Đầu năm 2024 thị trường lao động đã có nhiều tín hiệu khởi sắc khi đồng loạt ở các thành phố lớn, khu công nghiệp nhu cầu tuyển dụng nhân lực, đặc biệt là lao động thời vụ, phục vụ sản xuất tăng cao.
Quý I, dự kiến Hà Nội cần 100.000 lao động
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐTBXH), trong tháng 1/2024, các doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng từ 35.000 - 40.000 người lao động. 5 ngành nghề các DN tuyển dụng nhiều người lao động đầu năm 2024 là Thương mại – dịch vụ, Công nghệ chế biến – chế tạo, Công nghệ thông tin, Thương mại điện tử, Xây dựng…
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐTBXH Hà Nội) cho biết, cuối năm 2023 và những ngày đầu năm 2024, với những chính sách rất tốt từ phía Chính phủ và TP Hà Nội, thị trường lao động Thủ đô đã phục hồi trở lại với những tín hiệu tích cực. Và, khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang đến gần thì thị trường lao động ở Hà Nội càng trở nên sôi động và đa dạng về phân khúc tuyển dụng.
Cũng theo ông Thành, qua hoạt động thu thập thông tin của trung tâm, tháng 1/2024, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các DN có thể lên tới khoảng 35.000 – 40.000 chỉ tiêu. Tính cả quý I/2024, các DN có cần tuyển khoảng hơn 100.000 người lao động.
Có nhu cầu tuyển dụng lên tới 10.000 công nhân trong năm 2024 làm việc ở Vĩnh Phúc về sản xuất linh kiện máy tính, điện thoại, ông Trịnh Quang Thiệu – Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư thương mại và phát triển nguồn nhân lực Thiên An cho biết, DN có nhiều đơn hàng sản xuất nên cần tuyển nhiều lao động vào làm việc. Vì thế, trước mắt công ty cần tuyển dụng 500 – 700 lao động, thậm chí đến trên 2.000 lao động để lắp ráp bản mạch, sản xuất giày da với yêu cầu trình độ lao động phổ thông và một số vị trí việc làm có kỹ năng tay nghề cao như kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư cơ khí… với mức lương cơ bản hơn 4 triệu đồng/tháng nhưng tính tổng thu nhập trung bình từ 8 – 11 triệu đồng/tháng.
Tương tự, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu nhân lực TPHCM trong quý I/2024 khoảng 77.500 - 86.000 chỗ làm việc.
Khu vực thương mại - dịch vụ cần từ 56.200 - 62.400 chỗ làm việc (chiếm 72,63%); công nghiệp - xây dựng nhu cầu từ 21.100 - 23.400 chỗ làm việc (chiếm 27,23%); khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản nhu cầu từ 109 - 120 chỗ làm việc (chiếm 0,14%).
Qua khảo sát nhu cầu sử dụng lao động, thu thập thông tin cầu lao động tại gần 75.000 lượt DN, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cũng cho hay: Tổng nhu cầu nhân lực quý I/2024, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu gồm: Cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa dược - nhựa - cao su cần từ 13.800 - 15.300 chỗ làm việc.
Kết nối cung - cầu rất quan trọng
Từ những con số trên cho thấy, nhu cầu tuyền dụng nguồn nhân lực đã có nhiều khởi sắc đây là dấu hiệu tích cực về thị trường lao động. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, phần lớn nhu cầu tuyển dụng vẫn mang tính thời vụ nên không bền vững. Các địa phương cần phải nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh kết nối cung – cầu thị trường. Nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều người lao động bị thất nghiệp, giảm việc làm do DN không có đơn hàng, việc làm thời vụ có ý nghĩa rất lớn giúp người lao động đảm bảo nguồn thu từ đó sẽ không lựa phương án rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải chi phí sinh hoạt.
Thực tế tại Hà Nội, năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức 214 phiên giao dịch, với sự tham gia của hơn 6.120 DN; 43.476 lao động được phỏng vấn và 15.315 lao động được tuyển dụng. Điều đáng nói, không chỉ ở quy mô thành phố, mỗi quận, huyện cũng thường xuyên triển khai hoạt động tư vấn việc làm, hướng nghiệp học nghề, chia sẻ thông tin cho người lao động. Việc chú trọng các nhóm đối tượng như các gia đình chính sách, sinh viên làm bán thời gian, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ nói riêng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến việc làm.
Cùng với đẩy mạnh kết nối cung – cầu, theo ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH), về lâu dài không chỉ là tạo thêm nhiều việc làm mới mà cần thúc đẩy việc làm chất lượng cao và bền vững, đặc biệt ưu tiên cải thiện chất lượng việc làm trong nhóm việc làm dễ bị tổn thương. Ngoài ra, cần tập trung phát triển nguồn cung lao động chất lượng cao thông qua những thay đổi trong các chính sách về giáo dục nghề nghiệp.
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định, thị trường lao động Việt Nam bước vào năm 2024 trên nền tảng những chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành lao động - thương binh và xã hội đều đảm bảo. Đó là duy trì tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%; lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp 28%. Tuy nhiên, những thách thức mới đến từ tình hình thế giới, sự phát triển vũ bão của công nghệ khiến chúng ta phải có những giải pháp hết sức nhanh nhạy và phù hợp. Chính vì vậy, nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất, là động lực đột phá. Công tác đào tạo nhân lực chất lượng lao chính là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 để Việt Nam không bỏ lỡ xu thế để phát triển kinh tế.