6 tháng đầu năm 2024 có 8,8 triệu lượt du khách quốc tế tới Việt Nam. Kỳ vọng cả năm sẽ từ 17-18 triệu lượt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tăng trưởng du lịch ở ta vẫn chậm, nhất là về nguồn thu. Trong khi chúng ta có ưu thế thu hút khách quốc tế nếu so tỷ giá sức mua tương đương và tỷ giá hối đoái: hiện 1 USD ở Việt Nam có sức mua cao gấp Thái Lan 2,7 lần; Philippines 2,5 lần; Trung Quốc 1,5 lần.
Kỳ vọng gì về du lịch năm 2024? Có lẽ cần xem xét, đối chiếu trên một vài con số cơ bản năm 2019 - trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể: Năm 2019, tỷ lệ khách quốc tế tới một số nước châu Á so với dân số, như sau: Hồng Kông (Trung Quốc) 371,3%; Malaysia 85,7%; Thái Lan 59,4%... Bên cạnh đó, ngoại tệ (tính theo USD) thu được từ khách quốc tế của nhiều nước châu Á là: Thái Lan 63 tỷ USD, Nhật Bản 41,1 tỷ USD; Trung Quốc 40,4 tỷ USD… Trong khi đó, năm 2019 (trước đại dịch) Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch là hơn 11,8 tỷ USD.
Những con số trên cho thấy việc thu hút lượng khách quốc tế cũng như ngoại tệ của Việt Nam từ du khách quốc tế thông qua du lịch là rất khiêm tốn, khi chỉ so với một số quốc gia châu Á. Trong khi Việt Nam được coi là cường quốc di sản với với nhiều bãi biển đẹp, nhiều hang động, 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới, có 1 trong 7 kỳ quan thế giới mới (vịnh Hạ Long), 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 33 vườn quốc gia, 117 bảo tàng và gần 8.000 lễ hội…
Đó chính là ưu thế vượt trội so với nhiều quốc gia trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, ưu thế đó trong việc thu hút khách quốc tế còn là giá cả so với nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nói dễ hiểu là ưu thế giữa tỷ giá sức mua tương đương và tỷ giá hối đoái. Không so với các quốc gia Âu - Mỹ, mà chỉ trong châu Á thì chênh lệch đó là lớn. Cụ thể: Với Nhật Bản 1,1; Hàn Quốc và Hồng Kông1,3; Singapore và Trung Quốc 1,5; Brunei 2,1; Philippines 2,5; Malaysia 2,6 và Thái Lan 2,7.
Chênh lệch này cho thấy khi chi tiêu ở Việt Nam thông qua du lịch, du khách quốc tế có lợi. Nhưng, điều đáng nói là việc thu hút du khách quốc tế ở ta vẫn không đột phá, cho dù đã tăng. Nếu như trước năm 2018, bình quân 100 dân đạt 16,2 lượt khách quốc tế và đạt đỉnh vào năm 2019 (bình quân trên 100 dân số đạt gần 18,7 lượt khách quốc tế).
Còn về chi tiêu của du khách quốc tế, cũng lại là điều phải suy nghĩ. Trong khi khách du lịch quốc tế đến Philippines chi khoảng 2,9 nghìn USD/người (8 ngày, con số năm 2019 trước dịch Covid-19, so với khoảng 1,2 nghìn USD chi tiêu tại Việt Nam).
Dẫn ra những con số kể trên cho thấy tiềm năng du lịch của Việt Nam còn rất lớn, thể hiện rõ nhất ở số lượng khách và mức độ chi tiêu của khách. Vấn đề ở chỗ không thể bằng lòng với lượng khách quốc tế tới với chúng ta tiếp tục tăng, cho dù điều đó là rất đáng quý, mà phải tính đến tương quan với các nước trong khu vực, trong khi chúng ta đang có nhiều lợi thế. Nếu như chỉ bằng lòng với sự tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước của chính chúng ta, từ đó hài lòng mà không nhìn ra xung quanh thì khả năng tụt hậu là rõ ràng.
Nhiều năm trở lại đây, chúng ta đã tăng cường quảng bá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Nhưng nhìn vào những con số thực tế thì khó có thể nói là đã vui với điều đó. Số liệu của Cục Du lịch quốc gia cho thấy, trong 6 năm trước dịch (từ 2014 đến 2019), tổng lượng khách nội địa đi du lịch gấp 5-7 lần lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thế nhưng doanh thu từ khách quốc tế lại cao hơn 1,4 đến 1,6 lần tổng thu từ khách nội địa. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2022, trung bình 1 khách quốc tế chi tiêu cho chuyến du lịch của mình ở Việt Nam khoảng 1.038 USD, còn khách nội địa là 160 USD. Vì thế, tìm giải pháp thu hút du khách quốc tế là rất quan trọng, đòi hỏi phải vượt qua tâm lý tự hài lòng rất cố hữu.
Chúng ta vui khi nhiều tổ chức du lịch quốc tế đánh giá (xếp hạng) cao về điểm đến du lịch Việt Nam. Nhưng niềm vui chỉ thực sự trọn vẹn khi khách quốc tế ở những thị trường truyền thống đến nhiều hơn, cùng đó còn phải vươn rộng ra và nhất là sản phẩm du lịch phải hấp dẫn để khách đến Việt Nam tiêu tiền nhiều hơn. Không thể chỉ dừng lại ở kỳ vọng, vì điều đó đã nói quá nhiều, mà phải là thực tế.