Từ những sự việc tại các cơ quan hành chính, cách ứng xử của công chức, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, phải rà soát toàn diện bộ máy quản lý, nhất là người đứng đầu các cấp quản lý, rà soát lại năng lực, tư duy tầm nhìn và nếu cần thay thế thì không cần chờ đến hết nhiệm kỳ.
Ông Lê Thanh Vân.
Dư luận 2 ngày cuối tuần vừa qua một lần nữa “dậy sóng” khi Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch yêu cầu xử lý phát ngôn của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về quy hoạch bán đảo Sơn Trà và sau đó là thu hồi yêu cầu ấy.
Nói về vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, việc làm này là không thoả đáng. Hiệp hội là một tổ chức nghề nghiệp, thành lập trên cơ sở pháp luật và người ta nói lên quan điểm của mình, quan điểm không vi phạm, không gây nguy hiểm với xã hội, với mục đích chung là bảo vệ cảnh quan, môi trường và thậm chí cả an ninh quốc gia tại Sơn Trà.
Khi người này lên tiếng, nếu cần, đại diện cơ quan quản lý nhà nước phải phản biện ngay để thấy cái đúng, cái sai trong quan điểm đưa ra chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt buộc kiểm điểm, giải trình, xử lý người ta được.
“Diễn biến những việc liên tiếp vừa qua tại Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch minh chứng rất rõ ràng là năng lực của bộ máy hiện tại không thể đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng về việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ”- ĐB Vân nói và thêm: Theo tôi, vấn đề đặt ra ở đây, cùng với nghị quyết TƯ 4 khoá XI rồi TƯ 4 khoá XII, cần sát hạch lại cán bộ công chức và đặc biệt đội ngũ lãnh đạo ở tất cả các cấp để làm sao trưng cất được một đội ngũ cán bộ mới đáp ứng yêu cầu phát triển chứ cứ giữ một bộ máy với những cán bộ lãnh đạo trụ cột của một bộ như vậy thì khó có thể kiến tạo phát triển được. Đó là hệ quả của việc sàng lọc, chọn không đúng người vào bộ máy.
Từ việc cấp giấu phép lưu hành quốc ca tới việc dừng lưu hành ca khúc sáng tác trước 1975… là những việc khiến dư luận rất bức xúc.
Việc cấp phép Quốc ca vừa qua không chỉ xúc phạm đến hiến pháp mà còn xúc phạm đến sự thừa nhận rộng rãi của người dân đối với ca khúc suốt từ ngày lập nước đến nay. Tư duy của người quản lý nhà nước như vậy rõ ràng là quá có vấn đề.
Trở lại vấn đề năng lực bộ máy, năm 2016 chúng ta chứng kiến một vụ việc rất nhỏ bé như quán cà phê Xin Chào, Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo các cấp dưới mới chuyển động, mới làm. Rồi việc quản lý nhà nước ở Bắc Ninh vừa qua, tôi cũng đặt câu hỏi, sức mạnh, hiệu lực của quản lý nhà nước đến đâu mà khiến Chủ tịch tỉnh cũng phải làm đơn kêu cứu Thủ tướng vì không xử được “cát tặc”.
Mới đây nhất là vấn đề của ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn của Bộ - một cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng mà để cuối cùng Thủ tướng phải chỉ đạo như thế, phải gọi điện thoại mới xử lý thì vấn đề năng lực bộ máy rất đáng bàn. Mà năng lực bộ máy nằm ở chính khung sườn cán bộ lãnh đạo quản lý, quá có vấn đề, việc sử dụng con người không đúng tầm, người giữ cương vị làm không đúng vai thì mới xảy ra trường hợp đó.
Trở lại với tinh thần và việc thực hiện hai Nghị quyết Trung ương 4 vừa được nêu trên, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng: “Thực ra mà nói để làm tốt tinh thần của 2 Nghị quyết Trung ương 4, chúng ta phải vào cuộc làm sao rà soát toàn diện bộ máy quản lý, nhất là người đứng đầu các cấp quản lý, rà soát lại năng lực, tư duy tầm nhìn và nếu cần thay thế thì không cần chờ đến hết nhiệm kỳ.
Cần sàng lọc để sao chưng cất được bộ máy cán bộ nói chung nhất là cán bộ lãnh đạo nói riêng xứng tầm với nhiệm vụ. Cần có cuộc chỉnh huấn toàn diện giống như cuộc chỉnh quân từ xưa bác Hồ làm thì mới chưng cất được những cán bộ tốt”.