Ngày 18/3, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017.
Ảnh minh họa. Nguồn: giaoduc.edu.vn.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hiện nay việc đào tạo, chất lượng kỹ sư, cử nhân của Việt Nam “có vấn đề”. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Vì vậy, cần thiết phải có sự đổi mới. Cần làm rõ vấn đề nào là của các trường, của Bộ ngành, và của Chính phủ.
Còn lúng túng khi tự chủ
Báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Tính đến nay có 13 trường đại học công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Sau một năm thực hiện, các trường đã tiến hành rà soát lại các quy định nội bộ về tổ chức, công tác quản lý hoạt động đào tạo và các hoạt động khác để triển khai thí điểm tự chủ toàn diện trong nội bộ đơn vị. Các trường cũng đã chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo chiến lược, phát huy tính chủ động sáng tạo.
Tính đến nay cũng đã có 5 trường mở ngành mới sau khi triển khai Nghị quyết. Việc cho phép các trường được tự chủ trong công tác xây dựng nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy cũng đã tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các trường đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận với chuẩn đào tạo quốc tế…
Tuy nhiên, hầu hết các trường được phê duyệt đề án trong năm 2015 nên thời gian thực hiện còn ngắn, chưa đánh giá được đầy đủ các mặt tích cực và hạn chế của cơ chế này. Một số quy định tại Nghị quyết 77 chưa rõ, đồng thời chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai còn nhiều lúng túng.
Đặc biệt là chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của các trường, dẫn đến còn nhiều quan điểm khác nhau giữa trường và các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.
Nhiều trường thực hiện thí điểm vẫn còn có những băn khoăn, ví dụ bài toán về tăng học phí nhưng phải làm sao để thu hút được thí sinh vào học. Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Mặc dù được quyết định mức thu học phí theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cao hơn mức học phí quy định chung đối với các trường ĐH khác, nhưng để thu hút sinh viên, một số trường vẫn duy trì mức học phí bằng mức quy định chung của Nhà nước áp dụng cho các trường chưa thực hiện cơ chế tự chủ, vì vậy chưa có tích lũy để đầu tư các công trình, dự án lớn phục vụ công tác đào tạo.
Bên cạnh đó, vấn đề cũng nhận được nhiều ý kiến quan tâm là việc ấn định số lượng giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng để quyết định mở ngành và quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học. Các trường thực hiện thí điểm đề nghị bỏ việc quy định ấn định số lượng giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng.
Bộ GD&ĐT không đồng ý với kiến nghị này vì nếu không ấn định, các trường sẽ mời rất nhiều giáo viên thỉnh giảng, để từ đó yêu cầu nâng cao quy mô đào tạo, không quan tâm tới nâng cao chất lượng...
Tháo gỡ dần những vướng mắc cụ thể
Lắng nghe ý kiến và các trao đổi xung quanh nội dung hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Sau 1 năm thực hiện, tôi thấy phần lớn các nhà trường vẫn chưa dùng hết quyền tự chủ của mình. Còn một số điểm vướng cần phải gỡ cụ thể, để sau 1 năm sẽ báo cáo chính phủ đánh giá về tự chủ. Đây là con đường tất yếu chúng ta phải làm, không vội vàng nhưng phải khẩn trương, quyết liệt với quan điểm lớn nhất là nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
Phó Thủ tướng cho rằng, các trường mong muốn cơ chế hỗ trợ của nhà nước về tài chính, tín dụng vẫn có cơ hội tếp cận. Nhưng sau này có những khoản lớn nhất là nghiên cứu mà đầu tư nhà nước cho các trường nghiên cứu thì các trường không làm nổi, vẫn phải tiếp tục hỗ trợ.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhắc lại: Tự chủ không có nghĩa nhà nước buông, các trường muốn làm gì thì làm.
Thứ nhất là về tài chính có học bổng, không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao của con em nhà nghèo.
Thứ hai, tự chủ phải đi liền với trách nhiệm giải trình để đảm bảo chất lượng. Ở đây có câu chuyện kiểm định, Bộ sẽ ban hành bắt buộc cho tất cả các trường tự kiểm định công khai. Xin tự chủ được rồi thì phải gương mẫu, chấp nhận, phải làm thực sự tốt. Nếu vi phạm thì phải xử nặng hơn.
Về tổ chức bộ máy, Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua thấy cái vướng rất rõ. Chúng ta giao tự chủ thì vai trò bộ chủ quản tiến tới sẽ bớt đi, tăng quyền quản lý và trách nhiệm giải trình trong bản thân cơ cấu quản trị của trường, bằng hội đồng trường. Mặc dù pháp luật, quy định đã có nhưng các trường thực hiện chưa nghiêm túc. Nhất định trong thời gian tới, các bộ chủ quản, các cơ quan phải kiện toàn các hội đồng trường theo đúng nghĩa, phân định rõ trách nhiệm hội đồng trường cả về hướng phát triển khoa học, đầu tư, nhân sự.
Bên cạnh đó có cơ chế giám sát rõ ràng và phân định chức năng điều hành của Ban giảm hiệu, hiệu trưởng. Các bộ chủ quản tập trung xem xét kỹ lưỡng nhân sự hội đồng trường khóa đầu tiên.
Đối với công tác cán bộ, như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ chủ quản chỉ làm công tác phê chuẩn. Bộ GD&ĐT nhất định phải ra quy định bắt buộc các trường tự chủ phải công khai, không giấu diếm, có gì vướng thì tiếp tục tháo gỡ.
“Các trường tới đây chưa xin tự chủ cũng phải theo định hướng tự chủ. Vai trò của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cực kỳ quan trọng. Trong Hiệp hội, chúng tôi đã bàn cũng nên thành lập nhóm các trường tự chủ để hỗ trợ tuyển sinh, thi cử, học liệu. Trường RMIT sẵn sàng đứng ra làm các trung tâm học liệu về các lĩnh vực chúng ta rất cần như công nghệ thông tin, các trường tham gia vào và chia sẻ, thay vì chúng ta cứ xin các trường đầu tư để làm như vậy. Chỉ cần nhà nước ủng hộ và tham gia quá trình giám sát. Đề nghị các trường tự chủ gương mẫu tham gia vào chương trình này. Đừng quan trọng anh trường lớn tôi trường bé, nước trong nước ngoài…”