Nhiều năm qua huyện Thới Lai là một trong các địa phương của thành phố Cần Thơ luôn được đánh giá cao về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lao động của HTX Quốc Noãn đang làm việc.
Đào tạo phù hợp với nhu cầu
Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ban chỉ đạo đề án huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề trên địa bàn để xác định đối tượng có nhu cầu học nghề, dự báo việc làm và thu nhập của học viên sau khi học nghề. Qua khảo sát cho thấy nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tương đối đa dạng, tuy nhiên một số ngành nghề có số lượng đăng ký quá ít hoặc một số nghề chưa có hướng giải quyết việc làm nên huyện chưa đề nghị mở lớp.
Thông tin từ lãnh đạo Phòng LĐTBXH huyện Thới Lai cho biết: Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, phòng đã phối hợp với các cơ sở đào tạo bố trí giáo viên tương ứng với từng ngành nghề đào tạo, đảm bảo đúng chuyên môn và chất lượng giảng dạy. Phân công cán bộ phụ trách về công tác dạy nghề thuộc Phòng LĐTBXH và cán bộ hoạt động không chuyên trách ở tất cả các xã, thị trấn cùng tham gia. Trên địa bàn huyện Thới Lai cũng có Trường Trung cấp Nghề Thới Lai với 15 giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn với 4 nghề. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên có 16 giáo viên, trong đó có 4 giáo viên thỉnh giảng dạy nghề cho lao động nông thôn với 2 nghề...
Ứng với mỗi ngành nghề đều có chương trình dạy nghề được cơ sở đào tạo nghề xây dựng và được phê duyệt. Học viên được cung cấp học liệu đầy đủ, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn nhằm đạt hiệu quả đào tạo. Kết quả năm 2018, huyện đã khai giảng 13 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp (đan dây nhựa, sửa xe, cắt uốn tóc, lái xe...) với gần 500 học viên, trong đó có nhiều học viên thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số...
Dạy nghề gắn với quyết việc làm hiệu quả
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện Thới Lai cho biết, công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện đề án luôn được quan tâm sát sao. Cụ thể, kiểm tra, nắm bắt tình hình tổ chức triển khai mở lớp ở cơ sở, như xét chọn đối tượng tham gia học nghề, xác định nhu cầu thực tế về nghề nghiệp, nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề của người lao động, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, đảm bảo yêu cầu dạy nghề gắn với giải quyết việc làm.
Hiện nay huyện có 5 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả đã hoạt động nhiều năm, gồm có: mô hình kỹ thuật sản xuất lúa giống ở xã Trường Xuân; mô hình đan đát ở xã Trường Thắng; may gia dụng ở xã Xuân Thắng; đan dây nhựa ở xã Trường Thắng; hợp tác xã sản xuất lúa giống ở xã Thới Tân. Các mô hình này hiện có khoảng 135 lao động tham gia, trong đó có hơn phân nửa là nữ, hoạt động theo hình thức gia công cho công ty và làm tại nhà như gia công cho các công ty may ở Bình Dương, bán cho các chợ và cửa hàng, nhân giống lúa bán cho công ty giống ở Cần Thơ và Viện Lúa ĐBSCL...
Các mô hình trên đã tạo công ăn việc làm, tận dụng thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập cho người lao động với bình quân thu nhập của mô hình từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như Hợp tác xã Quốc Noãn ở ấp Trường Bình (xã Trường Thắng) chuyên sản xuất gia công, thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa có tiếng ở vùng này với việc tạo thu nhập tăng thêm ổn định cho người lao động ở địa phương.
Trung bình mỗi thành viên tham gia vào Hợp tác xã Quốc Noãn, thời gian vừa học vừa làm thu nhập một ngày cũng được trên dưới 40.000 đồng, khi học xong ở nhà tập trung làm thu nhập cũng được trên dưới 150.000 đồng/ngày, nếu làm nhiều có thể trên 200.000 đồng/ngày. Thu nhập ổn định nên nhiều gia đình không còn phải nay đây mai đó mưu sinh, lại có thời gian chăm sóc quản lý con cái học hành…
Theo Phòng LĐTBXH huyện Thới Lai, một trong những kết quả đáng khích lệ của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua là huyện đã vận động được các đối tượng là người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... tham gia học nghề, tăng thu nhập, duy trì được các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả, tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề luôn đạt từ 70 - 80%, có nơi trên 80%.
Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo, quán triệt nhiệm vụ của các thành viên trong Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm quản lý địa bàn để kịp thời đôn đốc và hỗ trợ địa phương tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Khảo sát và đề xuất các lớp nghề phát sinh theo nhu cầu, tập trung giải quyết việc làm cho học viên sau khi học nghề...