Cánh cửa vào đại học ngày càng dễ dàng hơn khi hiện nay học sinh lớp 12 có nhiều lựa chọn không chỉ ngành học, trường học mà cả phương thức tuyển sinh cũng rất đa dạng.
Chưa tốt nghiệp THPT đã có cơ hội đỗ đại học
Không giống như trước đây, mỗi sĩ tử khi bước vào kỳ thi đại học phải “chọi” với hàng chục người thì hiện tại cánh cửa vào đại học ngày càng dễ dàng hơn. Nhờ phương thức xét tuyển sớm, nhiều thí sinh dù chưa tốt nghiệp THPT đã có cơ hội trúng tuyển đại học.
Tính tới thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm năm 2024 theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Đây là một trong những phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây.
Đáng chú ý, trong số những trường đã công bố điểm chuẩn học bạ, có một số ngành/chương trình đào tạo, thí sinh chỉ cần có học bạ đạt 5-6 điểm/môn đã có thể trúng tuyển đại học.
Có thể nhắc đến như Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, mức điểm chuẩn xét tuyển học bạ THPT năm 2024 dao động từ 15-22 điểm với 18 ngành trình độ đại học. Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 5-7,5 điểm/môn có thể trúng tuyển vào trường đại học này.
Hay như Trường Đại học Gia Định đưa ra mức điểm chuẩn xét tuyển sớm cho 49 ngành là 16,5 điểm. Thí sinh chỉ cần đạt 5,5 điểm học bạ là đủ điều kiện trúng tuyển vào trường.
Một số trường đại học có mức điểm chuẩn xét tuyển học bạ từ 6 điểm/môn như: Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM với mức 18 điểm cho tất cả các ngành; Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Đại Nam có điểm chuẩn dao động từ 18-24 điểm.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc các trường đưa ra ngưỡng đầu vào thấp nhằm thu hút thí sinh là tình trạng đáng lo ngại. Đào tạo trình độ đại học nhưng đầu vào thấp quá sẽ không thể đạt được chất lượng tốt.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này nằm ở bài toán tài chính. Hiện nay nguồn thu chính của các trường từ học phí. Việc xét tuyển sớm với mức điểm thấp nhằm hướng tới việc tuyển được nhiều người học.
Mở rộng đầu vào có nới lỏng đầu ra?
Bên cạnh phương thức xét tuyển học bạ, hiện thí sinh có hàng chục phương thức xét tuyển đại học khác. Năm 2024, theo công bố của Bộ GDĐT, thí sinh có tới 20 phương thức xét tuyển đại học. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển vào trường mình mong muốn.
Không chỉ đa dạng về phương thức tuyển sinh mà số ngành học, trường đại học, cao đẳng hiện nay cũng rất lớn. Hiện cả nước có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Như vậy, học sinh lớp 12 đang có rất nhiều sự lựa chọn.
Năm 2023, theo thống kê của Bộ GDĐT, có 610.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 sau lọc ảo trên tổng số 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (chiếm 92,7%), tăng 7,9% so với năm 2022. Con số này khiến dư luận cho rằng việc xét tuyển vào trường đại học hiện nay đang quá dễ dãi. Thí sinh khó mà trượt đại học khi đa số trường đều đa dạng phương thức xét tuyển và tăng số lượng tuyển sinh hàng năm.
Trong khi đó, tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm là vấn đề nan giải trong nhiều năm nay.
Mở rộng đầu vào đại học đã được các nước trên thế giới thực hiện từ lâu. Trao đổi với PV, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam ủng hộ chủ trương này.
Tuy nhiên theo GS.TS Phạm Tất Dong, vấn đề đầu vào không quan trọng mà hơn cả là chất lượng đào tạo và xu hướng đổi mới của trường đại học như thế nào. Nếu đào tạo đại học theo hướng cũ thì sinh viên ra trường bị thất nghiệp là không thể tránh khỏi.
Vì thế, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, đại học mở rộng đầu vào nhưng đầu ra phải chặt chẽ. Các trường cần đầu tư cơ sở vật chất, cải tiến chương trình, phương pháp đào tạo và đánh giá để có chất lượng.
Trước xu thế mở ngành đào tạo hiện nay, GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm: “Đào tạo đón đầu xu thế là tất yếu nhưng lưu ý phải đào tạo con người thích ứng với xu thế đó. Nếu các trường không đủ năng lực đào tạo 1 ngành nào đó thì không nên mở ra. Nhà nước cần có sự điều chỉnh với những ngành đào tạo không đủ đội ngũ chuyên gia, giảng viên thì nên đào tạo ở nước ngoài”.
Từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Theo quy định của Bộ GDĐT, tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh được xử lý trên hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm đủ điều kiện trúng tuyển.
Thí sinh lưu ý, với các em đã hoàn thành việc dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm, nếu đủ điều kiện trúng tuyển phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống để được xét tuyển theo quy định.