Thời điểm này các địa phương trên cả nước đã tổ chức dạy và học trực tuyến cho học sinh các cấp. Tại Hà Nội, cùng với việc học trực tuyến qua hệ thống học liệu của mỗi trường xây dựng, học sinh phổ thông cũng đang học qua truyền hình. Song băn khoăn lớn nhất hiện nay là việc đánh giá kết quả học trực tuyến sau đây sẽ ra sao?
Học sinh học trực tuyến tại nhà.
Vẫn còn bất cập
Trước tình hình học sinh cả nước vẫn đang nghỉ học kéo dài để phòng chống Covid-19, Bộ GDĐT đã khuyến khích các địa phương tăng cường dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Sau khi học sinh đi học trở lại, giáo viên (GV) kiểm tra, đánh giá nội dung học sinh đã học trước đó, lược bỏ, tinh giản nội dung đã học để tối ưu kế hoạch giảng dạy tại trường.
Đơn cử như tại Hà Nội, Sở GDĐT đã tổ chức các chương trình dạy học qua truyền hình cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12; còn các trường cũng đồng thời tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh từ cấp tiểu học thông qua hệ thống học liệu của các trường. Việc học từ xa trong thời gian học sinh nghỉ học đã giúp các phụ huynh yên tâm hơn bởi các em sẽ không bị bỏ quên kiến thức, không bị gián đoạn quá trình học tập. Về phía học sinh, các em rất hào hứng tiếp nhận các bài giảng trên truyền hình bởi vì các thầy cô giáo được tuyển chọn dạy các bài dạy trên truyền hình đều là những thầy cô giáo có năng lực có kinh nghiệm có khả năng sư phạm.
Dẫu thế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc dạy học online vẫn còn nhiều điểm bất cập. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng Bộ GDĐT cũng nên xem xét lại chương trình học, nội dung nào không thực sự cần thiết thì có thể giảm bớt. Bộ đã thừa nhận việc học trực tuyến, học qua truyền hình trong mùa dịch, nhưng còn thiếu sự tổ chức chặt chẽ. Theo ông Nhĩ, chúng ta vẫn có đủ thời gian để tiến hành tổ chức lại việc học trực tuyến cho bài bản, thống nhất, như vậy, nếu dịch có diễn biến phức tạp hay kéo dài, thì chúng ta vẫn giữ thế chủ động.
Như đã từng phân tích về những cái khó của học trực tuyến, nhất là với những vùng trũng về công nghệ thông tin (CNTT), nhiều GV ở các địa phương chia sẻ: Cùng một lúc GV phải làm bao nhiêu việc trong lúc giảng bài như điểm danh học sinh để báo cáo về nhà trường; quan tâm đến từng đối tượng học sinh để không em nào bị bỏ sót; phải nhận xét được mức độ tiếp thu của các em để còn điều chỉnh việc truyền đạt kiến thức của mình... Đó là chưa kể nhiều gia đình học sinh không hợp tác hoặc điều kiện khó khăn chưa trang bị đủ phương tiện học tập cho con để khi giảng bài cô phải gọi, phải hỏi rất nhiều lần và rơi vào tình trạng thầy cô độc thoại.
Nhưng cũng có những vấn đề khác, như là việc thiết kế bài học trực tuyến với thời gian quá dài. TS Quách Tuấn Ngọc- nguyên Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GDĐT) chia sẻ, thời gian qua ông nhận được rất nhiều email của GV nhờ hỗ trợ, chuyện ZOOM (phần mềm họp trực tuyến đa điểm) chỉ cho dùng 40 phút.
Theo phân tích của ông Ngọc, ZOOM chặn thời gian dùng là 40 phút là quá hợp lý, rất sư phạm. Bởi về nguyên tắc người học không thể ngồi nghe quá lâu. Tối đa không quá 40 phút là hợp lý. Do đó, GV không nên lạm dụng công nghệ quá 40 phút. Vì vậy phải chuẩn bị bài vở, giáo án cho thật chuẩn. Lên lớp online còn phải chuẩn hơn gấp bội lần lên lớp bình thường. Nếu học sinh học trực tuyến mà chán là các em cứ để máy đấy, đi chỗ khác. Hiện nay các trường đều dạy và học online thì càng phải hạn chế không quá 40 phút vì còn môn khác, GV khác đang chờ dạy.
Cần tiêu chí cụ thể
Theo quy định của Bộ GDĐT, bài kiểm tra định kỳ và bài kiểm tra học kỳ sẽ thực hiện khi học sinh quay trở lại trường, còn trong thời gian tạm nghỉ học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh, GV có thể chủ động tổ chức thực hiện bài kiểm tra 15 phút, bài kiểm tra miệng có hệ số 1.
Nhưng làm sao để việc đánh giá khách quan? Bởi theo phân tích của các GV, nếu học sinh có tâm lý học đối phó, khi làm làm bài kiểm tra ở nhà các em có thể nhờ người khác làm giúp, tìm kết quả trên mạng hay sao chép đáp án từ bạn bè.
TS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích: Cách mà chúng ta tổ chức cũng như cách mà chúng ta huy động học sinh tham gia học là chúng ta không kiểm soát được về chất lượng, về nội dung về sự tham gia và vì thế thì tính hiệu quả của nó chúng ta không đong đo đếm được. Vì vậy, không nên sử dụng việc học trên sóng truyền hình trở thành một nội dung học tập ở trong nhà trường, và thay thế cho việc học chính thức. Và đây cũng chỉ là một giải pháp tình thế mà thôi.
TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng, có thể công nhận kết quả học online và học qua truyền hình nếu GV các trường có thể kiểm chứng được kết quả kiểm tra sau khi học sinh đi học trở lại.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT): Chương trình học qua truyền hình được thực hiện và tổ chức đáp ứng bởi công văn 1061 của Bộ GDĐT. Toàn bộ kiến thức và bài kiểm tra của học sinh được công nhận. Vì vậy, khi đến trường học sinh sẽ học tiếp kiến thức, không phải học lại. Tuy nhiên, việc thực hiện học tập qua Internet khó khăn hơn, do vậy nhà trường phải bố trí thời gian hợp lý, bổ sung kiến thức và thực hiện kiểm tra học kỳ sau khi trở lại trường. Việc kiểm tra và đánh giá thường xuyên được tổ chức khi học sinh học online, giúp học sinh không chỉ tái hiện kiến thức cụ thể, mà còn có tư duy, giải quyết vấn đề, nhằm phát triển năng lực. Tuy nhiên, việc đánh giá thường xuyên qua hình thức trực tuyến khó giám sát. Vì vậy, GV phải vận dụng kiến thức để ra các đề thi mở.
Cho dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng rõ ràng để thực hiện công nhận kết quả học online, học qua truyền hình thì cần phải có những tiêu chí rất cụ thể. Cùng với đó, việc tổ chức đánh giá cần thực sự nghiêm túc. Như vậy mới công bằng, khách quan với công sức của học sinh.