Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách cũng như nguồn lực dành cho công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hàng nghìn trẻ bị đuối nước, tai nạn thương tích. Đáng lo ngại số trẻ em bị xâm hại đang gia tăng dưới nhiều hình thức.
Bảo vệ trẻ em cần sự vào cuộc của toàn xã hội.
Bạo lực, cạm bẫy bao vây thế hệ tương lai
Theo thống kê của ngành chức năng, trong 5 năm tại Việt Nam đã có trên 7.000 trẻ em và vị thành niên trong độ tuổi 0-19 tuổi bị tử vong do tai nạn thương tích. Với con số này, Việt Nam là một trong các nước có tai nạn thương tích lớn nhất thế giới. Cụ thể, vào năm 2010 bình quân một ngày có 20 trẻ em độ tuổi 0-19 tuổi bị tử vong do tai nạn thương tích và tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích là 24,5/100.000. Năm 2013, tỷ suất trẻ tử vong do tai nạn thương tích có dấu hiệu giảm nhưng không đáng kể, còn rất cao so với các nước đang phát triển. Đặc biệt, trong 7 loại tai nạn thương tích chủ yếu đối với trẻ em (đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, ngộ độc, bỏng, rắn cắn, vật sắc nhọn đâm vào người) thì đuối nước và tai nạn giao thông là nguyên nhân chủ yếu gây ra tử vong và thương tích ở trẻ.
Xâm hại tình dục ở trẻ em cũng đang là vấn nạn đáng báo động. Theo Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, chỉ tính riêng trong năm 2014, toàn quốc phát hiện 1.885 vụ xâm hại trẻ em, gồm 2.073 đối tượng gây án. Có 1.931 trẻ em bị xâm hại (281 nam và 1.650 nữ). Đáng chú ý là số vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra nhiều với 1.544 vụ, chiếm hơn 80% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ LĐTB&XH cũng thừa nhận, trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, mỗi năm có khoảng 1000 em bị xâm hại tình dục. Hành vi xâm hại tình dục không chỉ gây ra cho các em đau đớn về thể xác mà còn tạo nên những dư chấn tâm lý… Ngoài ra, các em sau khi bị xâm hại còn gánh chịu nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cả HIV/AIDS.
Giải pháp nào?
Không thể phủ nhận rằng, trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em của Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định và được quốc tế ghi nhận, nhất là ở cấp độ luật pháp. Tuy nhiên, qua các số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế và Bộ, ngành cho thấy, việc bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ, cạm bẫy trên vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Theo Bộ Công an, sở dĩ tội phạm xâm hại trẻ em gia tăng do xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu dựa trên các quy định của Bộ luật Hình sự. Trong đó xâm hại tình dục trẻ em, với 4 tội danh: hiếp dâm trẻ em (Điều 112); cưỡng dâm trẻ em (Điều 114); giao cấu với trẻ em (Điều 115) và dâm ô với trẻ em (Điều 116) được xác định là tội phạm rất nguy hiểm cho xã hội, có mức hình phạt cao. Tuy nhiên, thực tế công tác thực thi pháp luật cho thấy các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều sơ hở, nhiều vấn đề chưa được quy định đầy đủ, các hình thức xử lý chưa triệt để, thích đáng, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vẫn xảy ra nhiều. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, luật và chính sách về bảo vệ trẻ em có nhiều nhưng việc thực thi không nghiêm chính là nguyên nhân khiến thế hệ tương lai phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, nguy cơ.
Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, dự kiến vào tháng 3-2016 khi Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới mang tính đột phá, trẻ em sẽ được bảo vệ và chăm sóc toàn diện hơn. Theo đó, trẻ em không chỉ được chăm sóc và bảo vệ mà còn được nói lên tiếng nói của mình, được góp ý vào các chương trình, chính sách có liên quan tới quyền lợi của mình. Dù vậy Cục trưởng Đặng Hoa Nam cho rằng, xã hội càng phát triển, vấn đề bảo vệ chăm sóc trẻ em, thực hiện quyền trẻ em càng đặt ra nhiều thách thức mới do đó rất cần sự quan tâm của các tổ chức, của mọi người dân.