Cứu ngôn ngữ của người Ơ Đu

Hồ Lài 13/07/2015 14:00

Bây giờ, đến bản của tộc người Ơ Đu - một trong 5 tộc người ít nhất Việt Nam, không còn phải đi bằng xuồng máy trên sông nữa, cũng chẳng phải tìm họ trong thâm sơn cùng cốc. Hơn 400 người đã được tái định cư tại xã Nga My, Tương Dương, Nghệ An. Nơi đã con đường nhựa chạy qua, có điện, có trường, và những ngôi nhà có kiến trúc giống hệt nhau u uẩn nỗi niềm….

Cứu ngôn ngữ của người Ơ Đu

Một ngôi nhà tái định cư tại bản mới Văng Môn, xã Nga My, Tương Dương.

Những cuộc chạy trốn lịch sử

Trong chuyến đi về miền Tây xứ Nghệ, tôi cứ mãi ám ảnh câu nói của một người bạn: “Lịch sử nghiệt ngã với người Ơ Đu quá”! Câu nói ấy thôi thúc tôi đến bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương, Dương, Nghệ An - nơi sinh sống của hơn 400 người Ơ Đu. Bản làng này, không biết là cuộc dừng chân thứ mấy, trong những cuộc di dời lịch sử của cộng đồng dân tộc ít người nhất xứ Nghệ này.

Nắng hè gay gắt. Từ thị trấn Hòa Bình, Tương Dương vượt chặng đường dài gần 70km chúng tôi đến bản Văng Môn xã Nga My nơi sinh sống của dân tộc Ơ Đu - nơi duy nhất còn lại khoảng hơn 400 người Ơ Đu.

Theo lịch sử ghi lại, khoảng thế kỷ XIV, người Ơ Đu từng phải đương đầu với những cuộc di cư tìm đất sinh sống của người Thái, Mông, Khơ-mú từ Lào tràn sang. Tại đây đã xảy ra những cuộc nội chiến để tranh giành đất sinh sống giữa các tộc người. Người Ơ Đu phải lui sâu vào rừng.

Khi giặc Pháp sang xâm lược, người Ơ Đu lại phải tiếp tục trốn chạy khỏi những đợt truy quét, lùng sục của dân tộc ngoại lai. Đến sau Cách mạng tháng 8, họ mới quy tụ về sinh sống ở bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa, một vài hộ sinh sống rải rác ở bản Tạ Xiêng (xã Kim Tiến), bản Xiêng Hương (xã Xá Lượng), thuộc huyện Tương Dương, Nghệ An.

Tuy nhiên, sau những lần bỏ đất, bỏ bản, bỏ lại tất cả của cái, vốn liếng ống cha để lại, dắt díu nhau đến nơi ở mới, con cháu tộc người Ơ Đu đã đánh mất dần ngôn ngữ, phong tục tập quán của mình. Khi cuộc sống bên con sông Nậm Nơn bắt đầu ổn định, khi bản sắc người Ơ Đu bắt đầu hiện hình lên đất, nước, núi sông thì một lần nữa, họ lại phải tiếp tục một cuộc thiên di lớn lao.

Năm 2006, để nhường chỗ xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ, hi sinh cho nguồn điện mà bao nhiêu năm bị thiếu thốn của đồng bào dân tộc, người Ơ Đu đã rời bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa về tái định cư ở bản Văng Môn, xã Nga My. Người Ơ Đu tái định cư thành bản Văng Môn, xã Nga My.

Cứu ngôn ngữ của người Ơ Đu - 1

Anh Lo Văn Thắng đang tự chế ra dụng cụ để làm rẫy.

Ơ Đu - thương lắm!

Cái sự nghiệt ngã của lịch sử đối với tộc người ít ỏi này, nằm ngay ở chính tên gọi – Ơ Đu, theo tiếng Thái có nghĩa là thương lắm! Người Ơ Đu còn có tên gọi khác là Tày Hạt (có nghĩa là đói rách).

Bản Văng Môn có độ dốc trên 30% được bao phủ bởi rừng cây xanh rậm rạp. Những ngôi nhà tái định cư giả nhà sàn được vôi ve màu vàng, và đánh số. Bà con dân bản nói với nhau, bản mình bây giờ cũng như thành phố! Người Ơ Đu không thích nhà ở bằng bê tông. Một vài gia đình khá giả, chuyển được nhà gỗ ở bản cũ lên đây, dựng lại trên đất mới để ở, còn đa số sống trong nhà đánh số. Nhà sàn làm xây bằng bê tông ở nóng hơn nhà cấp 4. Cái nắng mùa hè gay gắt, những đứa trẻ chạy ra ngồi hóng gió ở lan can. Trong mỗi ngôi nhà, bà con đặt lại bàn thờ tổ tiên, dựng thêm gian bếp bằng tre, nứa “nếu không nấu ăn khói vào hết trong nhà”.

