Trước thực trạng các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng nhiều, càng khó đòi, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã tiến hành thanh tra đột xuất nhiều doanh nghiệp và đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 120 đơn vị vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 3,2 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp nợ kéo dài gia tăng
Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh có hơn 1,5 nghìn doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai, hiện danh sách nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng nhiều hơn. Phần lớn những DN này nợ BHXH kéo dài phổ biến từ 12 - 30 tháng, nhưng cá biệt có DN nợ kéo dài đến 115, 141 tháng nên đã và đang gây nhiều khó khăn cho công tác thu BHXH, cũng như giải quyết các chính sách BHXH, an sinh xã hội cho người lao động khi không được hưởng các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp kịp thời.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chây ì, nợ đọng BHXH, theo Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, Phạm Minh Thành, ngoài nguyên nhân do tác động của dịch bệnh Covid-19, xung đột, căng thẳng tại một số nơi trên thế giới gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong những năm qua… còn có tình trạng chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc trong việc tuân thủ pháp luật về trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ việc DN thay đổi chủ sở hữu, người quản lý, không có người làm chuyên trách công tác BHXH, để chậm đóng kéo dài rồi chuyển tư cách pháp nhân, chuyển trụ sở không liên hệ được...
Cũng theo ông Thành, trong quá trình làm việc với các DN nợ đọng BHXH, đoàn kiểm tra đánh giá có những doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự, nhưng không ít DN đã lợi dụng khó khăn chung để cố tình chiếm đoạt vốn của người lao động.
Thu hồi gần 30 tỷ đồng sau thanh tra
Để tăng cường công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng BHXH đạt hiệu quả, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho hay, BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp như: thường xuyên đôn đốc các đơn vị đóng tiền hàng tháng đúng kỳ hạn, cung cấp số tiền phải đóng và số nợ phát sinh hàng tháng cho từng đơn vị; chỉ đạo cán bộ chuyên quản thu bám sát các đơn vị được phân công phụ trách để nắm bắt tình hình hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh. Rà soát, có các giải pháp thu hồi nợ BHXH, BHYT, nhất là bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Thực hiện cử cán bộ chuyên quản thu xuống đơn vị đối chiếu số liệu và hướng dẫn DN trích nộp và đóng tiền kịp thời, làm biên bản, gửi thông báo nợ; Thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra các DN nợ, bao gồm thanh tra chuyên ngành và thanh tra đột xuất. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã tiến hành thanh tra đột xuất nhiều DN chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 120 đơn vị vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 3,2 tỷ đồng. Sau thanh tra, số tiền các đơn vị khắc phục được hơn 29,3 tỷ đồng. Mặc dù vậy theo ông Phạm Minh Thành đây vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để cho vấn nạn nợ, trốn, chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Để ngăn ngừa tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, ngày 29/6/2024, Quốc hội thông qua Luật BHXH sửa đổi năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) bổ sung nhiều biện pháp chế tài xử lý tình trạng này. Theo đó, Luật BHXH sửa đổi năm 2024 quy định, sau thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất mà không đóng thì người sử dụng lao động ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng. Do đó, DN nợ BHXH càng nhiều, số tiền xử phạt càng cao. Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên…
Bên cạnh đó, Luật BHXH sửa đổi năm 2024 quy định rõ, cụ thể 2 hành vi: chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH để làm căn cứ áp dụng biện pháp chế tài phù hợp. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Từ đó nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc triển khai, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử lý nghiêm các DN chậm đóng và trốn đóng BHXH...