Quốc tế

Cuộc chiến “kiềm chế giá” vẫn tiếp tục

Mai Phương 26/01/2024 10:26

Lạm phát ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đã chậm lại đáng kể trong năm qua khi giá năng lượng giảm từ mức cao kỷ lục.

anh2-bai-chinh-25-1.jpg
Chuỗi cung ứng bị phân mảnh là một trong số những rủi ro gia tăng lạm phát. Nguồn: AP.

Tuy nhiên, cuộc chiến nhằm kiềm chế giá cả tăng cao vẫn chưa giành được thắng lợi và nguy cơ lạm phát có thể tăng trở lại rất cao do sự gián đoạn đối với một trong những tuyến thương mại chính của thế giới vẫn tiếp diễn.

Chưa thể chủ quan

Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Biển Đỏ có nghĩa là nhiều tàu container, tàu chở dầu và tàu chở hàng, vận chuyển nguyên liệu thô đã buộc phải đi một tuyến đường dài hơn quanh châu Phi, khiến chi phí vận chuyển và bảo hiểm tăng vọt.

“Tôi cho rằng có một mức độ tự mãn trên thị trường tài chính liên quan đến triển vọng lạm phát” - Giám đốc điều hành UBS Sergio Ermotti cho biết hôm 24/1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, việc dẫn chi phí vận chuyển cao hơn do các cuộc tấn công ở Biển Đỏ gây ra có khả năng dẫn đến chi phí hàng hóa cao hơn.

Ngay cả trước khi giá cước vận tải tăng vọt, có thời gian tác động đến giá tiêu dùng, lạm phát chung đã tăng cao ở Mỹ, châu Âu và Vương quốc Anh trong tháng 12/2023. Động thái này nêu bật rằng, việc giảm lạm phát giảm xuống 2% - tỷ lệ mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác nhắm tới có thể không phải là điều dễ dàng.

“Còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trước lạm phát. Công việc vẫn chưa hoàn thành” – ông François Villeroy de Galhau - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết.

Đánh giá của ông Galhau giống với nhận xét của bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bà Gopinath lưu ý rằng, các thị trường đang kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ chuyển từ tăng lãi suất theo tốc độ sang cắt giảm lãi suất một cách “khá mạnh mẽ. “Tôi nghĩ rằng còn hơi sớm để đưa ra kết luận về việc lạm phát đã được kiểm soát” – bà Gopinath nói.

Tại cuộc họp thường niên ở khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Alpine, một số chủ ngân hàng và CEO đã cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách không nên cắt giảm lãi suất quá sớm, do có vô số động lực có thể đẩy lạm phát lên cao hơn.

Theo bà Gopinath, những “rủi ro gia tăng lạm phát” đó bao gồm sự phân mảnh chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cú sốc khí hậu và xung đột vũ trang.

Bà Mary Callahan Erdoes - Giám đốc điều hành bộ phận quản lý tài sản của JPMorgan Chase đã cảnh báo về một rủi ro khác tinh vi hơn. Theo bà Erdoes, ngay khi các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất, mọi người sẽ cảm thấy tốt hơn và bắt đầu chi tiêu nhiều hơn. Lúc đó, lạm phát sẽ gia tăng ngay lập tức.

Ở châu Âu và Mỹ, bản thân các quan chức ngân hàng trung ương đã phản đối quan điểm phổ biến của các nhà giao dịch rằng việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho biết, ngân hàng này có thể sẽ chỉ cắt giảm lãi suất vào mùa hè nhưng vẫn còn sự chưa chắc chắn.

Bà Lagarde nói với Bloomberg TV: “Tôi tin rằng nếu không có một cú sốc lớn nào nữa thì chúng ta đã đạt đến đỉnh điểm về lãi suất. Hiện giờ, ngân hàng phải giữ lãi suất ở mức cao ‘trong thời gian cần thiết’ để chắc chắn có thế đưa lạm phát trở lại mức 2%”.

Nguy cơ từ Trung Đông

Tuy nhiên, một cú sốc khác đối với lạm phát có thể đến từ tình trạng bạo lực gia tăng ở khu vực sản xuất dầu mỏ Trung Đông, nơi căng thẳng đang tăng cao khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas nổ ra.

Trong những ngày gần đây, Iran và Pakistan đã tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ của nhau. Vào tuần trước, các lực lượng của Mỹ và Anh đã tấn công hơn 60 mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen trong động thái mà Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi là phản ứng trực tiếp trước mối đe dọa đặt ra đối với “quyền tự do hàng hải” ở Biển Đỏ và Kênh đào Suez liền kề.

Bất chấp xung đột, giá dầu và xăng hầu như không tăng, trong khi giá khí đốt tự nhiên đã giảm do nhu cầu yếu hơn và nguồn cung dồi dào lấn át những lo ngại về địa chính trị.

Trong khi khả năng tăng giá năng lượng cho đến nay là rủi ro lớn nhất đối với lạm phát, sự chậm trễ trong vận chuyển và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng liên tục cũng có thể gây ra vấn đề.

Theo PortWatch - một nền tảng do IMF và Đại học Oxford thành lập, lưu lượng giao thông hàng ngày qua Kênh đào Suez đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, khi kênh đào này bị tàu Ever Given chặn trong 6 ngày.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ công ty tư vấn vận chuyển Drewry có trụ sở tại London, chi phí vận chuyển container dọc theo nhiều tuyến thương mại bận rộn nhất thế giới đã tăng gấp đôi, trong một số trường hợp tăng gấp ba kể từ giữa tháng 12/2023.

Oxford Economics cho rằng, mặc dù những chi phí đó chỉ là một phần nhỏ trong mức giá mà người tiêu dùng cuối cùng phải trả cho hàng hóa sản xuất, nhưng nếu chúng tiếp tục tăng cao, chúng có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng nhẹ.

Giám đốc điều hành hãng vận chuyển hàng hải khổng lồ Maersk Vincent Clerc cảnh báo, tình trạng gián đoạn tại Kênh đào Suez có thể kéo dài ít nhất một tháng nữa. Thời gian này càng kéo dài thì chi phí càng cao.

Sự chậm trễ trong vận chuyển và chi phí tăng có thể trở nên trầm trọng hơn do khả năng thiếu container. Giám đốc điều hành DHL Tobias Meyer cũng cho biết tại Davos trong tuần này, các hành trình dài hơn quanh châu Phi có thể dẫn đến tình trạng thiếu container ở châu Á trong vài tuần tới vì dòng chảy tuần hoàn đó hiện không diễn ra theo tốc độ mà mọi người đã lên kế hoạch.

Tính tới thời điểm này tại Mỹ, lạm phát hàng tạp hóa đã giảm mạnh từ mức cao nhất hàng năm là 13,5% vào tháng 8/2022 xuống chỉ còn 1,3%. Tuy nhiên, một giỏ hàng tạp hóa thông thường vẫn có giá cao hơn 20% so với thời điểm tháng 2/2021, ngay trước khi lạm phát bắt đầu tăng tốc. Trung bình, giá gà tăng 25% và bánh mì cũng vậy, trong khi giá sữa đắt hơn 18% so với trước đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến “kiềm chế giá” vẫn tiếp tục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO