Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến khi nói về vấn đề giá cả, nguồn cung thịt heo, thực phẩm, đặc biệt là dịp từ nay tới cuối năm.
Nguồn cung dồi dào
Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương tăng cường kiểm soát giá thịt lợn, bình ổn nguồn cung thực phẩm, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn qua biên giới. Đồng thời, cử các đoàn công tác kiểm tra tại các tỉnh biên giới và một số địa phương chăn nuôi trọng điểm.
Đưa ra dự báo về nguồn cung thực phẩm trong thời gian tới, đặc biệt là dịp cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, 7 tháng đầu năm, các mục tiêu về lương thực, thực phẩm, thủy sản, lâm nghiệp đều đạt và vượt.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, với điều kiện khí hậu, thời tiết khó lường và nguyên liệu đầu vào tăng cao, thị trường thế giới có nhiều biến động; kinh tế Mỹ, châu Âu có mức lạm phát cao…Bộ NN&PTNT chỉ đạo tất cả đơn vị phải nắm sát thực tiễn, các quyết định đưa ra từ thực tiễn, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, duy trì được đà tăng trưởng cũng như sản lượng. Từ đó để ngành nông nghiệp thực sự là bệ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khăn, duy trì sự ổn định và phát triển của đất nước.
“7 tháng đầu năm, sản lượng lúa gạo đạt 24,7 triệu tấn. Bộ đang thúc đẩy chỉ đạo vụ hè thu, làm sao đảm bảo 43 triệu tấn lương thực trong năm nay. 43 triệu tấn đó giúp chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu”, thứ trưởng Tiến nói đồng thời cho biết thêm, về chăn nuôi, 6 tháng đầu năm đạt 3,4 triệu tấn. Nếu gồm cả trứng, sữa thì 4,4 triệu tấn.
Giá thịt lợn sẽ bình ổn
Đối với việc bình ổn giá thịt lợn và đảm bảo nguồn cung thịt lợn cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trước diễn biến giá thịt lợn có chiều hướng tăng trong tháng 7 vừa qua, Bộ NN&PTNT tiếp tục thực hiện một loạt giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm, phối hợp chặt với các địa phương để thúc đẩy tái đàn, tăng đàn, phối hợp với các Bộ liên quan ngăn chặn việc xuất khẩu thịt lợn mảnh, lợn xẻ qua đường tiểu ngạch, tiếp tục nhân rộng các mô hình chủ động từng phần nguồn thức ăn đầu vào để giảm chi phí chăn nuôi.
"Tốc độ tăng trưởng 4,8% đối với đàn lợn, trên 28 triệu con. Chúng ta đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi, đây là công cụ rất quan trọng để khống chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịch lở mồm long móng, tai xanh cũng đã được khống chế tương đối tốt. Giá đầu ra tương đối thuận lợi thì tốc độ tăng trưởng của đàn lợn nói chung sẽ cao. Đặc biệt, kể cả thịt gia cầm, thịt bò, thịt trâu, thịt lợn đều giữ được nhịp tăng trưởng phục vụ dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán" - ông Tiến khẳng định.
Đề cập đến giải pháp giảm giá thịt lợn ngoài thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thừa nhận, thường giá lợn từ cửa trại ra đến bàn ăn chênh nhau khoảng 1,5-1,7 lần. Việc này, nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành điều tiết song việc chuyển biến còn chậm. Nhưng chắc chắn khi giá lợn hơi và nguồn cung ổn định thì giá thịt lợn ở chợ sẽ ổn định theo.
Phân tích về giá thịt lợn trên thị trường giữ ở mức cao, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá thịt lợn tăng dần tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Như vậy, qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn thương phẩm sẽ tăng trung bình khoảng 8 - 10%.
Do đó, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm, Bộ NN&PTNT cần khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể đẩy mạnh tái đàn trong nước và sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn cả nước đáp ứng đủ yêu cầu tiêu dùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Trong đó, đối với giá lương thực, thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường. Đối với mặt hàng thịt heo, thức ăn chăn nuôi, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá.