài viết này xin được giới hạn trong việc vì sao lại vướng mắc về đất đai, vật liệu trong quá trình thực hiện các dự án giao thông; trách nhiệm và cần tháo gỡ vướng mắc từ đâu?
Thời gian qua, nhiều dự án giao thông, nhất là cao tốc Bắc - Nam phía Đông chậm tiến độ vì thiếu vật liệu đắp nền (đất đá, cát sỏi), giá vật liệu bị đẩy lên cao, nhiều mỏ khoáng sản đóng cửa với lý do chưa được cấp giấy phép mới để tiếp tục khai thác.
Công điện 194 đã chỉ rõ về việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đường bộ cao tốc, Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra tình trạng giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, không đủ điều kiện gia hạn, thiếu nguồn vật liệu cung cấp cho dự án. Cùng đó, Chủ tịch UBND tỉnh phải chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm cùng với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu... đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác để không xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được các địa phương công bố. Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có biện pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép.
Thực tế thời gian qua cho thấy vật liệu làm đường cao tốc không thiếu nhưng khó khai thác và bị nâng giá. Hiện tại với 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km cao tốc, thì vật liệu xây dựng rất cần thiết. Nếu như nơi nào cũng kêu thiếu, cũng nâng giá thì sẽ rất căng thẳng.
Thủ tục giao các mỏ đất, cát đã quy hoạch, chưa khai thác cho nhà thầu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, nhưng nhiều địa phương vẫn chưa cấp phép cho nhà thầu, dẫn tới việc thiếu hàng chục triệu mét khối vật liệu. Chỉ riêng Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) dài 100 km đã thiếu gần 1 triệu mét khối đất đắp đường. Nguyên nhân của tình trạng này là do 6 mỏ đất đắp được cấp phép theo cơ chế đặc thù để phục vụ riêng cho dự án đã hết hạn từ tháng 12/2022, nhưng 3 tháng sau vẫn không được gia hạn lại.
Nhiều dự án đã đi vào triển khai nhưng lại thiếu đất đá, cát sỏi để đắp nền cho thấy đã bất cập ngay từ khâu chuẩn bị. Đó chính là chuyện “cua cậy càng, cá cậy vây”, “quyền anh quyền tôi” quyền lợi mang tính cục bộ. Trong khi quy trình cấp phép mới, gia hạn hoạt động hoặc nâng công suất khai thác mỏ nguyên vật liệu xây dựng mất nhiều thời gian, chỉ riêng việc sau khi trúng đấu giá khai thác, doanh nghiệp cũng phải mất 1,5 tháng để cấp giấy phép gia hạn thời gian khai thác. Việc quy định doanh nghiệp chứng minh tài chính 3 năm hoạt động gần nhất cũng lại là một rào cản khác.
Ông Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam khẳng định, đất nước không thiếu nguồn vật liệu xây dựng phục vụ để làm đường giao thông. Tuy nhiên, bất cập nảy sinh là do quá trình chuẩn bị các yếu tố, điều kiện chưa được chu đáo. Theo ông Long, cần ít nhất 3 yếu tố: Thứ nhất, chuẩn bị về nguồn khoáng sản gần các công trường thi công, có đảm bảo trữ lượng không. Thứ hai, thủ tục để khai thác khoáng sản cung cấp cho công trình có vướng mắc gì không, nếu có thì phải giải quyết sớm. Và thứ ba, phương pháp khai thác và phương tiện, đường xá để vận chuyển đến công trình có đảm bảo tiến độ hay không, có ảnh hưởng đến người dân trong vùng hay không.
Nhiều dự án xây dựng đường cao tốc đang có nguy cơ bị chậm tiến độ mà nguyên nhân lãng xẹt là thiếu vật liệu xây dựng. Với một đất nước 3/4 diện tích tự nhiên là đồi núi và cao nguyên, tài nguyên khoáng sản dồi dào, thiếu vật liệu làm đường thì điều đó thật khó hiểu. Nó cho thấy bất cập trong công tác chuẩn bị dự án, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, nhà thầu và địa phương nơi cao tốc đi qua.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là làm thế nào để biết được điều gì đang diễn ra tại địa phương khiến họ thiếu sẵn sàng. Mà ở đây, như đã nói, trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh nơi có dự án cao tốc đi qua.