Sau hơn 3 tháng hoành hành, dịch Covid-19 đã cướp đi quá nhiều sinh mạng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Cùng với nỗi lo bệnh tật, chết chóc, thế giới cũng đang dần dần “ngấm đòn kinh tế” khi sự sụt giảm đã rất rõ ràng, viễn cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 1,5%.
Theo giới chuyên gia kinh tế thế giới thì những hệ lụy mà đại dịch Covid-19 đang và sẽ gây ra cho kinh tế toàn cầu cũng giống như một “cuộc chiến tranh kinh tế giữa thời bình”. Thực tế ra sao và phía trước là gì? Câu hỏi đó đã vẫn đang được lý giải dưới nhiều góc độ.
Cuối tháng 3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua những sửa đổi nhằm cho phép IMF giãn nợ cho các nước thành viên kém phát triển nhất và dễ bị tổn thương do dịch Covid-19. Theo đó, IMF đã mở rộng tiêu chí đánh giá “Ngăn chặn thảm họa và ủy thác cứu trợ” (CCRT) nhằm phù hợp với những tình huống do đại dịch gây ra. Theo đó, tất cả các nước thành viên có thu nhập trung bình dưới ngưỡng quy định của Ngân hàng Thế giới (WB) được nhận hỗ trợ ưu đãi, sẽ được giãn nợ trong khoảng thời gian lên tới 2 năm.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva khẳng định: “Rõ ràng chúng ta đã rơi vào suy thoái. Dự báo đợt suy thoái này sẽ tồi tệ hơn năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”. Bà Kristalina cho rằng, đó là điều khó tránh khỏi khi hầu hết các quốc gia phải “ngừng khẩn cấp” nhiều hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF cũng cho rằng, khác với sự phục hồi chậm chạp sau năm 2009, dự báo lần này sẽ là “sự phục hồi mạnh mẽ” vào năm 2021, nhưng “chỉ khi chúng ta kiềm chế thành công dịch bệnh và giải quyết được các vấn đề về thanh khoản”. Từ đó, bà Kristalina kêu gọi các nước phải ứng phó bằng việc chi “thật mạnh tay” để tránh xảy ra hàng loạt vụ phá sản và vỡ nợ ở các thị trường mới nổi. Vẫn theo vị nữ Tổng Giám dốc IMF, đa gần 90 nước, trong đó 50 nước có thu nhập thấp và hơn 30 nước có thu nhập trung bình đã đề nghị IMF hỗ trợ khẩn cấp.
Trên tinh thần đó, bà Kristalina hoan nghênh gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD được Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn và Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành, như một động thái chặn sự đổ vỡ của nền kinh tế hàng đầu thế giới, không tạo ra những “vết dầu loang” tới những nền kinh tế khác.
Cần gấp các gói giải cứu lớn
Nếu như nước Mỹ đã tung ra hơn 2000 tỉ USD thì nhiều nước khác cũng đã buộc phải “nới hầu bao trước khi dình trệ”.
Tờ The Guardian đưa tin, Chính phủ Úc cũng đang đẩy nhanh quá trình thảo luận để sớm cung cấp gói tài chính lên đến gần 200 tỷ để hỗ trợ nền kinh tế. Còn Ngân hàng Tái thiết Đức thì đang trong quá trình đưa ra gói hỗ trợ khoảng 610 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này. Nói tóm lại, hầu nhưu không một quốc gia nào không đưa ra gói hỗ trợ để tránh đổ vỡ của nền kinh tế, đồng thời tiếp lực cho sự phục hồi. Từ nước giàu cho đến nước ngoài, tất cả đều đã phải tính đến các gói cứu trợ.
Vẫn theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, kinh tế thế giới đang chứng kiến những thiệt hại khốc liệt, kinh tế toàn cầu có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm. Vì thế, đòi hỏi một cách phản ứng chưa từng có tiền lệ trên phạm vi toàn cầu. Trong một thông điệp gửi tới Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bà Kristalia kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến cung cấp thêm hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp, đồng thời cho biết IMF sẵn sàng huy động toàn bộ khoản cho vay trị giá 1.000 tỉ USD để chống dịch Covid-19. “Các nước cần phải có kế hoạch chi tiêu rất lớn để tránh một loạt các vụ phá sản và vỡ nợ của thị trường mới nổi”- Tổng Giám đốc IMF kêu gọi.
Ngay trước cuộc họp khẩn cấp của nhóm G20 ngày 25/3, các kinh tế gia của cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo là những nền kinh tế của nhóm này “sẽ bị một cú sốc chưa từng có trong nửa đầu năm 2020 và có mức tăng trưởng âm trong năm 2020, trước khi phục hồi vào năm 2021”.
Theo Moody’s, trong năm 2020, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các quốc gia nhóm G20 sẽ sụt giảm 0,5%, GDP của Hoa Kỳ sẽ giảm 2%, GDP của khu vực đồng euro giảm 2,2%. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ đạt 3,3%, mức rất thấp đối với quốc gia này.
Truyền thông quốc tế dẫn nguồn tin từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE), khủng hoảng đến từ SARS-CoV-2 sẽ nặng nề hơn khủng hoảng năm 2008, vì lần này không chỉ có hệ thống tài chính, mà toàn bộ nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng sâu rộng, bởi vì hàng trăm triệu người phải nghỉ làm, tự cách ly trong nhà để ngừa lây nhiễm, khiến mức cầu cũng sụt giảm. Tại châu Âu, nơi có luật bảo vệ người lao động rất chặt chẽ, thì tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng vọt lên 12%, từ đây đến cuối tháng 6. “Nhưng, trước hết sự phục hồi chỉ có thể có được nếu các quốc gia đều tùng ra gói hỗ trợ cực lớn”- Reuters dẫn lời một quan chức IMF.
