Xã hội

Đảm bảo an ninh nguồn nước: Giải pháp từ công nghệ

Thu Phương 26/03/2024 06:40

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã xác định công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ quan trọng.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, dồi dào. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3/năm. Với hơn 7.500 đập, hồ chứa đã tạo nên dung tích trữ nước chủ động trên 70 tỷ m3. Nguồn nước là sự sống, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của đất nước, sinh kế của người dân. Do đó, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân qua các thời kỳ.

Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước. Công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế. Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả. Ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng...

Chia sẻ về thực trạng hồ, đập tại Việt Nam hiện nay, PGS.TS Nguyễn Đăng Tính - Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi tại TPHCM bày tỏ lo ngại vấn đề an toàn do các hồ chứa nước được xây dựng từ những năm 1970 -1980 của thế kỷ XX, đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng. Trong khi đó, kinh phí bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, năng lực cán bộ quản lý, vận hành hồ, đập còn hạn chế.

Theo ông Tính, cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nâng cao khả năng chống thấm cho đập đất, có những quy trình ứng phó với các tình huống khẩn cấp các quy mô hồ chứa, đập khác nhau. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống tích hợp quan trắc, điều hành hồ chứa thông minh, hoàn thiện quy trình đánh giá an toàn đập, hồ chứa, kết hợp với chuyển đối số hoàn thiện hệ thống thông tin công trình.

Nhận định an ninh nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long (một trong những khu vực chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu hiện nay) đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng, GS.TS Tăng Đức Thắng - nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, khu vực này đang chịu ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lún sụt đất. Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là ngành nông nghiệp.

Cùng với đó, cần lồng ghép các vấn đề trọng yếu như bảo đảm an ninh nguồn nước, ngập nước và suy thoái đồng bằng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này cũng như của quốc gia; xây dựng kế hoạch, quy hoạch dài hạn cho các vấn đề liên quan đến nước như: bảo đảm an ninh nguồn nước; quy hoạch phòng chống ngập nước cho toàn ĐBSCL; bảo vệ chống biển lấn và hệ sinh thái ngập mặn ven biển.

Đồng thời, nghiên cứu giải pháp chủ động cấp nước ngọt cho các vùng hạn mặn và khan hiếm nước; nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng hồ trữ nước ngọt trên hệ thống sông Vàm Cỏ để bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nghiên cứu đánh giá, dự báo chế độ nước (mực nước, sóng, chất lượng nước) vùng ven biển ĐBSCL phục vụ phát triển thủy sản…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo an ninh nguồn nước: Giải pháp từ công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO