Khi xã Cư Kbang thông báo cho các hộ đi nhận bò thì nhiều người dân đã phản đối và kiên quyết không nhận bò vì giá trị con bò mà xã giao cho người dân không tương xứng với số tiền mà người dân đi vay để mua.
Con bò gia đình bà Vương Thị Xuân ở thôn 7 cũng có giá 20 triệu đồng.
Để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo, ngày 20/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 755/QĐ-TTg (Chương trình 755). Tuy nhiên, tại tỉnh Đắk Lắk sau một thời gian triển khai ở các địa phương nơi không còn quỹ đất, hoặc còn nhưng khó khăn trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng nên nhiều hộ dân chưa được giải quyết.
Trước thực trạng đó, các địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép chuyển sang thực hiện các nội dung khác, như: hỗ trợ mua bò sinh sản, mua sắm máy móc nông cụ, đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp… bằng nguồn kinh phí Chương trình 755. Song ở một số địa phương việc triển khai thiếu tính linh hoạt đã gây ra sự bất bình trong nhân dân.
Cụ thể, tại xã Cư Kbang (huyện Ea Súp), một trong những địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk có 15 thôn và 3 cụm dân cư với hơn 2.200 hộ, khoảng 10.000 khẩu thuộc 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99%. Phần lớn đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trong năm 2016, triển khai Chương trình 755, toàn xã có 100 hộ nghèo nằm trong danh sách được hỗ trợ mua bò sinh sản. Vậy nhưng khi xã thông báo cho các hộ đi nhận bò thì nhiều người dân đã phản đối và kiên quyết không nhận bò vì giá trị con bò mà xã giao cho người dân không tương xứng với số tiền mà người dân đi vay để mua.
Ông Phan Văn Cường (thôn 3, xã Cư Kbang) bức xúc: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, khi nghe xã, huyện thông báo sẽ được hỗ trợ mua bò sinh sản để thoát nghèo cả nhà ai cũng vui. Thế nhưng khi xã thông báo đi bắt bò về nuôi thì tôi không đồng ý lấy bò về. Vì con bò đó nhỏ và giá ngoài thị trường mua từ 8 đến 10 triệu đồng, vậy mà xã vẫn ép chúng tôi mua của chủ bò với giá 20 triệu đồng. Thấy quá vô lý nên tôi mới viết đơn gửi lên các cấp để mong cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc và trả lại sự công bằng cho các hộ nghèo chúng tôi. Người dân chúng tôi mong muốn là được tự cầm số tiền đó đi mua bò về nuôi, chứ không thích xã tự ý ký kết hợp đồng với chủ bò rồi ép chúng tôi đến lấy bò về”.
Do lo sợ sẽ thiệt đơn, thiệt kép, nhiều hộ gia đình mặc dù phản đối nhưng vẫn cam chịu đi lấy bò về.
Bà Vương Thị Xuân - vợ của ông Triệu Văn Chương (ở thôn 6, xã Cư Kbang) - chia sẻ: “Nhà nước bảo không có đất thì sẽ cho nhận bò sinh sản về nuôi trong đó cho 5 triệu đồng còn gia đình phải vay Ngân hàng Chính sách 15 triệu đồng. Mặc dù, gia đình tôi không ưng ý với con bò này nhưng vợ chồng tôi vẫn phải nhận bò về vì nếu không lấy bò xã bảo sẽ chuyển đi hộ khác thế thì thiệt cho gia đình tôi. Nếu như con bò này người dân chúng tôi mua ở đây chỉ giá 14 triệu đồng thôi vậy mà họ cứ ép chúng tôi phải mua với giá 20 triệu đồng mới cho bắt về”.
Không chỉ gia đình ông Cường, bà Xuân mà hàng chục hộ dân khác cũng rất bức xúc khi xã bắt phải lấy bò về dù to hay nhỏ cũng chịu chung một mức giá là 20 triệu đồng.
Đem thắc mắc này đi hỏi ông Đàm Văn Hà-Chủ tịch UBND xã Cư Kbang, ông Hà rằng, việc mua bán bò của người dân thì xã không can thiệp, xã chỉ có trách nhiệm báo lên cho Ngân hàng Chính sách huyện khi người dân đã lấy bò về thì Ngân hàng sẽ giải ngân.
Ông Hà thừa nhận không để người dân tự đi mua bò mà xã đứng ra giới thiệu mỗi cho người dân tự đến mua. Về việc có hay không lãnh đạo xã ép các hộ nghèo nhận bò hỗ trợ phải trả tiền cao hơn giá thị trường? Ông Hà khẳng định huyện chỉ đạo như vậy, vì huyện sợ cấp tiền cho người dân thì họ đánh bạc, mua xe máy mà không chịu mua bò.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Giang - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ea Súp cho biết: "Năm 2016, thực hiện Chương trình 755, toàn huyện Ea Súp nhận được số tiền 940 triệu đồng hỗ trợ mua bò. Sau khi UBND huyện họp đã thống nhất phân bổ số vốn này cho 3 xã Cư Kbang, Ea Rốk, Ea Lê và có 188 hộ được nhận hỗ trợ bò. Phòng Dân tộc tham mưu cho UBND huyện ra Quyết định giao cho UBND các xã có trách nhiệm tổ chức họp thôn buôn, lấy ý kiến của nhân dân, trong đó nhân dân thống nhất phương án nào thì xã lấy phương án đó để triển khai thực hiện. Đối với việc hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo theo Chương trình 755 thì UBND xã chủ trì phối hợp với Ngân hàng Chính sách huyện, tổ chức phương án, họp dân rồi đưa ra giải pháp để báo cáo với cấp trên. Đối với sự việc của xã Cư Klang, người dân khiếu nại việc xã ép dân mua bò với giá cao hơn thì đến nay chúng tôi mới nhận được thông tin. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra".
Phản bác lại ý kiến của ông Hà, Chủ tịch xã Cư Kbang, ông Giang khẳng định huyện không chỉ đạo xã mua bò tập trung mà phải theo ý kiến của người dân ở địa phương đó.
Trong khi xã Cư Kbang tự ý bắt ép người dân mua bò với giá cao và vấp phải sự phản ứng của người dân thì tại xã Ea Lê, các hộ dân lại không hề có ý kiến về cách làm của chính quyền xã vì ở đây dân được bàn bạc dân chủ.
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lê chia sẻ: “Sau khi huyện chỉ đạo triển khai Chương trình 755, xã chúng tôi đã họp dân và thống nhất ý kiến là để người dân tự thỏa thuận đi mua bò sinh sản với điều kiện là các hộ này phải trình cho xã hợp đồng mua bán bò giữa hai bên gia đình. Cùng với đó xã cùng cán bộ Ngân hàng Chính sách sẽ xuống kiểm tra thực tế rồi mới làm thủ tục giải ngân cho người dân. Chúng tôi thực hiện theo nguyện vọng của nhân dân nên các hộ ai cũng ủng hộ”.
Trước những thắc mắc của người dân xã Cư Kbang, hi vọng UBND huyện Ea Súp sớm vào cuộc, xác minh làm rõ để người dân an tâm sản xuất.