Đi tìm nguyên nhân
Thế giới đã trải qua không ít đại dịch, cùng với những tổn thất rất lớn về nhân mạng cũng như sự xáo trộn xã hội, thì kinh tế cũng gặp vô vàn khó khăn. Nhưng, theo nhiều dự báo thì với địa dịch Covid-19 lần này, kinh tế thế giới sẽ gặp khó khăn “chưa từng có”, tuy rằng sự phục hồi sẽ nhanh hơn.
Nhiều nhà đầu tư Mỹ đau đầu khi chứng khoán giám sâu.
Hãy so sánh Covid-19 với SARS.
So với Covid-19, phạm vi lây nhiễm của SARS tương đối hẹp (26 nước), rất tập trung (92% ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan); số lượng tử vong tổng cộng là 774 - chưa tới 12% số lượng tử vong do Covid-19 gây ra cho đến ngày 16/3/2020. Dịch SARS kết thúc trong vòng 2 quý, nhờ vậy kinh tế toàn cầu đã hồi phục nhanh chóng theo hình chữ V. Trái lại, Covid-19 xảy ra cho đến nay đã gần hơn 1 quý, tâm điểm lan truyền di động (đợt 1 là Trung Quốc, đợt 2 là Hàn Quốc và Nhật Bản, đợt 3 là Ý, châu Âu và Mỹ...), hết đợt này đến đợt khác nên kinh tế toàn cầu liên tục ở trạng thái “đóng cửa” từng phần và hết sức bấp bênh.
Một điểm khác, SARS tập trung chủ yếu ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, khi các nền kinh tế này - đặc biệt là Trung Quốc - chưa quá quan trọng với kinh tế toàn cầu. Khi ấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc mới đứng thứ 5 thế giới (sau Mỹ, Đức, Nhật, Pháp) và chỉ chiếm 5% trong tổng xuất khẩu toàn cầu. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm tới 13% xuất khẩu toàn cầu. Còn về phía “cầu”, Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu quan trọng nhất đối với hầu hết các nền kinh tế ở châu Á và là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 của Hoa Kỳ. Khách du lịch Trung Quốc trong năm 2019 tiêu gần 300 tỷ USD cho du lịch nước ngoài.
Cuối cùng, khác với SARS và các đại dịch toàn cầu gần đây, lần này Covid-19 phát tán mạnh nhất ở các nền kinh tế lớn nhất. 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng nhau tạo ra 66% GDP, 69% sản lượng công nghiệp chế biến - chế tạo, 46% xuất khẩu. Và cũng 10 quốc gia này cùng nhau chiếm tới 71% số ca nhiễm và 79% số ca tử vong do Covid-19 (tính tới cuối tháng 3/2020). Rõ ràng là với tầm quan trọng của mình, “khi các quốc gia này viêm phổi, cả thế giới sẽ lao đao”.
Cần nhiều thời gian để phục hồi
Trong bài trả lời phỏng vấn của tờ Le Figaro -cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine đặc biệt chỉ ra rằng chính tiến trình toàn cầu hoá, với hai đặc điểm tiêu biểu là giới tài chính được rảnh tay mặc sức làm mưa làm gió, và sản xuất công nghiệp được bố trí tại những nơi giá nhân công rẻ mạt nhất, đã là một cội nguồn căn bản dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay khi bị SARS-CoV-2 tấn công. Ông Hubert cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng phơi bày một tình trạng dễ tổn thương. “Nếu chúng ta không cố tình tự bịt mắt mình, thì toàn bộ những điều này sẽ không chỉ đặt lại vấn đề về lối sống, mà cả về toàn bộ một nền văn minh: Nền văn minh của chúng ta. Quả là kinh hoàng!”- ông Hubert nói.
Theo Giáo sư Dwight Perkins (Mỹ), không còn nghi ngờ gì nữa, dịch Covid-19 đang tác động lớn đến kinh tế toàn cầu. Và thế giới cần nhiều thời gian để hồi phục. Còn theo Tiến sĩ Scott Kennedy, so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thì tình hình hiện nay gây khủng hoảng lớn hơn và có thể kéo dài lâu hơn. Sự lan rộng của bệnh dịch dẫn đến quy mô của cuộc suy giảm kinh tế hiện nay đã lan ra toàn cầu, tàn phá mọi nền kinh tế.
Trong khi đó, tờ Le Monde (Pháp) lại cho rằng dịch Covid-19 làm toàn cầu chao đảo trong bối cảnh nước Mỹ “co cụm lại”. Từ đó, tác giả bài báo đưa ra nhận xét, Mỹ cũng như các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần vào cuộc chiến phối hợp chống dịch trong các định chế quốc tế đa phương. Sự “vắng mặt” của các quốc gia giàu có trong cuộc chiến chống Covid-19, có nghĩa là không có sự phối hợp ở quy mô toàn cầu thì sự khủng hoảng sẽ bị kéo dài, rất dài.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, chúng ta đã rơi vào suy thoái khi hầu hết các quốc gia phải “ngừng khẩn cấp” nhiều hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF cũng nhấn mạnh, khác với sự phục hồi chậm chạp sau năm 2009, dự báo lần này sẽ là “sự phục hồi mạnh mẽ” vào năm 2021, khi kiềm chế thành công dịch Covid-19. Bà Kristalina kêu gọi các nước phải ứng phó bằng việc chi “thật mạnh tay”. Vẫn theo vị nữ Tổng Giám đốc IMF, gần 90 nước, trong đó 50 nước có thu nhập thấp và hơn 30 nước có thu nhập trung bình đã đề nghị IMF hỗ trợ khẩn cấp.