Ngày 15/1, tại Đồ Sơn, TP Hải Phòng, Văn phòng Thường trực (Ban chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ) tổ chức Hội thảo Bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư.
Tham dự Hội thảo có: Thiếu tướng, TS. Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Nhân quyền; bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Chuyên đề về Nhân quyền, Văn phòng Nhân quyền; ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐTB - XH; ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tá Phan Quốc Việt, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an và các đại biểu đến từ các Ban Chỉ đạo Nhân quyền địa phương...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Nhân quyền cho biết, thông qua Hội thảo sẽ đưa ra nhữngkiến nghị, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền của lao động Việt Nam di cư, phòng ngừa, phòng chống lao động di cư ngoài nước trái phép, tình trạng lừa đảo lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ đối với nạn nhân trở về từ đó đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động nhận thức được đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình, đồng thời đấu tranh chống các hoạt động tuyên truyền chống phá Việt Nam về vấn đề “dân chủ, nhân quyền”, tuyên truyền xuyên tạc về nỗ lực bảo đảm quyền cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Đảng, Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch.
Bảo đảm quyền cho người lao động nói chung và lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, Việt Nam có hơn 1 triệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài góp phần giải quyết việc làm, đào tạo nghề, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho một bộ phận người lao động.
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong các lĩnh vực: xây dựng, sản xuất chế tạo, giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản,... ở các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông, Malaysia. Lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 3 – 4 tỷ Đô la Mỹ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn thực trạng người lao động Việt Nam bỏ trốn, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật ở nước đến, thực trạng lao động di cư bất hợp pháp, người lao động bị xâm phạm quyền tại nước đến và nhất là việc tội phạm lợi dụng người lao động di cư để hoạt động phạm tội mua bán người.
Thống kê của Bộ Công an cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 1.266 vụ, với 1.690 đối tượng, lừa bán 2.956 nạn nhân. Các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê…