Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ, không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động, giúp người học nghề dễ dàng tìm kiếm việc làm, mà còn giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn lao động có chất lượng, nâng cao năng lực sản xuất.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hà Nội, hiện thành phố có hơn 300 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Những năm qua, chất lượng GDNN, chất lượng lao động Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao. Năm 2023 và 10 tháng của năm 2024, các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố tuyển sinh đào tạo được 472.600 lượt người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện đạt 73,23%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,53% vượt kế hoạch đề ra.
Có được kết quả trên, Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã hợp tác với trên 1.000 lượt doanh nghiệp, thông qua nhiều hình thức, giải pháp, hoạt động như: Tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tuyển dụng học sinh, sinh viên vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp; đặt hàng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên, người lao động; hỗ trợ trang thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu, kinh phí cho các cơ sở trong quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tham gia xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình ở các trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, trong đó có xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao… Đáng nói là các mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường ngày càng đa dạng, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và cho hiệu quả cao hơn.
Tại Thái Nguyên, trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh này đã đạt 76%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt 37,7% - vượt kế hoạch đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% và có bằng cấp chứng chỉ đạt 32%.
Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp là một trong nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở GDNN trong quá trình đào tạo nghề. Theo đó, các cơ sở GDNN tại Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, đưa học sinh, sinh viên đến trải nghiệm và thực tập tốt nghiệp và làm việc trong môi trường doanh nghiệp. Việc ký kết hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp đem lại lợi ích và hiệu quả thiết thực. Theo thống kê, hiện, hơn 200 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đã ký kết hợp tác với một số cơ sở GDNN của tỉnh trong liên kết, đào tạo nghề.
Ông Nguyễn Chí Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp Thái Nguyên cho biết, để nâng chất lượng đào tạo cũng như đảm bảo 100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, nhà trường đã hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động, ngay từ giai đoạn thực hành, thực tập kết hợp lao động sản xuất vừa để học sinh, sinh viên có thêm kinh nghiệm thực tiễn, vừa có thêm thu nhập, bởi vậy học sinh, sinh viên đã được tham gia hoạt động nghề nghiệp trực tiếp tại các đơn vị nên sau khi tốt nghiệp đa số được tuyển dụng ngay tại nhà trường.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Lê Phương - Phó Tổng Giám đốc đối ngoại Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh VinFast cho biết, tại thời điểm này các doanh nghiệp đang rất “khát” nhân lực cho quá trình phát triển công nghệ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp luôn phải tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, và liên kết với các chương trình đào tạo của các trường để tạo ra đội ngũ lao động có thể sử dụng được ngay.
Theo ông Phương, từ thực tế đó, Công ty luôn không ngừng thu hút, tuyển dụng nhân sự, học viên để tham gia đào tạo, huấn luyện, dưới sự hướng dẫn của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư ô tô hàng đầu thế giới. Điều này đã giúp đơn vị chủ động được nguồn lao động và nâng cao năng lực sản xuất. Hiện mức độ tự động hóa tại các nhà máy của VinFast lên đến 90%, do đó, ông Phương cho biết, từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và đào tạo với hàng nghìn học viên để đáp ứng cho quá trình này.
Rõ ràng sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo nghề, đặc biệt là những ngành nghề mới nổi như: Công nghệ số, bán dẫn… rất quan trọng tuy nhiên thực tế hiện nay do nhiều nguyên nhân nên sự liên kết đào tạo vẫn chưa đạt được như kết quả như kỳ vọng.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, tại Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, cần nghiên cứu quy định cụ thể các biện pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực, như hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình học, trực tiếp tham gia hướng nghiệp, giảng dạy, hợp tác và tạo điều kiện cho sinh viên kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp.