Đắk Lắk: Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thừa nhận thiếu sót, xin tiếp thu khắc phục

Thanh Nga 27/09/2023 14:30

Sau khi Báo Đại Đoàn Kết có loạt bài phản ánh về những khó khăn, bất cập trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), Chủ tịch huyện Buôn Đôn đã thừa nhận do chủ quan, thiếu sót trong việc điều động giáo viên dẫn đến những khó khăn bất cập trong ngành giáo dục huyện nhà. Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thừa nhận, xin tiếp thu khắc phục.

Trường tiểu học Lê Lợi.

Phòng GD&ĐT và Phòng Nội vụ chưa có sự phối hợp nhịp nhàng

Tìm hiểu về những khó khăn, bất cập trong ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Buôn Đôn, ngày 26/9 phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Đảng, Chính quyền của huyện Buôn Đôn.

Trao đổi về vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý mảng văn hóa xã hội, ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, bản thân ông là Phó Chủ tịch UBND huyện, tuy nhiên việc luân chuyển, điều động viên chức trong ngành GD&ĐT thời gian gần đây ông không biết, ông cũng không được bàn bạc gì về vấn đề này. Tôi rất ngỡ ngàng khi báo chí phản về những khó khăn, bất cập trong công tác điều động, luân chuyển viên chức, khiến cho hoạt động giáo dục trên địa bàn bị xáo trộn.

Xảy ra những vấn đề bất cập trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên như báo chí phản ánh, ông Y Si Thắt cho rằng, do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng, ban trong công tác điều động, luân chuyển giáo viên, cán bộ ngành GD&ĐT.

“Tôi đề nghị Ủy Ban kiểm tra Huyện ủy kiểm tra lại quy chế làm việc của UBND huyện như vậy có đúng hay không?” – ông Y Si Thắt Ksơr nói.

“Theo quy chế đã giao công việc, chức năng của Phòng GD&ĐT là đơn vị quản lý trực tiếp đến vấn đề chuyên môn. Để có người chuyên môn tốt thì Phòng GD&ĐT sẽ là đơn vị đánh giá và sắp xếp các vị trí phù hợp với tình hình thực tế.

Trường Mầm Non Hoa Hồng.

Trước đây, trước khi Chủ tịch UBND huyện ký quyết định điều động, luân chuyển viên chức trong ngành giáo dục thì Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách sẽ tiến hành họp, thống nhất quan điểm xong mới trình cho Chủ tịch UBND huyện ký quyết định ban hành. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị. Khi họp lãnh đạo thành viên UBND huyện, tôi cũng đã ý kiến cần phải có sự phối hợp trong công tác tham mưu điều động, luân chuyển viên chức trong ngành GD&ĐT nhưng Phòng Nội vụ vẫn cho rằng đây là thẩm quyền của Phòng Nội vụ và Chủ tịch UBND huyện”, ông Y Si Thắt nhấn mạnh.

Ông Y Si Thắt cho hay: “Buôn Đôn là huyện biên giới, khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao (hơn 50%) nên lĩnh vực giáo dục luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Để sớm tháo gỡ các vướng mắc, ổn định vấn đề giáo dục trên địa bàn để con em các đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng thụ chất lượng giáo dục phù hợp, giảm bớt gánh nặng của hiệu trưởng các trường, cần thực hiện đúng quy chế làm việc đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, cá nhân nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm, chứ không thể cá nhân sai mà bắt tập thể đi theo”.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết làm việc với ông Ya Toan Ênuôl – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Buôn Đôn.

Nếu đảng viên có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo Điều lệ Đảng

Trao đổi về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ông Ya Toan Ênuôl – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Buôn Đôn cho biết, sau khi Báo Đại Đoàn Kết đưa tin về việc luân chuyển giáo viên, kế toán khiến các trường học gặp nhiều khó khăn thì ngày 22/9/2023, Huyện ủy đã tổ chức họp Thường vụ, chỉ đạo cho Ủy ban phải báo cáo sự việc với Thường vụ và phải có sự chấn chỉnh kịp thời; Huyện ủy đã giao cho thanh tra xác minh lại các thông tin mà báo chí đưa lên.

