Ngày 23/4, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã dẫn đầu đoàn Giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử Quốc gia giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 tại Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND quận 11, TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia làm việc tại Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND quận 11, TP Hồ Chí Minh.
Cùng đi với đoàn có Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha và các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND quận 11, sau hội nghị hiệp thương lần 3, quận 11 lập danh sách số lượng ứng cử HĐND quận là 64 người, HĐND cấp phường là 704 người.
Việc triển khai, quy trình năm bước với ba hội nghị hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo tiến độ về thời gian theo quy định. Trong quá trình thực hiện không phát sinh những thắc mắc, khiếu nại, tố cáo việc giới thiệu người ứng cử, tại quận cũng không có trường hợp tự ứng cử nào.
Tuyên truyền là một trong những công tác nổi bật của quận 11.
Trong thời gian qua, UBND 16 phường trên địa bàn đã tổ chức 35 cuộc tuyên truyền cho hơn 5.000 lượt người đồng thời thành lập tổ tuyên truyền riêng bằng tiếng Hoa để tổ chức tuyên truyền miệng rộng rãi trong cộng đồng người Hoa sinh sống.
Theo bà Trần Thị Bích Liên, việc tuyên truyền miệng cho cộng đồng người Hoa có nhiều thuận lợi vì nhiều đồng chí trong tổ tuyên truyền là người Hoa nên chất lượng tuyên truyền đạt chất lượng cao.
Bên cạnh đó, mỗi ngành, hội đều có hoạt động tuyên truyền riêng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức hội thi“Chọn người tiêu biểu đức, tài” của nhân dân; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quận thành lập chuyên mục truyên truyền trên trang điện tử của hội; Quận đoàn- Hội Liên hiệp thanh niên tổ chức 5 cuộc tuyên truyền cho sinh viên ký túc xá các trường đại học, trung học đặt tại địa bàn như ký túc xá Đại học sư phạm, ký túc xá sinh viên Kiên Giang, trường THPT Nguyễn Hiền, trường THPT Trần Quang Khải, trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa với 7330 sinh viên.
Việc đảm bảo an ninh trật tự cũng đặc biệt được chú trọng.
Tiểu ban an ninh đã ban hành kế hoạch 49 về tăng cường các biện pháp công tác đảm bảo an ninh, trật tự, trong đó có phương án số 50 về việc phối hợp xử lý những tình huống phức tạp.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha đánh giá cao công tác chuẩn bị của quận 11, nhất là trong việc ban hành những văn bản để phục vụ cho công tác bầu cử.
Quan tâm đến thái độ và ý thức của cử tri trong vấn đề bầu cử, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho rằng, để tránh hình thức, quận cần tìm hiểu rõ hơn nữa về ý kiến cử tri trong các hội nghị tiếp xúc cử tri.
Bởi có tình trạng ở một số địa phương, có những hội nghị tiếp xúc cử tri có rất ít ý kiến phát biểu.
Liên quan đến vấn đề cơ cấu, chất lượng người ứng cử, quận 11 có tỉ lệ phụ nữ khá cao. Kinh nghiệm cho thấy nếu muốn đảm bảo tỉ lệ 30% là phụ nữ như luật định thì danh sách người ứng cử phải trên 40%, điều này theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha, quận 11 đã thực hiện rất tốt.
Tuy nhiên không phải nơi nào cũng bầu được 30% là phụ nữ vào HĐND các cấp dù danh sách đưa ra ứng cử trên 40%.
“Để đảm bảo được tỉ lệ này, nhất thiết phải có phương án chuẩn bị sắp xếp tốt”- Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha khẳng định.
Hiện nay, có hai hình thức vận động bầu cử.
Thứ nhất là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận tổ chức, thứ hai vận động qua các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha, vấn đề cần lưu tâm là sau hội nghị cử tri, nội dung của cuộc tiếp xúc này có được người đi dự nói lại cho người không được dự, vì không phải cử tri nào cũng được mời tại hội nghị tiếp xúc cử tri, trong khi đó mỗi địa phương chỉ có khoảng 10- 15% cử tri được mời dự trực tiếp các hội nghị tiếp xúc cử tri.
