Nguồn nước đang dần trở nên khan hiếm. Do đó, cần tư duy tiếp cận mới về thủy lợi để đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tại họp báo thông tin về “Cuộc thi 80 năm ngành thủy lợi Việt Nam đồng hành cùng đất nước” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức mới đây, GS.TS Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) chia sẻ: Ngân hàng Thế giới nhiều lần đánh giá: “Việt Nam là quốc gia có hạ tầng thủy lợi nhiều và tốt bậc nhất thế giới”.
Hiện hệ thống thủy lợi của Việt Nam có 290.000 trạm bơm lớn nhỏ khác nhau, 170.000 công trình kênh mương có tổng chiều dài lên đến hàng triệu km. Bên cạnh đó, nước ta hiện có 7.342 đập, hồ thủy lợi. Cả nước đã xây dựng trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200ha trở lên, trong đó 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn, với diện tích phục vụ trên 2.000ha.
Hệ thống thủy lợi không chỉ đem nước đến cho người dân, phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là không gian sống của người dân; cảnh quan và kiến trúc nông thôn. Do đó, cần quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển thủy lợi và cấp nước sạch nông thôn ở những địa bàn khó khăn về nguồn nước như các tỉnh trung du miền núi, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ…
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, các công trình hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai trong quy hoạch được đề xuất có kết hợp, đồng bộ với công trình giao thông, công trình hạ tầng khác theo hướng phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Theo Quy hoạch, từ nay đến năm 2030 sẽ ưu tiên xây dựng mới các hồ chứa nước lớn; nâng cao dung tích hồ chứa lớn đã có; nâng cấp các hệ thống thủy lợi lớn do Bộ NNPTNT quản lý và một số hệ thống lớn quan trọng khác. Đồng thời, xây dựng các công trình khắc phục hạ thấp mực nước trên lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả; nâng cấp đê sông, đê biển và các công trình phòng, chống thiên tai.
Các công trình, dự án đề xuất trong quy hoạch chú trọng đến bảo vệ môi trường, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm; bảo vệ môi trường nước, kiểm soát chất lượng nước, quản lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi.
Theo GS.TS Nguyễn Tùng Phong, cả nước ước tính có 800 dòng chảy (sông), trong đó 62,8% từ nước ngoài chảy vào. Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn, không chỉ cho phát triển nông nghiệp mà còn đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất thủy điện, sản xuất công nghiệp ngày càng tăng. Trong khi đó, các quốc gia ở thượng nguồn các con sông lớn như sông Mekong, sông Hồng, sông Mã… xây nhiều đập thủy điện, khiến nguồn nước chảy vào Việt Nam suy giảm.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, thế giới đánh giá chúng ta đang ở trong kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu, trong đó Việt Nam lại là quốc gia bị tổn thương nhất. Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng, đến thời điểm này, chúng ta cần có “tuyên ngôn” với bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước rằng, chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước mà nước sẽ ngày càng khan hiếm hơn.
Trong khi đó, tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định: Hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phải có những giải pháp từ sớm để bảo đảm an ninh nguồn nước. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, 60% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài và chỉ có 40% nội sinh. Bảo đảm an ninh nguồn nước do đó trước hết phải bảo đảm được nguồn nước nội sinh, trên cơ sở tiếp tục bảo vệ, phát triển rừng đồng thời sử dụng nước một cách hiệu quả nhất. “80% nước đang phục vụ cho nông nghiệp với hình thức tưới tràn… Nhưng lượng nước chúng ta sử dụng được trong hoạt động này chỉ khoảng 10%. Điều này cũng cần phải khắc phục dần” - ông Khánh cho hay.
Trước thực trạng nêu trên, GS.TS Nguyễn Tùng Phong cho biết, tư duy mới về thủy lợi đã được Bộ NNPTNT nêu ra là chuyển từ chiến lược chống hạn, sang chủ động kiểm soát nguồn nước, thực hành triết lý “lấy nước làm trung tâm”. Giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước không chỉ ở khối lượng nước mà cả về chất lượng nước, hiệu quả sử dụng nước, năng suất nước, hạn chế thủy hại…
Do đó, cần thiết phải thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, cần hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Bên cạnh đó, nâng cao công tác quy hoạch, điều tra, dự báo nguồn nước. Đồng thời, nâng cao năng lực tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh. Chúng ta cũng phải chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp, thay đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với tình trạng thiếu nước.