Theo ông Ya Toan Ê Nuôl, Bí thư Huyện ủy để xảy ra sự việc trên, nguyên nhân là do sự phối hợp chưa chặt chẽ. Phòng GD&ĐT và Phòng Nội vụ là cấp phòng, xếp ngang hàng với nhau, việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển… giáo viên thì Phòng GD&ĐT phải báo cáo với Chủ tịch Ủy ban, sau đó Chủ tịch Ủy ban sẽ chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD&ĐT thì phù hợp hơn. Việc phối hợp phải thực hiện sao cho hài hòa, tránh để ảnh hưởng đến công tác dạy học của các trường.

“Tinh thần của Đảng rất rõ ràng, làm gì cũng phải tập trung dân chủ, làm việc theo quy chế; nếu phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm, Huyện ủy sẽ giao cho Ủy Ban kiểm tra vào cuộc xử lý theo Điều lệ Đảng, không bao che”, ông Ya Toan Ê Nuôl nhấn mạnh.

Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai.

“Sau khi sự việc xảy ra, Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức họp, chỉ đạo UBND huyện chấn chỉnh, báo cáo sự việc cho Thường vụ Huyện ủy về quá trình thực hiện luân chuyển, điều động viên chức. Đồng thời, giao Thanh tra huyện tiến hành xác minh những thông tin mà báo chí phản ánh để báo cáo cho Thường vụ Huyện ủy. Nếu đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì sẽ giao cho Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy vào cuộc làm rõ, tùy theo mức độ nặng, nhẹ để xử lý theo điều lệ của Đảng, kiên quyết không bao che”, ông Ya Toan Ênuôl nhấn mạnh.

“Luân chuyển cán bộ, viên chức là việc phải làm theo quy định nhưng phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, phòng, ban. Theo quy chế làm việc thì Phòng GD&ĐT phải báo cáo với Chủ tịch UBND huyện. Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện làm sao để hài hòa trong việc bố trí luân chuyển, điều động viên chức. Tuy nhiên, việc điều chuyển giáo viên, kế toán ở các nhà trường là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nên mới dẫn đến ảnh hưởng công tác chuyên môn. Về vấn đề này, tôi đã đề nghị Chủ tịch UBND huyện cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn” – ông Ya Toan Ênuôl cho hay.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết làm việc với ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn.

Giải đáp các vấn đề dư luận quan tâm

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thừa nhận, các thông tin mà báo chí phản ánh là đúng sự thật. Tuy nhiên, huyện cần có thời gian để sắp xếp, giải quyết. “Sau khi nghe thông tin báo chí phản ánh, tôi đã cố gắng xử lý. Có những việc mình làm chưa đảm bảo thì phải cố gắng khắc phục dần” – ông Nghĩa chia sẻ.

Lý giải về việc điều động giáo viên Tiếng Anh duy nhất của Trường Tiểu học Lê Lợi khiến nhà trường trắng giáo viên Tiếng Anh, ông Nghĩa cho hay, thời điểm điều chuyển giáo viên dạy Tiếng Anh của Trường Tiểu học Lê Lợi về Trường Tiểu học và THCS Ama Trang Lơng trước năm học gần 20 ngày. Hơn nữa, cuối năm 2022, đã có một giáo viên ở huyện Ea Súp xin chuyển công tác về nhưng thời điểm đó huyện chưa tiếp nhận.

Huyện Buôn Đôn có 6 xã đặc biệt khó khăn, riêng xã Ea Bar là xã vùng 1 nên lương thấp hơn ở vùng 3. Do đó, để chuyển 1 giáo viên từ vùng khác sang EaBar thì giáo viên không muốn đi. Do đó, khi bà Trang xin chuyển trường vào hồi tháng 8 thì ông Nghĩa đã đồng ý cho đi. Đồng thời, theo tính toán đến đầu tháng 9/2023, huyện sẽ tiếp nhận 1 giáo viên ở huyện Ea Súp về để thay thế vị trí của bà Trang.