“Để đảm bảo tính công bằng cho cả người ứng cử và cử tri, nên chăng, địa phương tiếp tục tuyên truyền bằng những hình thức sáng tạo đưa chương trình hành động của người ứng cử lên các phương tiện truyền thanh của quận, phường để tất cả cử tri hiểu thêm về người ứng cử”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh.
Trao đổi với Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh không có hệ thống truyền thanh loa phường nên việc tuyên truyền chương trình hành động của người ứng cử sẽ được đưa về tận hộ gia đình bằng những tờ rơi trong đó có ghi rõ tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động cụ thể của từng người ứng cử.
“ Trên cơ sở bình đẳng, chúng tôi có định hướng tuyên truyền bầu cử phải đạt hiệu quả thiết thực. Quận thì tổ chức cho các ứng cử viên của HĐND quận, phường thì tổ chức tiếp xúc cho ứng cử viên HĐND cấp phường. Đặc biệt có những cuộc tiếp xúc theo nhu cầu của từng giới, từng đối tượng”- ông Nguyễn Hoàng Năng khẳng định.
Hoan nghênh cách làm sáng tạo trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc theo nhu cầu đối tượng, tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc theo nhu cầu của từng giới, từng đối tượng tổ bầu cử cần thống nhất bình đẳng với các ứng cử viên về vấn đề này.
“Ví dụ, quận 11 có 20 ngàn hộ người Hoa sinh sống nhưng không phải ứng cử viên nào cũng có nhu cầu vận động tranh cử trong cộng đồng này tuy nhiên Tổ bầu cử vẫn cần thông báo ngày giờ tổ chức cho tất cả những người ứng cử, ai có nhu cầu thì họ sẽ đến để vận động cử tri”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu tâm, hồ sơ của các ứng cử viên khi đưa về từng hộ gia đình người Hoa cần cân đối có thêm cả những hồ sơ được biên soạn sang tiếng Hoa để cử tri người Hoa có điều kiện tiếp cận chính xác những thông tin về người ứng cử mà họ quan tâm.
Quận 11 có 193. 812 cử tri với 117 đơn vị bầu cử tại 16 phường. Trong công tác phân loại cử tri, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cử tri thì có nhiều loại, cử tri thường trú, cử tri tạm trú nhưng cần phải làm rõ con số này để có cơ sở đánh giá khả năng biến động của số lượng cử tri trước ngày bầu cử.
“Đặc biệt số lượng sinh viên ở TP HCM rất đông, quận 11 là một ví dụ cho nên cần phân loại rõ sinh viên trong ký túc xá, sinh viên ở ngoài ký túc xá để nắm rõ tình hình”- ông Lê Minh Thông khẳng định.
Đồng tình với ý kiến này, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, quận 11 cần phải phân loại rõ cơ cấu cử tri khi ở một địa bàn có nhiều người Hoa, nhiều sinh viên sinh sống. “Đặc điểm tình hình dân cư liên quan mật thiết đến phương thức tuyên truyền, đảm bảo an ninh. Thành công của cuộc bầu cử là đảm bảo cho tất cả cử tri đi bầu, bầu đúng, bầu đủ”, bà Lê Thị Nga khẳng định.
Tiến trình bầu cử đã vào giai đoạn nước rút, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, quận 11 đã thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Hội đồng bầu cử Quốc gia và Uỷ ban bầu cử thành phố trong công tác bầu cử.
Trong thời gian tới, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, quận nên có hướng dẫn báo chí tham gia vào quá trình giám sát ngày bầu cử và công tác kiểm phiếu trong đó có báo chí trong nước và cả ngoài nước nhằm đảm bảo tính dân chủ đồng thời đảm bảo trách nhiệm tác nghiệp của báo chí trên tinh thần đảm bảo dân chủ nhưng phải đúng pháp luật.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 tại Uỷ ban bầu cử TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn giám sát kiểm tra việc niêm yết danh sách cử tri:
Một số hình ảnh các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc:
Ông Nguyễn Mạnh Tiến.
Ông Nguyễn Thanh Hồng.
Ông Đào Thanh Long.
Ông Lê Minh Thông.
Ông Mai Xuân Hùng.