Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành nông nghiệp luôn chủ động đảm bảo đủ an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm thường tăng cao từ 10-15% vào cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Chủ động không để thiếu nguồn cung
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngành nông nghiệp và các địa phương đã quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “mục tiêu kép” là duy trì tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô song song với bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường. Thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho thấy, chăn nuôi thuận lợi do giá thịt lợn hơi ổn định trong khoảng 62.000 - 71.000 đồng/kg. Hiện tại, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng cường nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm và các kỳ lễ, Tết sắp tới. Giá trị sản xuất 9 tháng tăng khoảng 5,35% với sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn. Trong đó, đàn lợn ước tăng 8,8%, sản lượng thịt lợn hơi tăng 5,8%. Đàn gia cầm ước tăng 3,8... Nhờ đó tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành 9 tháng đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021; trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%.
Trước việc giá dầu tăng ảnh hưởng tới khai thác thủy sản, Bộ NN&PTNT hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng; khuyến cáo ngư dân có tàu cá hiệu quả sản xuất thấp chuyển đổi nghề khai thác; hoặc tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng tàu và ngư lưới cụ, góp phần giảm cường lực khai thác trong ngắn hạn, nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành luôn chủ động đảm bảo đủ an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm thường tăng cao từ 10-15% vào cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.
Đánh giá về nguồn cung thực phẩm, Bộ Công thương cũng cho biết, mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn.
Kim ngạch xuất khẩu vượt mục tiêu
Đối với xuất khẩu, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với mục tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD, Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương tạo cơ chế khuyến khích sản xuất hữu cơ, để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2022 sẽ vẫn đạt mục tiêu đề ra. Bộ NN&PTPT dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD, vượt kế hoạch 5 tỷ USD. Mặc dù mục tiêu xuất khẩu nhiều lạc quan nhưng thách thức với ngành nông nghiệp những tháng cuối năm rất lớn, nếu không có giải pháp tháo gỡ sẽ tạo áp lực phát triển cho năm sau.
Đề cập về khó khăn trong chi phí chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, năm nay là một năm rất nóng đối với ngành chăn nuôi, nhất là liên quan đến vấn đề giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn giữ ở mức cao, việc giảm giá là điều rất khó. Còn đối với lĩnh vực thủy hải sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho rằng lạm phát, biến động tỷ giá đang tác động giảm nhu cầu nhập khẩu của các thị trường, nên xuất khẩu sang các thị chính đều tăng trưởng chậm lại trong tháng 9. Cụ thể trong tháng 9, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt trên 850 triệu USD. Dù vẫn cao hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây là lần đầu sau 7 tháng, xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức dưới 900 triệu USD.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Thứ trưởng Tiến cho biết, Bộ sẽ chủ động cùng Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, cơ hội và thách thức; đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với hàng lương thực, thực phẩm. Đồng thời, thúc đẩy nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; gia tăng chế biến để nâng cao năng suất; nghiên cứu chọn tạo giống, quy trình thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 9 tháng đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%; xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.