Điều đáng nói là vì những cuộc di dời lịch sử, và cuộc sống muôn vàn khó khăn, nên người Ơ Đu đã bị mất gần như hoàn toàn bản sắc của dân tộc mình. Bản Văng Môn bây giờ, mới chỉ là nơi sinh sống, còn lại không gian văn hóa không còn, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và ngôn ngữ của họ cũng không còn, thay vào đó là một không gian văn hóa xa lạ, lại tạp.

Cứu ngôn ngữ của người Ơ Đu - 2

Chị Mạc Thị Tím may lại chiếc áo truyền thống của người Ơ Đu,
dành mặc trong dịp lễ tết.

Cách tính thời gian của người Ơ Đu không theo lịch thông thường, mà theo tiếng sấm. Người Ơ Đu bắt đầu năm mới, bắt đầu vụ gieo trồng là khi có tiếng sấm đầu tiên vang rền trên bầu trời. Sấm nghĩa là năm mới đến. Sấm nghĩa là mùa gieo trồng bắt đầu...Tiếng sấm có mặt trong tất cả mọi sinh hoạt, nghi lễ thiêng liêng… và theo suốt cuộc đời người Ơ Đu từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi.

Phụ nữ người Ơ Đu rất vất vả. Trong sinh sản, phụ nữ người Ơ Đu phải tuân theo tục đẻ ngồi. Khi trở dạ, phụ nữ được người nhà đưa vào góc nhà, và phải ngồi để đẻ. Sau khi sinh xong, nhau thai được người nhà đút vào ông nứa, đem ra góc nhà chôn. Nếu chưa có sấm, đứa trẻ Ơ Đu vẫn chưa được thành người. Nó cứ được chăm sóc như vậy để chờ khi bầu trời rền vang tiếng sấm đầu mùa, lúc này gia đình đứa trẻ mới tổ chức lễ đặt tên, cho trẻ thành người và tuổi của đứa trẻ bắt đầu được tính từ đó.

Cho đến lúc chết đi rồi họ cũng phải chờ tiếng sấm. Người Ơ Đu quan niệm khi người ta chết đi chỉ lúc có tiếng sấm thì linh hồn họ mới được siêu thoát. Trong gia đình người Ơ Đu, khi người vợ hay người chồng chết, họ phải làm lễ khóc và chia của. Ngoài các lễ vật, quan trọng nhất là phải có 1 đồng xu chia làm đôi nửa. Nửa người sống giữ lại còn nửa kia chôn theo người chết. Nếu vợ hay chồng của người chết muốn đi bước nữa thì họ cũng phải chờ tới tiếng sấm đầu năm. Có sấm, mới bắt đầu lễ cúng, để xin phép ma người chết cho đi bước nữa.

Nhưng điều đáng ngại nhất chính là ngôn ngữ của người Ơ Đu đang dần bị biến mất trong đời sống sinh hoạt. Ngồi trong căn nhà bê tông, cụ Lo Văn Bằng (82 tuổi) trầm tư nhìn ra khoảng nắng rọi trên con đường mòn: “Trong bản giờ chỉ còn ta với ông Lo Văn Nghệ là biết nói tiếng Ơ Đu thôi, nhưng cũng không nói với nhau nhiều, vì các con các cháu đều nói tiếng Thái, tiếng Khơ-Mú, mình nói chúng không hiểu”.

Trước nguy cơ bị mai một và mất, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định phê duyệt “Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ Đu”. Theo đó, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, văn hoá, giáo dục, công tác khuyến nông, khuyến lâm… đã được triển khai trong 5 năm qua. một trong những nội dung của Dự án là việc mở lớp dạy tiếng cho các thế hệ trẻ người Ơ Đu.

Từ đầu năm 2008, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã mở được nhiều lớp dạy tiếng Ơ Đu. Tuy nhiên, kết thúc lớp học chỉ 30-40% học viên nói được và chỉ là thứ ngôn ngữ giao tiếp, chào hỏi thông thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu ngôn ngữ của người Ơ Đu