Tuy nhiên, vào đầu năm học thì huyện Ea Súp chưa đồng ý cho giáo viên chuyển đi. Tôi cũng có trao đổi với lãnh đạo huyện Ea Súp, họ nói, họ cũng đang gặp khó khăn về nhân sự dạy Tiếng Anh để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau đó, tôi cũng đã có phương án điều động 1 giáo viên ở trường khác cho Trường Tiểu học Lê Lợi. Tuy nhiên, tôi hơi chủ quan khi chờ 1-2 tuần để huyện Ea Súp đồng ý cho giáo viên này điều chuyển thì đưa về Trường Tiểu học Lê Lợi để tránh sự xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý người lao động. Khi Trường Tiểu học Lê Lợi có báo cáo lên thì bản thân ông đã họp với các phòng, ban liên quan. Qua đó, đã chỉ đạo các đơn vị đi làm việc với các trường để thống nhất phương án làm việc như thế nào cho hợp lý, ông Nghĩa cho hay.

Giáo viên và học sinh trường tiểu học Lê Lợi.

Nói về vấn đề phân quyền giữa Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT trong quá trình quản lý nhà nước đối với Mầm non, Tiểu học, THCS công lập trên địa bàn, ông Nghĩa cho hay: theo quy định mới hiện nay, các trường học trực thuộc UBND huyện, chỉ phụ thuộc vào Phòng GD&ĐT trong vấn đề chuyên môn. “Con dấu của các trường hiện nay, ở ngoài là UBND huyện và ở trong là trường, chứ không phải ở ngoài là Phòng GD&ĐT và ở trong là trường nữa. Tất nhiên, về nguyên tắc, chúng tôi vẫn phải thông qua các cơ quan” – ông Nghĩa lý giải. Còn về việc điều chuyển các kế toán trường học, ông Nghĩa khẳng định, hoàn toàn đúng quy định theo Luật Phòng chống tham nhũng.

“Về việc một trường tiểu học 16 lớp có tới 3 giáo viên Âm nhạc, vấn đề này đã tồn tại cũ từ năm 2017. Hiện nay, tôi đang sắp xếp nhưng chỗ nào cũng có giáo viên Âm nhạc rồi nên chuyển giáo viên đó đi đâu thì cũng thừa. Do đó, tôi phải có thời gian để sắp xếp lại cho ổn thỏa. Hơn 10 năm nay, huyện Buôn Đôn chưa tổ chức thi tuyển giáo viên nên khi tôi về đã rất quyết liệt việc này và đã tuyển được hơn 300 giáo viên. Tôi đã phải cố gắng để giải quyết các vấn đề tồn đọng, nhưng không thể một sớm một chiều”- ông Nghĩa nói.

Khi phóng viên hỏi, có nhiều thông tin dư luận cho rằng, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn và Trưởng phòng Nội vụ đang có dấu hiệu lạm quyền trong công tác điều chuyển, luân chuyển viên chức, ông Nghĩa khẳng định, không hề có sự cấu kết và không có sự lạm quyền.

“Tôi ở huyện khác sang đây nhận công tác nên không có mối quan hệ thân thiết, cũng không phụ thuộc vào mối quan hệ nào trong quá trình điều hành, quản lý. Tôi chỉ muốn làm sao cho huyện Buôn Đôn tốt lên. Do đó, việc câu kết với người này người kia là không bao giờ có. Trong các cuộc họp, tôi vẫn chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD&ĐT trong các hoạt động. Kể cả những thông báo, kết luận rất rõ ràng, là phải có sự kết hợp. Hơn nữa, từ tháng 8/2019, trước khi vào năm học, tôi đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan tổ chức đi rà soát lại việc thừa, thiếu giáo viên, xem việc nào giải quyết được, còn việc nào chưa giải quyết được thì từ từ giải quyết” – ông Nghĩa thông tin.

Trước đây huyện có những văn bản quy định về thẩm quyền cho Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT trong công tác quản lý nhà nước đối với các trường học nhưng cũng trên tinh thần quy định chung, phải có sự phối hợp giữa các phòng, ban để có tiếng nói chung. “Theo quy định tại quyết định số 305 ngày 19/1/2022 của UBND huyện Buôn Đôn thì Phòng Nội vụ không lạm quyền và đang thực hiện đúng”, ông Nghĩa khẳng định.

