Từ việc chỉ lựa chọn những nội dung đơn giản để giám sát, phản biện, đến nay, MTTQ các cấp TP Hải Phòng đã lựa chọn nội dung khó, nhạy cảm nhiều người dân quan tâm, góp phần đảm bảo hơn nữa lợi ích cộng đồng.
Phát huy vai trò của nhân dân
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ TP Hải Phòng đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, trong đó, công tác giám sát, phản biện xã hội được xếp vào nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện một cách hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hải Phòng đã chỉ đạo cần đổi mới tiến tới tăng số lượng, chất lượng giám sát, phản biện xã hội, bám sát các nhiệm vụ chính trị của thành phố, những bức xúc, băn khoăn của nhân dân.
Trong nhiệm kỳ này, MTTQ TP Hải Phòng, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 1.665 cuộc giám sát; tham gia với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, các Ban HĐND cùng cấp giám sát 2.573 cuộc; trong đó, MTTQ thành phố tổ chức 99 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực: Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác cán bộ, việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử; việc tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân; bảo vệ môi trường; bảo đảm an toàn thực phẩm; cải cách hành chính; xây dựng nông thôn mới; đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững...
Từ việc chỉ lựa chọn những nội dung đơn giản, đến nay, MTTQ Hải Phòng đã lựa chọn nội dung khó, nhạy cảm nhiều người dân quan tâm như công tác cán bộ, đảng viên, giám sát người đứng đầu… Qua giám sát, MTTQ thành phố chỉ ra các vấn đề còn tồn tại để các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật đồng thời đề xuất, kiến nghị với Thành ủy, UBND thành phố kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn; sửa đổi, ban hành chính sách mới như: Nghị quyết hỗ trợ cho người nghèo không có khả năng thoát nghèo; sửa đổi Nghị quyết 52 và 32 của HĐND thành phố về hỗ trợ xây, sửa nhà cho hộ nghèo, người có công; xem xét, xử lý đối với cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định...
Nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ cấp xã đã chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn đã tiến hành giám sát, kiểm tra, xác minh 1.623 cuộc, kiến nghị 349 vụ việc. Trong đó, 251 vụ, việc đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý giải quyết. Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tiến hành giám sát 863 công trình, phát hiện kiến nghị 149 vụ, việc. Trong đó, 105 vụ, việc được xử lý, khắc phục. Qua đó, lợi ích cộng đồng được đảm bảo tốt hơn.
Đối với hoạt động phản biện xã hội, MTTQ các cấp TP Hải Phòng đã tổ chức 41 hội nghị phản biện xã hội. Trong đó, MTTQ thành phố tổ chức 12 hội nghị, nổi bật là về các dự thảo: “Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Đề án phát triển nhà ở xã hội thành phố đến năm 2030”; “Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025... Từ đó MTTQ thành phố quy tụ, phát huy được các ý kiến phản biện tư vấn của các chuyên gia, thành viên các Hội đồng tư vấn, các nhà khoa học, những người có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Kênh thông tin quan trọng
Ông Đỗ Tràng Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hải Phòng khẳng định: Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã trở thành một kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, hoàn thiện các chủ trương chính sách trước khi ban hành đảm bảo đúng, trúng, sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Quyền làm chủ và trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia xây dựng các chủ trương, nghị quyết có liên quan đến đời sống dân sinh được phát huy.
Tại Hải Phòng, giám sát, phản biện xã hội giúp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, các đơn vị là đối tượng giám sát, phản biện đã có những thay đổi bước đầu, giúp nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đỗ Tràng Thành cho rằng, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp tại Hải Phòng còn một số hạn chế. Số cuộc giám sát, phản biện chưa nhiều. Công tác giám sát ở cấp xã còn yếu; nhiều xã, phường chưa tổ chức được hình thức giám sát bằng đoàn, chủ yếu tham gia giám sát với HĐND cùng cấp. Chưa thực hiện được tái giám sát các kết luận giám sát. Việc tổ chức hội nghị phản biện còn ít, chủ yếu vẫn là tham gia ý kiến; chưa có nhiều ý kiến phản biện chất lượng, sắc sảo...
Ông Thành phân tích, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế xuất phát từ việc một số địa phương còn ngại va chạm nên chỉ triển khai cho có lệ; cán bộ Mặt trận, đoàn thể ở nhiều nơi còn hạn chế về kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm. Số lượng cán bộ chuyên trách cấp huyện, cấp xã ít, trong khi các nhiệm vụ của Mặt trận ngày càng nhiều.
Để thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát, phản biện xã hội trong điều kiện mới, MTTQ TP Hải Phòng cho rằng cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội phải chủ động đổi mới mạnh mẽ hoạt động theo hướng sâu sắc, kỹ càng, gọn gàng; lựa chọn lĩnh vực, vấn đề có ý nghĩa xã hội cao, được nhân dân quan tâm, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.