Liên quan đến việc ông Y Si Thắt Ksơr – Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thông tin, bản thân ông không nắm được việc điều động, luân chuyển viên chức ngành GD&ĐT trên địa bàn trong thời gian qua, ông Nghĩa quả quyết: “Tôi đã giao hết tất cả mọi việc về chuyên môn cho ông Y Sy Thắt Ksơr, chỉ có vấn đề con người là thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện, còn bổ nhiệm là thẩm quyền của thành viên UBND huyện, trong đó có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Muốn làm việc gì, tôi đều mời hai Phó Chủ tịch UBND huyện qua trao đổi, thống nhất xin ý kiến. Sau đó, tôi mới xin ý kiến của Ban Thường vụ Huyện ủy để giải quyết. Còn việc luân chuyển kế toán thì cứ đến kỳ là tôi luân chuyển. Nếu mà tôi không luân chuyển, để quá 5 năm sinh ra chuyện này chuyện kia thì tôi mới sai”.

Học sinh tiểu học huyện Buôn Đôn.

Chủ tịch UBND huyện thừa nhận thiếu sót, xin tiếp thu khắc phục

Từ những phân tích nói trên, ông Nghĩa cho rằng, để xảy ra những sự việc như báo chí phản ánh là do sự phối hợp giữa các phòng, ban chưa tốt trong quá trình thực hiện. “Tôi thừa nhận, việc đó là những cái thiếu sót trong quá trình điều hành và tôi sẽ khắc phục” – ông Nghĩa chia sẻ.

Khi được hỏi, phải chăng thời gian qua UBND huyện Buôn Đôn ban hành các văn bản phân quyền quản ý giữa Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT trong việc quản lý đối với các trường học là một trong những nguyên nhân dẫn đến những rối bời trong việc điều động, luân chuyển cán bộ, viên chức như hôm nay? Ông Nghĩa cho hay, Chủ tịch UBND huyện trước đây đã ban hành văn bản đó. Hơn nữa, bản thân ông mới về nhận nhiệm vụ tại huyện Buôn Đôn chưa được 1 năm, nên từ từ giải quyết bằng một cách hài hòa.

Từ những sự việc đã xảy ra, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn đã chỉ đạo, khi muốn điều động viên chức thì Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT phải có biên bản làm việc với nhau và có chữ ký của cả hai đơn vị. Sau khi đã thống nhất, các đơn vị này đề xuất Chủ tịch UBND huyện để giải quyết. Bên cạnh đó, khi muốn điều ai đi đâu hay sắp xếp nhân sự thì các đơn vị này phải phối hợp với nhau và làm việc với các trường để xem họ có đồng ý hay không thì mới định hướng để giải quyết.

Sau khi báo chí phản ánh, bản thân ông cũng đã tiếp thu và qua đó sẽ nghiên cứu cách giải quyết, khắc phục... “Qua thông tin phản ánh của báo chí, tôi sẽ tiếp thu để có chỉ đạo giải quyết sớm nhất nhằm ổn định việc dạy và học trên địa bàn. Trong một vài tuần tới, tôi sẽ chỉ đạo các phòng, ban đi rà soát lại hết, những việc giải quyết được thì giải quyết, còn những việc nào khó quá thì báo cáo Bí thư Huyện ủy để có sự sắp xếp cho ổn định”, ông Nghĩa nói.

Ngay sau khi Báo Đại Đoàn Kết đưa tin phản ánh việc luân chuyển giáo viên, kế toán của trường học trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện và Phòng Nội vụ đã làm việc với Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính và Hiệu trưởng các trường thiếu giáo viên Tiếng Anh để bàn bạc, thống nhất hướng giải quyết. Và ngày 20/9, đã điều động 1 giáo viên Tiếng Anh đang hợp đồng tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ về trường tiểu học Lê Lợi để giải quyết tình trạng trắng giáo viên Tiếng Anh.

Mới đây, ngày 26/9, ông Phạm Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn đã ký văn bản 1382 về việc hợp đồng giáo viên dạy thay, giáo viên nghỉ thai sản gửi cho các trường học trực thuộc UBND huyện, Kho bạc Nhà nước Buôn Đôn, Phòng Tài Chính- Kế hoạch huyện. Công văn nêu rõ trong năm học 2023-2024, Chủ tịch UBND huyện ủy quyền cho Hiệu trưởng các trường thuộc huyện thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn (hoặc hợp đồng thời vụ) đối với giáo viên khác để dạy thay giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu nhằm duy trì hoạt động dạy và học của các trường học trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thừa nhận thiếu sót, xin tiếp thu khắc phục